Doanh nghiệp vừa và nhỏ: Chuyển đổi để “vượt bão”
"Cơn bão" COVID-19 vừa qua giai đoạn càn quét mạnh nhất, thì “trận cuồng phong” giá xăng dầu, vật giá leo thang tiếp tục “quật” vào các doanh nghiệp. Trước ảnh hưởng của nhiều yếu tố tiêu cực, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã kiên cường, sáng tạo, phát huy bản lĩnh để vừa hiệp lực vượt khó, vừa lựa sức “chuyển mình vượt bão”.
Thái Nguyên hiện có hơn 7.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên hầu hết các lĩnh vực, với tổng vốn đăng ký gần 100 nghìn tỷ đồng, trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thời gian qua, các doanh nghiệp chịu tổn thất không nhỏ do tình hình dịch COVID-19 phức tạp kéo dài, cộng với tình hình xung đột Nga - Ukraine khiến giá nhiên liệu, năng lượng tăng cao, kéo theo một loạt hệ lụy như: Chi phí vận chuyển, giá nguyên liệu đầu vào tăng làm nâng giá thành sản xuất…
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, tuy chưa có số liệu chính thức về số doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch nhưng con số này là không nhỏ. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp đều có hướng đi riêng để khắc phục khó khăn, duy trì hoạt động… Ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp T.P Thái Nguyên, cho biết: Bên cạnh sự hỗ trợ rất lớn của chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh, sự đoàn kết, hợp tác cùng phối hợp của các doanh nghiệp trong tỉnh, sự nỗ lực vượt khó của mỗi doanh nghiệp là rất đáng ghi nhận. Nhiều doanh nghiệp đã năng động tìm kiếm thị trường, thay đổi phương thức hoạt động nhằm tiết giảm chi phí… Một trong những điểm đáng ghi nhận nhất là các doanh nghiệp đã tích cực chuyển đổi số theo tinh thần chung của tỉnh.
Nhờ sự hỗ trợ “mua cho nhau, bán cho nhau” từ các đơn vị trong Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Công ty CP Thương mại thép Việt Cường đã duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định, đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2022.
Thực tế, chuyển đổi số - câu chuyện hết sức thời sự của tỉnh Thái Nguyên - đã được các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh coi như “phao cứu sinh” để tồn tại giữa đại dịch. Không cần công nghệ mới đến mức dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT) hay điện toán đám mây (Cloud)..., đại diện các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng, việc chuyển đổi số phải từ những hoạt động nhỏ nhất, như: Làm việc tại nhà, họp và giao việc online; phòng làm việc không giấy tờ; chuyển đổi kênh bán hàng truyền thống sang trực tuyến… Chuyển đổi số đã giúp doanh nghiệp tạo nét văn hóa mới, năng động, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.
Câu chuyện chuyển đổi số của Công ty CP Incomtech Việt Nam, có trụ sở tại T.P Thái Nguyên, chuyên kinh doanh các dòng sản phẩm bàn, ghế, đồ nội thất cao cấp là một ví dụ. Khi dịch COVID-19 bùng phát, Công ty đã đẩy mạnh hoạt động bán hàng trực tuyến, chuyển đổi nhân lực sang làm việc online. Toàn bộ hoạt động điều hành của Công ty đều thông qua các phần mềm, ứng dụng trên điện thoại di động, giúp khắc phục khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
Ông Đỗ Văn Nhẫm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Incomtech Việt Nam, chia sẻ: Do ảnh hưởng của đại dịch, doanh thu của chúng tôi sụt giảm đến hơn 40%/năm, từ hơn 25 tỷ đồng còn hơn 15 tỷ đồng. Chúng tôi đã tập trung khắc phục vấn đề này bằng kênh bán hàng trực tuyến. Nếu như trước kia, kênh bán hàng online của đơn vị chỉ chiếm 30% doanh thu, thì nay đã tăng lên hơn 70%. Nhiều nhân viên không trực tiếp đến Công ty mà làm việc trực tuyến tại nhà, nhưng hiệu suất công việc tăng từ 10-20%.
Bên cạnh chuyển đổi số, Công ty CP Incomtech Việt Nam đã đầu tư máy móc hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh tối ưu hóa hoạt động bằng công nghệ số, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư trang thiết bị hiện đại để tạo ra các dòng sản phẩm mới, cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm với giá thành tốt nhất. Bà Đinh Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Aluminum Hàn Việt (Khu công nghiệp Điềm Thụy), nói : Nhiều doanh nghiệp sợ thời điểm hậu COVID-19, nhưng Công ty chúng tôi lại coi đây là cơ hội để khẳng định chất lượng sản phẩm của mình. Chúng tôi đã tiên phong trở thành doanh nghiệp do người Việt làm chủ tạo ra sản phẩm nhôm hợp kim thỏi (ingot) và thanh (billet) đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Đi vào hoạt động trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, cộng thêm tác động tiêu cực từ cuộc xung đột chính trị nhưng doanh nghiệp đang liên tục phát triển và tiếp tục mở rộng thị trường.
Ngoài việc tự chuyển đổi, thích ứng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đoàn kết, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn thông qua chương trình “mua cho nhau, bán cho nhau” của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. Hoạt động này đã tạo “cú hích” rất lớn, giúp nhiều doanh nghiệp của tỉnh Thái Nguyên duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định trong đại dịch COVID-19 và tiếp tục là động lực giúp các doanh nghiệp phục hồi.
Ông Lê Mạnh Cường, Giám đốc Công ty CP Thương mại thép Việt Cường, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp T.P Phổ Yên cho hay: Doanh nghiệp chúng tôi có quy mô nhỏ, dưới 30 lao động, thế mạnh là sản phẩm kết cấu thép. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, Công ty có rất nhiều đơn hàng tại các tỉnh. Nhưng trong điều kiện lưu thông hàng hóa có thời điểm bị “đứt gãy” bởi dịch, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Rất may, từ chương trình “mua cho nhau, bán cho nhau”, doanh nghiệp đã vươn lên, duy trì doanh thu, lợi nhuận đạt ổn định trên 20 tỷ đồng/năm và đang tiếp tục giữ đà phát triển trong thời gian tới.
Dịch bệnh đã có phần lắng dịu, những tác động tiêu cực của thị trường thế giới cũng đang nằm trong phạm vi kiểm soát. Thời gian này có thể coi là "thời điểm vàng" để các doanh nghiệp vươn lên. Từ sự nỗ lực nội tại, các doanh nghiệp đang tiếp tục khẳng định vị thế vững chắc trước các “cơn bão” của thị trường.