CHO VAY TRẢ LƯƠNG NGƯỜI LAO ĐỘNG: QUY MÔ 7.500 TỶ, GIẢI NGÂN 170 TỶ ĐỒNG
Tính đến 17/8/2021, Ngân hàng Chính sách xã hội mới giải ngân được gần 170 tỷ đồng, tương đương 2,2% doanh số cho vay trả lương người lao động...
Cho vay vay trả lương người lao động vẫn rất chậm
Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, hiện 63/63 chi nhánh của ngân hàng này đã chủ động tiếp cận và hướng dẫn người sử dụng lao động hoàn thiện việc lập hồ sơ vay vốn của gói vay trả lương cho người lao động.
Tuy nhiên, cho đến nay, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội mới tiếp nhận được 308 hồ sơ đề nghị vay vốn của người sử dụng lao động với tổng số tiền 174,6 tỷ đồng để trả lương cho 50.175 lượt người lao động. Trong đó, đã phê duyệt cho vay 276 lượt người sử dụng lao động với số tiền gần 170,7 tỷ đồng để trả lương cho 49.043 lượt người lao động.
Tính đến ngày 17/8/2021, có 51 chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện giải ngân cho 267 người sử dụng lao động với số tiền gần 170 tỷ đồng để trả lương cho 48.737 lượt người lao động.
Trong khi đó, theo Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ được Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn để cho người sử dụng lao động vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc và phục hồi sản xuất kinh doanh. Tổng số tiền tái cấp vốn tối đa 7.500 tỷ đồng với lãi suất là 0%/năm.
Như vậy, việc giải ngân tiền chính sách rất ì ạch. Sau hơn 1 tháng triển khai, Ngân hàng Chính sách xã hội mới giải ngân được 2,2% lượng tiền có thể dùng.
Hiện chính sách cho vay đang có hai dạng chính, đó là cho người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho lao động và cho vay để trả lương người lao động khi phục hồi sản xuất kinh doanh.
Chia sẻ tại hội nghị trực tuyến nhằm đánh giá kết quả thực hiện và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách cho vay trả lương, đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố cho rằng, riêng với việc cho vay trả lương khi phục hồi sản xuất là vấn đề mới và được chia nhỏ thành hai dạng.
Thứ nhất, doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan chức năng để phòng dịch. Thứ hai, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài.
“Thế nhưng, một số địa phương khi thực hiện các biện pháp cách ly, giãn cách, khu vực cách ly y tế chưa quy định cụ thể đối tượng phải dừng hoạt động dẫn đến việc xác định đối tượng người sử dụng lao động phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền gặp khó khăn”, lãnh đạo UBND một tỉnh cho biết.
Ngoài ra, theo phản ánh của một số doanh nghiệp, quy định người lao động phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên là rất khó đối với nhiều đơn vị. Bởi trên thực tế, để bảo đảm thu nhập cho người lao động, không ít doanh nghiệp phải thực hiện chế độ nghỉ luân phiên (đi làm một tuần, nghỉ 1 tuần) đối với từng bộ phận công nhân.
Do đó, khi đối chiếu quy định, nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện được vay vốn, dù thực tế người lao động ngừng việc hơn 15 ngày, nhưng không liên tục. Mặt khác, qua thẩm định cho thấy, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành… chỉ thực hiện ký hợp đồng thời vụ đối với người lao động nên không có cơ sở để giải ngân khoản vay này.
Nhìn nhận vấn đề, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, những kiến nghị của các địa phương trong quá trình tiếp cận chính sách rất trúng và sát thực tiễn. Ngân hàng Nhà nước luôn đồng tình và sẽ nghiên cứu, tham mưu điều chỉnh điều kiện tín dụng phù hợp thực tế. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý, cấp vốn nhanh nhất để Ngân hàng Chính sách xã hội kịp thời giải ngân doanh nghiệp.
Đồng thời, Phó Thống đốc đề nghị, thời gian tới, các cơ quan liên quan, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tích cực tham gia giám sát để đảm bảo cho vay và sử dụng vốn đúng mục đích, bảo toàn vốn của Nhà nước, đảm bảo chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.