CTY KIM LOẠI MÀU THÁI NGUYÊN: SẢN XUẤT BỀN VỮNG, HIỆU QUẢ
Với mục tiêu “Sản xuất bền vững, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên và thân thiện với môi trường”, những năm qua, Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên - Vimico chú trọng đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, giảm giá thành sản phẩm. Qua đó nhiều công trình, đề tài khoa học công nghệ đã được ứng dụng, tạo bước đột phá trong sản xuất, kinh doanh.
Nếu như năm 2021 trở về trước, trung bình mỗi năm Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên có từ 40-52 đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất, thì 3 năm trở lại đây nâng lên trên 70 đề tài, thậm chí năm 2022 là 79 đề tài, sáng kiến. Giá trị làm lợi năm cao nhất 2021, đạt trên 23 tỷ đồng.
Gần đây nhất là năm 2023, đề tài “Xử lý bột kẽm ô xít lò đúc bằng lò ống quay tại Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên” đã được trao giải Khuyến khích Giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam (Vifotex). Hiệu quả của đề tài góp phần thu hồi tối đa tài nguyên chứa kẽm, tận dụng nguyên liệu, thiết bị sẵn có, ổn định nguồn cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy, giảm giá thành sản phẩm kẽm thỏi... tạo thêm việc làm cho người lao động, góp phần vào sự phát triển bền vững. Giá trị làm lợi từ đề tài cho Công ty trên 4 tỷ đồng/năm.
Cũng trong năm 2023, Công ty đã hoàn thành và nghiệm thu đề tài khoa học do Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam giao là “Nghiên cứu công nghệ thu hồi các-bon và kẽm ô xít trong xỉ thải của hệ thống lò quay luyện bột ô xít kẽm 60%Zn tại các phân xưởng luyện kim thuộc TKV”.
Hiệu quả kinh tế mang lại từ đề tài này là tăng thực thu kẽm, giảm tiêu hao than cám hoàn nguyên. Hiệu quả xã hội góp phần tận thu, tái sử dụng tài nguyên khoáng sản, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường do giảm được số lượng chất thải rắn; tạo thêm việc làm cho người lao động.
Trong các “cây” sáng kiến của Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên phải kể đến anh Đỗ Quốc Hương, Trưởng Phòng Luyện kim KCS. Trong 32 năm công tác, anh đã có hàng chục đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, trong đó có đề tài giá trị làm lợi mỗi năm trên 3,3 tỷ đồng như đề tài: “Làm sạch dung dịch 3 giai đoạn - Nhà máy kẽm điện phân Thái Nguyên”.
Đề tài này đạt giải Khuyến khích cuộc thi sáng tạo trẻ lần thứ XIII năm 2016 do Tỉnh đoàn Thái Nguyên tổ chức. Năm 2017, anh nghiên cứu đề tài “Phương án sản xuất tấm dương cực sử dụng trong dây truyền điện phân kẽm từ chì phế và chì thô của Nhà máy kẽm điện phân Thái Nguyên” đạt Ba giải thưởng Vifotex; giá trị làm lợi trên 7 tỷ đồng/năm.
Anh Đỗ Quốc Hương bộc bạch: Tôi và các anh em đồng nghiệp luôn ý thức tìm tòi, nghiên cứu để cải tiến hợp lý hóa sản xuất, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, bảo vệ môi trường… Các ý tưởng, đề tài sau khi đề xuất, báo cáo Hội đồng khoa học -công nghệ (KHCN) và sáng kiến cải tiến kỹ thuật của Công ty, Ban Giám đốc đều nhận được sự động viên, khuyến khích kịp thời. Nhờ đó đã phát huy tính chủ động, sáng tạo trong lao động, sản xuất gắn với nghiên cứu khoa học của công nhân viên.
Đúng như khẳng định của anh Đỗ Quốc Hương, trong quá trình sản xuất, Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên luôn đặc biệt quan tâm đến công tác áp dụng KHCN. Với phương châm là đầu tư dây chuyền công nghệ, thiết bị tiên tiến, phù hợp với tình hình thực tế và đặc điểm của từng loại khoáng sản, đồng thời khuyến khích người lao động nghiên cứu, áp dụng KHCN vào sản xuất; kịp thời khen thưởng các sáng kiến.
Cùng với đó, Công ty còn duy trì tổ chức Hội thi thợ giỏi và tham gia Hội thi thợ giỏi cấp Tổng Công ty Khoáng sản - TKV, cấp Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Các hội thi thợ giỏi góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp và động viên khuyến khích cán bộ, công nhân viên; là dịp tìm ra những người thợ giỏi, có tay nghề cao để đào tạo bồi dưỡng và tôn vinh.
Qua đó, rất nhiều công trình, những đổi mới công nghệ, đề tài KHCN đã phát huy hiệu quả, là bước đột phá mang lại thành công nhất định trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh của Công ty, đảm bảo việc làm cho 1.300 cán bộ, công nhân viên chức với thu nhập bình quân trên 12 triệu đồng/người/tháng.