DOANH NGHIỆP THÁI NGUYÊN VỚI HÀNH TRÌNH CHUYỂN ĐỔI XANH

Tác giả: CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG VÀ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Ngày đăng: 23/12/2024

Để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu và nắm bắt các cơ hội của quá trình chuyển đổi carbon thấp, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 năm 2021. Đây là bài toán lớn không chỉ của Chính phủ mà thuộc trách nhiệm của tất cả người dân Việt Nam và trọng tâm là các doanh nghiệp. Đối với tỉnh Thái Nguyên, thực hiện Phương án bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên; phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trong Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các nội dung của Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp để thực hiện các nội dung, mục tiêu.

UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2030 nhằm thực hiện có hiệu quả phương án bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên; phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh của tỉnh Thái Nguyên, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi carbon thấp, đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Ba mục tiêu mà Thái Nguyên tập trung thực hiện là: Xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.

Việc xanh hóa các ngành kinh tế chính là áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Có thể kể đến như Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn - TKV (Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam. Tại công ty Hệ thống cây xanh trồng trong khuôn viên Công ty được chăm sóc, tạo cảnh quan xanh mát. Ở các phân xưởng, công nhân tự góp cây trồng, xây dựng không gian xanh để sau mỗi giờ làm việc nghỉ ngơi, uống trà trò chuyện.Với khẩu hiệu “An toàn - Đổi mới - Phát triển” và “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”, tại các khu vực có mặt bằng, Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn - TKV giao trách nhiệm cụ thể cho từng phân xưởng, phòng, ban chủ động quản lý, vệ sinh, trồng cây xanh, cây cảnh. Cùng với sản xuất điện an toàn, Công ty luôn chú trọng thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, coi đây là trọng tâm trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Hằng tuần, Công ty tổ chức kiểm tra, đánh giá việc phân loại, xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp theo đúng quy trình, định kỳ nạo vét tro xỉ trong các bể lắng, rãnh thoát nước, đảm bảo nước chảy ra các cửa xả không vượt thông số cho phép.

Cũng Tiên phong trong hành trình chuyển đổi xanh của tỉnh phải kể đến Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG. Doanh nghiệp cam kết phát triển xanh với việc đổi mới trong triển khai các dự án để tiệm cận hơn với tiêu chuẩn phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Các nhà máy của TNG tại huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, Cụm công nghiệp Sơn Cẩm được xây dựng, vận hành hướng tới sự phát triển bền vững toàn diện về kinh tế - xã hội và môi trường. Nhà máy phụ trợ tại TP. Sông Công được chứng nhận Lotus bạc, Nhà máy xanh Võ Nhai đạt tiêu chuẩn LEED.Các nhà máy của TNG đều sử dụng phần mềm mô phỏng tính toán trong thiết kế để giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng. Công ty lựa chọn vật liệu phù hợp, thân thiện với môi trường. Trong quá trình đầu tư công nghệ TNG đặc biệt quan tâm trang bị hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại, đảm bảo tiết kiệm nhiên liệu, vừa tăng cường sử dụng sản phẩm có hàm lượng VOC và Formaldehyde thấp để đảm bảo sức khỏe người lao động.

Bên cạnh đó, Thái Nguyên đã thực hiện nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong các KCN. Cụ thể, tỉnh đã hướng dẫn các doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường, đồng thời tăng cường kiểm tra, lấy mẫu đột xuất để đánh giá tình hình xả thải. Những doanh nghiệp vi phạm đều bị xử lý nghiêm. Năm 2023, hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025, các doanh nghiệp trong các KCN tỉnh Thái Nguyên đã đăng ký trồng mới 6.600 cây xanh, gấp 6 lần so với năm 2022, góp phần xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp.

Các nỗ lực của Thái Nguyên trong công cuộc chuyển đổi xanh không chỉ mang lại lợi ích về môi trường, mà còn góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh nhà là một điểm đến hấp dẫn, thân thiện với nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp. Với những kết quả đạt được, Thái Nguyên đang từng bước khẳng định vai trò tiên phong của mình trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Những bước đi vững chắc của tỉnh Thái Nguyên không chỉ mang lại lợi ích về môi trường, mà còn là tiền đề để tỉnh trở thành một địa phương năng động, hấp dẫn, thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.

 

Bạn đang xem: DOANH NGHIỆP THÁI NGUYÊN VỚI HÀNH TRÌNH CHUYỂN ĐỔI XANH
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền: