DOANH NGHIỆP KHÔNG ĐƯỢC THU PHÍ DỊCH VỤ XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG VƯỢT MỨC TRẦN

Tác giả: CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG VÀ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Ngày đăng: 06/01/2022

Mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới sẽ theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp với tổ chức, cá nhân trung gian nhưng không được vượt quá 0,5 tháng tiền lương theo hợp đồng của người lao động cho mỗi 12 tháng làm việc…

 

Ảnh minh họa.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Một trong những nội dung đáng chú ý là quy định rõ về mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới, doanh nghiệp không được thu vượt quá mức này.

Theo đó, mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới được theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp dịch vụ với tổ chức, cá nhân trung gian nhưng không được vượt quá 0,5 tháng tiền lương theo hợp đồng của người lao động cho mỗi 12 tháng làm việc.

Trường hợp hợp đồng lao động có thời hạn làm việc từ 36 tháng trở lên thì mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới không quá 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng của người lao động.

Đối với một số thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể, mức trần được quy định rất rõ. Theo đó, không thu thù lao theo hợp đồng môi giới đối với mọi ngành nghề tại thị trường Nhật Bản và Thái Lan; nghề thuyền viên tàu cá xa bờ, tàu vận tải tại Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc; lao động giúp việc gia đình tại Malaysia, Brunei và các nước Tây Á.

Thông tư cũng quy định mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động đối với một số thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể.

Trong đó, đối với thị trường Nhật Bản, không thu tiền dịch vụ đối với thực tập sinh kỹ năng 3 (trường hợp không thay đổi doanh nghiệp dịch vụ và tổ chức quản lý); lao động kỹ năng đặc định (trường hợp hoàn thành chương trình thực tập sinh kỹ năng số 2 hoặc thực tập sinh kỹ năng số 3 đủ điều kiện tiếp nhận sang lao động kỹ năng đặc định).

Với lao động kỹ thuật cao, lao động xây dựng đóng tàu theo chế độ hoạt động đặc định, mức trần là 0,7 tháng tiền lương/mỗi 12 tháng hợp đồng và tối đa không quá 2 tháng tiền lương/hợp đồng từ 36 tháng trở lên.

Tại thị trường Đài Loan (Trung Quốc), mức trần đối với ngành hộ lý và y tá tại bệnh viện, trung tâm dưỡng lão cũng là 0,7 tháng tiền lương/mỗi 12 tháng hợp đồng và tối đa không quá 2 tháng tiền lương/hợp đồng từ 36 tháng trở lên.

Với ngành chăm sóc người bệnh tại gia đình (khán hộ công gia đình), giúp việc gia đình, nông nghiệp, thuyền viên tàu cá gần bờ, mức trần là 0,4 tháng tiền lương/mỗi 12 tháng hợp đồng và tối đa không quá 1 tháng tiền lương/hợp đồng từ 36 tháng trở lên.

Còn tại thị trường Hàn Quốc, mức trần đối với ngành thuyền viên tàu cá gần bờ là 0,7 tháng tiền lương/mỗi 12 tháng hợp đồng và tối đa không quá 2 tháng tiền lương/hợp đồng từ 36 tháng trở lên.

Tại Malaysia và các nước Tây Á, không thu tiền dịch vụ đối với lao động giúp việc gia đình.

 

https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-khong-duoc-thu-phi-dich-vu-xuat-khau-lao-dong-vuot-muc-tran.htm

Bạn đang xem: DOANH NGHIỆP KHÔNG ĐƯỢC THU PHÍ DỊCH VỤ XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG VƯỢT MỨC TRẦN
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền: