CHUYỂN ĐỔI SỐ - BƯỚC ĐỘT PHÁ TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Tác giả: CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG VÀ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Ngày đăng: 23/12/2024

Thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Đồng thời, đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia, do vậy cần triển khai một cách chủ động, linh hoạt với 3 trụ cột: Phát triển chính quyền số, các chủ thể kinh tế số, xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn. Ngoài ra, chuyển đổi số trong xây dựng NTM để từng bước hình thành NTM thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần xây dựng hoàn thành xã NTM kiểu mẫu, huyện NTM nâng cao, hướng đến xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đã tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ số để phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực được người dân đầu tư hình thành các chuỗi liên kết sản xuất tăng nhanh về quy mô, chất lượng cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững. Hiện nay, toàn tỉnh có 173 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; Chương trình OCOP đã tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn. Giá trị kinh tế của các sản phẩm được nâng lên từ 20% trở lên nhờ đạt tiêu chí OCOP, công nghệ số đã đưa các sản phẩm đến với người tiêu dùng một cách nhanh hơn nên doanh số bán hàng của các đơn vị tăng từ 20% - 50%, trong đó doanh thu bán hàng qua mạng và sàn giao dịch điện tử chiếm 30%; đặc biệt có sản phẩm tăng doanh số từ 70 - 100%.

Triển khai xây dựng mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh, xã thương mại điện tử, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương đang thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Trong quá trình nộp hồ sơ, người dân được đánh giá mức độ hài lòng qua phiếu đánh giá. Công tác điều hành của chính quyền đang thực hiện thông qua hệ thống chính quyền điện tử Thái Nguyên. Trên địa bàn xã có 19 tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng địa chỉ số.

Việc tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 cũng như thực hiện chủ trương đưa CĐS vào nông nghiệp nói chung và vào xây dựng NTM nói riêng đã được Chính phủ thông qua và thể hiện tại nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp thời gian qua. Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục tham mưu cho Sở triển khai các chương trình phù hợp với chủ trương, định hướng cũng như góp phần tích cực vào quá trình xây dựng, phát triển của tỉnh; đặc biệt trong xây dựng NTM, NTM nâng cao.

Tiêu biểu như việc triển khai phần mềm quản lý, đánh giá, lấy ý kiến sự hài lòng của người dân và cơ sở dữ liệu các xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên nhiều nền tảng số hóa hồ sơ điện tử thay thế dần việc lưu trữ hồ sơ giấy, tổng hợp báo cáo kết quả xây dựng NTM của các xã, so sánh kết quả thực hiện các tiêu chí theo từng năm đã được triển khai thực hiện. Hiện nay, toàn tỉnh có 108/126 xã có Quyết định công nhận đạt chuẩn NTM, đạt 85,7%; 17 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 04 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 04 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM; các địa phương trên địa bàn tỉnh đang rà soát, lựa chọn và xây dựng dự án, kế hoạch xây dựng mô hình phù hợp với mục tiêu của các Chương trình chuyên đề và lợi thế của địa phương, lựa chọn địa phương, đơn vị để xây dựng mô hình điểm về xã NTM thông minh, xã thương mại điện tử.

Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới. Ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% các địa phương, đơn vị quản lý điều hành trên môi trường điện tử. Chuyển đổi số để giảm tải thủ tục hành chính, gia tăng hiệu quả sản xuất và nâng cao mức sống của người dân đang là giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm mà các ngành, địa phương đang triển khai. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

 

 

Bạn đang xem: CHUYỂN ĐỔI SỐ - BƯỚC ĐỘT PHÁ TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền: