Đánh giá tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ cải thiện PCI năm 2020; Phương hướng nhiệm vụ năm 2021

Tác giả: CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG VÀ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Ngày đăng: 30/01/2021

Dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Lê Quang Tiến, chiều ngày 29.01.2021 tại Trụ sở UBND Tỉnh. Ban Chỉ đạo PCI Tỉnh Thái Nguyên đã có buổi họp, đánh giá kết quả hoạt động của lĩnh vực PCI năm 2020 và nhiệm vụ năm 2021. Thường trực Hội Doanh nghiệp tỉnh đã tham dự cuộc họp và đóng góp ý kiến tiếp tục phát huy kết quả 2019; 2020.

Từ kết quả năm 2019 về lĩnh vực này, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh năm 2020 nhiều chỉ tiêu thực hiện tốt hơn. Về năm 2019, tóm lược như sau:

* Năm 2019: 9/10 Nhóm các chỉ số đạt tăng:

- Chỉ số Gia nhập thị trường: Năm 2019 chỉ số gia nhập thị trường của tỉnh đạt 7,36 điểm tăng 0,45 điểm so với năm 2018. Chỉ số gia nhập thị trường của năm 2019 là một trong 3 chỉ số đạt trên 7 điểm trong các chỉ số thành phần PCI của tỉnh.

- Chỉ số Tính minh bạch trong tiếp cận thông tin: Năm 2019 đạt 6,69 điểm, đạt cao nhất trong 15 năm khảo sát PCI của tỉnh, tăng 0,57 điểm so với năm 2018, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố tăng 11 bậc (năm 2018 xếp thứ 41/63).

- Chỉ số Chi phí thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính Nhà nước: Năm 2019, chỉ số này đạt 6,63 điểm, xếp thứ 30/63, tăng 0,23 điểm và 7 bậc xếp hạng so với năm 2018.

- Chỉ số Chi phí không chính thức: Năm 2019, đạt 6,31 điểm, xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố, tăng 0,38 điểm, tăng 7 bậc xếp hạng.

- Chỉ số thành phần Cạnh tranh bình đẳng: Năm 2019 đạt 6,59 điểm, tăng 0,79 điểm so với năm 2018 và tăng một bậc trong thứ tự xếp hạng đạt 24/63 tỉnh, thành phố.

- Chỉ số tính Năng động: Năm 2019 chỉ số này đạt 6,55 điểm tăng 0,29 điểm so với năm 2018, xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố.

- Chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp: Năm 2019, đạt 6,05 điểm, tăng 0,24 điểm so với năm 2018, xếp thứ 39/63 tỉnh, thành phố.

- Chỉ số Đào tạo lao động và tạo việc làm: Đây là chỉ số có kết quả đánh giá cao nhất của tỉnh năm 2019. Đạt 7,88 điểm, xếp thứ 5/63 tỉnh, thành trong cả nước. Tăng 0,19 điểm so với năm 2018.

- Chỉ số Thiết chế pháp lý và ANTT: Năm 2019 đạt 7,13 điểm, tăng 0,73 điểm so với năm 2018, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố. Là một trong 3 chỉ số đạt trên 7 điểm trong bảng đánh giá PCI 2019 của tỉnh.

+ Năm 2019 có 01 chỉ số giảm điểm: Đó là chỉ số Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất: Chỉ số này đạt 6,07 điểm giảm 0,3 điểm so với năm 2018 với xếp hạng là 60/63 tỉnh, thành phố, giảm 22 bậc so với năm 2018 và là chỉ số duy nhất giảm điểm trong các chỉ số thành phần PCI của tỉnh năm 2019.

* Năm 2020:

Các cơ quan của tỉnh đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch; Nhất là thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh về Quy định nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025 và tổ chức Hội thi, cuộc thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên.

- Về quy hoạch, cơ chế chính sách của tỉnh, địa phương và các ngành được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang thông tin của các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện đầy đủ, đúng quy định về công khai ngân sách đối với đơn vị dự toán ngân sách…

- 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh được công bố công khai; thường xuyên, định kỳ rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh, các thủ tục hành chính không còn phù hợp, trái với quy định của pháp luật để bãi bỏ hoặc kiến nghị bãi bỏ theo thẩm quyền. Đến nay đã cung cấp tổng số 1.725 dịch vụ hành chính công (toàn bộ số lượng thủ tục hành chính của tỉnh). Trong đó:

+ Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 1,2: 1.725 dịch vụ.

            + Tổng số DVCTT mức độ 3, mức độ 4 là 1337; Trong đó: 738 DVCTT mức độ 3; 599 DVCTT mức độ 4.

-Thời gian giải quyết hồ sơ: Đăng ký DN không quá 02 ngày làm việc; Quyết định chủ trương đầu tư cấp tỉnh không quá 24 ngày; Đăng ký đầu tư không quá 10 ngày; Không có hồ sơ quá hạn vì lý do chủ quan; Nghiên cứu giảm hơn nữa thời gian giải quyết các thủ tục hành chính theo quy định.

* Triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành và địa phương (DDCI):

- Sở Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Đề án triển khai bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành và địa phương; Đã tổ chức lấy ý kiến các ngành và tổng hợp tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của các Sở, ban, ngành và địa phương; Trình UBND tỉnh tại tờ trình số 103/TTr-SKHĐT ngày 14/01/2021.

- Tại Hội nghị đánh giá chỉ số PCI của tỉnh Thái Nguyên vào tháng 7/2020, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã gợi ý một số định hướng cho PCI của tỉnh trong thời gian tới. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên có đề xuất với UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn xem xét xây dựng và triển khai xây dựng đề án DDCI để triển khai áp dụng trên địa bàn tỉnh nhằm tạo động lực cải thiện môi trường đầu tư trong các cơ quan hành chính nhà nước và của tỉnh trong thời gian tới. Sở Kế hoạch Đầu tư đã báo cáo và được UBND tỉnh đồng ý chỉ đạo tại công văn số 3178/UBND-TH ngày 11/8/2020 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc nghiên cứu, triển khai xây dựng đề án Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành và địa phương của tỉnh Thái Nguyên.

- Ngày 03/11/2020 Sở Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng xong dự thảo và có công văn xin ý kiến các ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, hội doanh nghiệp. Đến nay đã trình UBND tỉnh xem xét quyết định.

* Về xây dựng đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025:

- Sở Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, đã lấy ý kiến đóng góp của các ngành tại văn bản số 181/SKHĐT-DNKTTT ngày 25/01/2021.

* Phương hướng nhiệm vụ năm 2021:

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh năm 2021, cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

- Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 28/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Kế hoạch số 74 /KH-UBND ngày 24/5/2019 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 28/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

- Triển khai, quán triệt sâu rộng đến các Sở, ban, ngành, địa phương về Nghị quyết 02/2021/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021. Kế hoạch số 05/KH-UBND ngày 19/01/2021 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 02/2021/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ; Cụ thể hóa Nghị quyết bằng các giải pháp chủ yếu, bằng các kế hoạch của từng ngành, từng lĩnh vực đảm bảo việc thực hiện Nghị quyết được đồng bộ, thống nhất, đạt mục tiêu đề ra.

- Thực hiện hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050; Hoàn thiện và triển khai đồng bộ Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025. Triển khai thực hiện đánh giá DDCI trên địa bàn tỉnh.

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát, đơn giản hóa, áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp nhiều hơn các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4 đối với doanh nghiệp, người dân; Công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, quy trình, quy định hành chính để doanh nghiệp, người dân dễ tiếp cận, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện, nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội…

- Nâng cao hiệu quả các hoạt động liên quan đến đất đai như: Công tác bồi thường GPMB, tái định cư, rà soát lại quỹ đất, hướng dẫn lập điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất năm 2020 và giai đoạn tiếp theo. Công khai quỹ đất chưa giao sử dụng nhằm minh bạch hóa việc tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất đảm bảo cơ sở việc giao đất, cho thuê đất giúp các doanh nghiệp dân doanh bình đẳng trong việc tiếp cận đất đai phục vụ sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

- Thực hiện chủ trương thu hút có chọn lọc các dự án, tập trung thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao; Phát triển các dự án phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững; Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thế mạnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, những dự án có quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh.

Sau những ý kiến phát biểu của lãnh đạo các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các Sở, ban, ngành dự họp và lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã, lãnh đạo hội doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, đồng chí Lê Quang Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã kết luận hội nghị và chỉ đạo như sau:

- Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã bám sát nhiệm vụ được giao xây dựng các kế hoạch cụ thể, phù hợp với thực tiễn  đối với từng địa phương, từng ngành trên cơ sở chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên khóa XX. Chú trọng quán triệt đến đơn vị trực thuộc và toàn thể cán bộ công chức, viên chức tổ chức thực thi công vụ trong đơn vị quyết tâm thực hiện tốt các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Căn cứ vào chỉ đạo, hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương các Sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch thực hiện đối với từng nhóm chỉ số, chỉ số thành phần của chỉ số PCI theo ngành, lĩnh vực được phân công.

- Đồng hành cùng doanh nghiệp, kiến tạo môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp.

- Tạo quỹ đất sạch trong các khu, cụm công nghiệp để doanh nghiệp thuê đất đầu tư sản xuất kinh doanh. Công bố công khai thủ tục liên quan đến cấp chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi thuê đất, khi thuê lại đất trong các khu, cụm công nghiệp.

- Tăng cường công tác trợ giúp pháp lý đối với doanh nghiệp trong việc thành lập, tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại, giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế.

- Phát huy hơn nữa vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp. Cần tăng cường vai trò là đầu mối tập hợp ý kiến các doanh nghiệp, hội viên về nội dung cơ chế chính sách của nhà nước liên quan, tạo sự gắn kết giữa nhà nước với doanh nghiệp.

- Đẩy nhanh việc đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tạo điều kiện để các doanh nghiệp có cơ hội thuận lợi để thuê đất đầu tư sản xuất kinh doanh. Nghiên cứu giải pháp ứng trước chi phí để giải phóng mặt bằng, thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng.

- Tăng vốn cho Quỹ phát triển đất, tạo cơ hội cho doanh nghiệp được vay từ quỹ để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

- Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; Đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ thông tin để góp phần cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, năng động, nâng cao hiệu quả chất lượng phục vụ nhà đầu tư; giúp cho nhà đầu tư khai thác dịch vụ hành chính công được thuận tiện, dễ dàng, nhanh chóng, tiết kiệm chi phí, giảm phiền hà cho nhà đầu tư. Thường xuyên tổ chức đối thoại doanh nghiệp, nhà đầu tư để nắm bắt và tháo  gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức, cá nhân và các dự án đầu tư trên địa bàn./.

                                                                                                           Lê Hiệp (MBEC)

 

Bạn đang xem: Đánh giá tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ cải thiện PCI năm 2020; Phương hướng nhiệm vụ năm 2021
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền: