BÁO CHÍ - TRUYỀN THÔNG VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Tác giả: CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG VÀ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Ngày đăng: 27/05/2021

Không riêng báo chí,truyền thông mà tất cả các hoạt động kinh tế,xã hội ngày nay đều liên quan và phải chuyển đổi theo hướng số hoá- theo tôi đó là đòi hỏi của thời đại.Báo chí đi liền với truyền thông và là một thực thể không thể thiếu của đời sống xã hội toàn cầu, đã nhập cuộc thời đại số mấy chục năm qua và phát triển nhanh cả về công nghệ và ứng dụng ở thời kỳ công nghiệp 4.0.Trong phạm vi bài viết này,chúng tôi khái quát về ứng xử của báo chí cả nước trong chiến lược chuyển đổi số (digital transformation) và của Thái Nguyên nữa…

 

I - Báo chí Việt Nam đã và đang tích cực Chuyển đổi số:

          Báo chí nước ta vận hành và phát triển luôn theo sát sự phát triên chung của thế giới, trong nước,kể cả công nghệ và nội dung thông tin. Nước ta sớm có Luật báo chí (1989) và lần sửa đổi gân đây nhất là năm 2016. Nhờ tự do báo chí do các quy định của Luật mà tới nay nước ta có ngót 1000 cơ quan báo chí với hầu như cơ quan chí nào cũng đã, đang và chuẩn bị xây dựng Toà soạn hội tụ. Nghĩa là trong một cơ quan báo chí có đủ các loại hình (báo chữ viết, tiếng nói, ảnh, hình ảnh) và phát triển thông tin ở các nền tảng điện tử hoá để chuyển tải các nội dung. Do yêu cầu nghề nghiệp và đòi hỏi của cuộc sống mà hầu hết những người làm báo hiện nay (khoảng 30.000 người khối nội dung) đều cập nhật kỹ năng làm báo tổng hợp (Khai thác, lấy tư liệu, viết nội dung trên máy tính, chụp ảnh, quay phim, cắt tỉa, chu chỉnh, dựng hình, đưa lên mạng) để tác nghiệp…

        Nói như thế cũng có nghĩa báo chí, truyền thông đã tiếp cận, ứng dụng nền tảng số, đã nhập cuộc chuyển đổi số và ở trong sự chi phối của công cuộc Chuyển đổi số. Tuy vậy, cũng giống như công cuộc Chuyên đổi số ở tất cả các ngành nghề khác, ở trong đời sống hàng ngày của mỗi người, trong ngành báo chí - truyền thông không đơn giản là đưa lên mạng Internet một cách thuần vật lý, cơ học mà chúng ta đang thực hành và thể hiện ở cả các hoạt động mang tính cốt lõi. Đó là những biến đổi đã, đang và tiếp tục diễn ra tại các toà soạn và lĩnh vực báo chí - truyền thông là không có biên giới… Giải thích về Chuyển đổi số ở lĩnh vực báo chí - truyền thông cho dễ hiểu là quá trình chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình công nghệ dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật… Đó là xu thế tất yếu và bắt buộc, vì chuyển đổi số tạo ra sự đổi mới căn bản, toàn diện các hoạt động của toàn xã hội, thâm nhập và chi phối mọi lĩnh vực của đời sống,kể cả tập quán và thói quen sống của người dân. Vì thế, không nên hiểu chuyển đổi số là số hoá và nâng cấp mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông mà chính chuyển đổi số sẽ tạo ra đột phá về lợi ích xã hội. Tại Diễn đàn kinh tế thế giới họp ở Davos (Thụ Sỹ) năm 2015, JohnChambers, Chủ tịch cúa CíscoSystems đã cho rằng: Chuyển đổi số sẽ mở ra một trật tự mới, trong đó kết nối vạn vật là điểm nhấn và kể cả các mối quan hệ.Nước ta, ngày 3-6-2020, Chính phủ ban hành QĐ số749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xác định rõ là quá trình tất yếu của Việt Nam nhằm hiện đại hoá phù hợp xu thế thời đại và trong hành trình hội nhập của nước ta. Là một ngành tiếp xúc sớm nhất, phản ứng nhanh nhất, báo chí - truyền thông chịu tác động trực tiếp của Chuyển đổi số. Do vậy, báo chí vừa phải tuyên truyền cho Chương trình Chuyển đổi số, vừa chấp nhận và tiên phong thực hiện chương trình với thuận lợi và thách thức đan xen. Nước ta có hơn 60 triệu người đang xử dụng mạng xã hội, tức là sử dụng nền tảng Internet, họ đã tự chuyển đổi số cho mình, và phục vụ lao động và đời sống cho chính mình. Báo chí chính thống mặc dù đông đảo nhưng còn hạn chế ở sự nhanh nhậy, tính định hướng cho nên trước thử thách mới này, báo chí cần có sự đổi mới toàn diện để phản ánh các thông tin một cách đúng đắn, phân tích,lý giải các vấn đề một cách có lý, có tình, có giá trị định hướng dư luận, nhất là phải kịp thời, đúng lúc, không bị động trước tốc độ của mạng xã hội. Mới đây Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu: Báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Công an Nhân Dân, Đài THVN, TNVN, TTXVN phải là những cơ quan báo chí đa phương tiện vững mạnh, xung kích trên mặt trận báo chí để bảo vệ Tổ quốc. Trong Chuyển đổi số, báo chí Việt Nam hướng vào: Người đọc, người xem, nhu cầu tâm lý, thói quen; Đổi mới tổ chức, quy trình làm báo; Tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực báo chí - truyền thông (Bao gồm cả lãnh đạo, quản lý, pv, btv…) vì yếu tố con người là quyết định trong Chuyển đổi số. Thực hiện chủ trương sắp xếp, quy hoạch báo chí theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (Khoá XII), Tỉnh Quảng Ninh và Bình Phước đã sáp nhập các cơ quan báo chí của tỉnh, bước đầu cho thấy hiệu quả, phù hợp với quá trình Chuyển đổi số…

II - Báo chí Thái Nguyên và Chuyển đổi số

      Đây là câu hỏi của đồng nghiệp Thái Nguyên dành cho tôi. Và tôi cũng thấy cần trao đổi vì Chuyển đổi số suy cho cùng là quá trình nhập cuộc tiến bộ trong số hoá dữ liệu và nền tảng Internet, nó không hề huyền bí. Câu trả lời là chúng ta - ở mức độ thấp đã chuyển việc sản xuất báo từ thủ công sang kỹ thuật số từ cuối những năm 1990. Đó là lúc Nhà báo Phương Cường (Báo Bắc Thái) sắm chiếc máy ảnh kỹ thuật số (digital) 25 triệu đầu tiên vào năm 1996. Chiếc máy ảnh đã ngay lập tức thay thế những chiếc máy chụp bằng phim Pratica hay Zen nhít lạc hậu, tốn kém, mất thời gian. Đó là lúc những chiếc máy vi tính dùng phần mềm Macsintots đánh chữ, dàn trang (my), ra phim, ra bản diozo rồi đưa vào in hệ tự động nhiều mầu thì ngay lập tức chiếc máy chữ ốptima và cỗ máy in tipo sắp chữ bằng các con chữ cái chì độc hại cũng như thói quen viết tay bằng bút mực của phóng viên trở thành dĩ vãng… Ngày 12-12-2001, Trang thông tin điện tử baothainguyen.org,vn lên mạng intranet và ngày 31-3-2003 lên mạng toàn cầu Internet, Báo Thái Nguyên có “ cửa’ truyền hình cũng đồng nghĩa tờ báo hội đủ yếu tố công nghệ của một toà soạn đa phương tiện, toà soạn hội tụ và thông tin đã toàn cầu, không biên giới. Từ năm 2001, Nhà in Báo Thái Nguyên lắp đặt máy vi tính tại các tỉnh, huấn luyện kỹ thuật, nối mạng internet, chuyển dữ liệu là những số báo Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái về in thành tờ báo, rồi chuyển cho cho bạn phát hành… Đài PTTH Thái Nguyên cũng đã ứng dụng công nghệ số vào hầu hết các công đoạn của quá trình sản xuất và phát sóng. Với việc ứng dụng truyền dẫn và phát sóng ở tầng kỹ thuật Phát sóng số mặt đất và vệ tinh Vinasat1, Vinasat 2 cách nay hơn chục năm, Thái Nguyên đã giải quyết xoá vùng lõm trong nội bộ tỉnh về sóng truyền hình buộc công nghệ phát sóng bằng cột anten Analog phải lui về thứ yếu và quá khứ. Việc chia sẻ thông tin,tư liệu, dữ liệu trong hệ thống mạng nội bộ của Đài PTTH Thái Nguyên cũng như Báo Thái Nguyên được ứng dụng góp phần giảm thiểu tối đa về nhân lực, vật lực và tài nguyên tin tức. Do đó cùng một nguồn tin có thể đưa được ở cả 4 loại hình báo chí của Đài, Báo. Cùng với việc phát sóng qua vệ tinh, làm báo điện tử, Đài PTTH Thái Nguyên mở rộng thông tin đối ngoại ra khỏi biên giới Việt Nam bằng các ngôn ngữ Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc đã mang lại nhiều kết quả tốt, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác,đầu tư. Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên, Cổng thông tin điện tử của tỉnh cũng tham gia vào hoạt động truyền thông, làm cho lĩnh vực này thêm đa dạng.

        Tuy vậy, điều cần lưu ý đối với các cơ quan báo chí - truyền thồng nói chung trong Chuyển đổi số lại không phải từ ứng dụng công nghệ (Vì trước sau gì báo chí cũng phải hoàn thiện ở mức độ 4 của Chuyển đổi số) mà ở chính cuộc chiến thông tin trên môi trường điện tử, mà báo chí chính thống được cơ quan chủ quản giao nhiệm vụ, đó là thông tin hướng dẫn, định hướng, chủ đạo. Báo chí cả nước nói chung và Thái Nguyên nói riêng đang phát triển mạnh về số lượng, không thể lơ là nhiệm vụ xuyên suốt và cốt lõi đó. Chuyển đổi số sẽ làm cho việc quản lý, định hướng thông tin theo hướng chính xác, công tâm…khó khăn hơn. Một khi công cuộc Chuyển đổi số của báo chí Thái Nguyên đạt cấp độ 4, nghĩa là thông tin báo chí, truyền thông và mạng xã hội như trong một thế giới phẳng, một xa lộ thông tin rất đông phương tiện chạy đua trên đó. Lúc đó cần thông tin chính thống nhanh, nhạy, chính xác đẩy lùi thông tin xấu, độc. Cùng với Chuyển đổi số báo chí tiếp tục thực hiện quy hoạch, tiếp tục nhận đặt hàng của chính quyền, ngành, đơn vị. Không dễ gì sản phẩm báo chí kém chất lượng được mua.

       Phục vụ cho quá trình Chuyển đổi số của báo chí, Bộ Thông tin truyền thông trong năm 2021 này có hẳn một chương trình hỗ trợ với 3 nội dung: Quản lý toà soạn điện tử: Phân tích thông tin trên mạng xã hội; Ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của cơ quan báo chí… Tỉnh uỷ, HĐND, UBND đã thể hiện quyết tâm bằng Nghị quyết 01 ngày 31-12-2020 về Chuyển đổi số; các cơ quan,ban ngành của tỉnh, huyện, thành phố, thị xã, xã phường cho đến nay cơ bản đã nối mạng, bước đầu thực hiện Chuyển đổi số; Nhiều thủ tục hành chính được giải quyết trên nền tảng số… Đó là những thuận lợi cho việc thực hiện Chuyển đổi số của Thái Nguyên mà Báo chí Thái Nguyên là những người đi tiếp hành trình./.

                                                                                                              P.H.M

Bạn đang xem: BÁO CHÍ - TRUYỀN THÔNG VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền: