CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ: “BỆ ĐỠ” THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP
Công nghiệp hỗ trợ được xem là “bệ đỡ” thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua, trên cả nước nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng, công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa khởi sắc, các doanh nghiệp, đơn vị chưa thể tham gia vào chuỗi cung ứng, dù đã có sự thay đổi đáng kể về khoa học công nghệ. Vậy, giải pháp nào để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ?
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 4 nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ, gồm: Ngành điện tử, cơ khí chế tạo, sản xuất lắp ráp ô tô và dệt - may. Trong 4 nhóm ngành này, chỉ có duy nhất cơ khí chế tạo được xem là nhóm có sự tăng trưởng khá, giá trị sản xuất của nhóm ngành này mỗi năm đạt trung bình gần 13.000 tỷ đồng, tăng bình quân khoảng trên 20%/năm.
Các nhóm ngành còn lại chỉ tăng bình quân từ 3-10%/năm. Nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt - may được kỳ vọng có sự tăng trưởng lớn bởi hầu hết các doanh nghiệp có lịch sử hình thành lâu đời từ những năm 90 của thế kỷ XX, nhưng cũng không mấy khả quan. Nguyên do là hầu hết các sản phẩm hỗ trợ cho ngành đều phải nhập khẩu hoặc được cung cấp từ các trung tâm dệt may lớn của cả nước, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Giá trị sản xuất của công nghiệp hỗ trợ ngành dệt - may và tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành này không đáng kể. Tỷ trọng các sản phẩm hỗ trợ sản xuất trong nước trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của ngành chỉ đạt khoảng 3-5%/năm.
Còn với công nghiệp hỗ trợ nhóm ngành sản xuất lắp ráp ô tô, tại Thái Nguyên, ngoài một số doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn như: Công ty cổ phần phụ tùng máy số 1; Công ty cổ phần cơ khí Phổ Yên… có thể sản xuất được một số chi tiết phụ tùng cho xe tải và xe máy, các doanh nghiệp địa phương chưa tham gia được vào chuỗi của nhóm ngành này.
Nguyên do là công nghệ sản xuất cơ khí, điện - điện tử và các lĩnh vực liên quan chỉ ở mức trung bình khá, chưa thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị. Thêm vào đó, thị trường ô tô quá nhỏ nên các doanh nghiệp cũng không có động lực đầu tư. Các cơ sở sản xuất phụ tùng và động cơ diesel chỉ tập trung phát triển sản phẩm hỗ trợ lắp ráp xe máy do nhu cầu lớn và phù hợp với năng lực công nghệ của nhà máy.
Là đơn vị có trên 10 năm hoạt động trong lĩnh vực gia công cơ khí, tôi cao tần trục cam cho các hãng xe máy Yamaha, Honda, ông Đoàn Như Hải, Giám đốc Công ty TNHH KH Heat Technology Thái Nguyên, thuộc Tập đoàn KD (Nhật Bản), ở Khu công nghiệp Điềm Thụy (Phú Bình), chia sẻ về những khó khăn của các doanh nghiệp phụ trợ hiện nay: Hạn chế chung đối với doanh nghiệp phụ trợ là khả năng quản lý, vận hành các thiết bị, công nghệ hiện đại. Ngoài ra, đa phần doanh nghiệp phụ trợ nói chung có quy mô hoạt động vừa và nhỏ, nguồn vốn đầu tư các dây chuyền sản xuất còn hạn hẹp. Ngoài ra, các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với lĩnh vực này chưa thực sự hấp dẫn. Đơn cử như tại Nhật Bản, nếu Công ty “mẹ” đầu tư dây chuyền tôi cao tần mới sẽ được Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH Thang máy - Cơ khí Tân Lập (TP. Thái Nguyên), những chính sách về miễn giảm thuế của Việt Nam, của tỉnh đối với doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào địa phương, cùng với đó là công nghệ tiên tiến, tự động của họ sẽ làm giảm chi phí nhân công, góp phần giảm giá thành sản phẩm là một trong nhiều ưu thế khiến doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế hơn doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi các giá trị toàn cầu hiện nay.
Nói như vậy, không có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn những nỗ lực của các doanh nghiệp, đơn vị trong công cuộc đổi mới khoa học, công nghệ thời gian qua. Đơn cử như, tại Công ty TNHH MTV Diezen Sông Công - một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo tại Thái Nguyên. Để thích ứng với thị trường, Công ty đã đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất, nhất là các phần mềm chuyên dụng cho thiết kế, gia công chế tạo khuôn mẫu, điều hành sản xuất đồng bộ ở tất cả các khâu. Hay như Công ty TNHH Glonics Việt Nam, đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất khuôn mẫu chính xác, các sản phẩm, linh kiện chính xác và robot ngành công nghiệp điện tử…
Vậy, giải pháp nào để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Thái Nguyên nói riêng, Việt Nam nói chung? Đầu năm 2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 71/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 68/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025. Đối với Thái Nguyên, UBND tỉnh cũng đã ban phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu: các nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ phấn đấu tăng trưởng bình quân từ 9-20%/năm trở lên.
Theo ý kiến một số chuyên gia cũng như đại diện doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, Nhà nước cần khảo sát, đánh giá nhu cầu của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để có cơ sở kết nối, hỗ trợ; hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng chính sách về thuế nhập khẩu đối với linh kiện, phụ tùng nhập khẩu phù hợp để giúp các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh cắt giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh so với hàng hóa nhập khẩu. Đặc biệt, có hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất, thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; hỗ trợ, tư vấn đào tạo cho các doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản trị doanh nghiệp và quản trị sản xuất phù hợp với yêu cầu quốc tế, đảm bảo tham gia vào các chuỗi sản xuất sản phẩm…
Theo đại diện Sở Công Thương, với nhiệm vụ được giao, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức nhiều chương trình, hội thảo nhằm tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các đơn vị, doanh nghiệp, trên cơ sở đó tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại nếu có. Theo đó, một trong những đề xuất chính của một số đơn vị, doanh nghiệp vẫn là có những sách ưu đãi hơn nữa về thuế; nguồn vốn vay…