“ĐỨT GÃY” CÁC YẾU TỐ ĐẦU VÀO KHIẾN DOANH NGHIỆP THỦY SẢN KHÓ PHỤC HỒI SẢN XUẤT

Tác giả: CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG VÀ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Ngày đăng: 28/09/2021

Những ngành hàng tỷ USD như thủy sản, lâm sản đang rơi vào tình trạng báo động bởi đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước. Doanh nghiệp đang phải đối mặt với nguy cơ mất khách hàng nếu không sớm khôi phục sản xuất…

Theo tính toán của VASEP, thời gian trung bình để doanh nghiệp khôi phục được 50% công suất cần từ 3 - 6 tháng; khôi phục 70% công suất sản xuất cần từ 9 tháng - 1 năm; khôi phục 100% công suất sản xuất cần khoảng 1,5 - 2 năm. Việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi các nguyên nhân như doanh thu và dòng tiền bị gián đoạn, giá cả đầu vào leo thang, sự đứt gãy nguồn cung nguyên - nhiên - vật liệu và lực lượng lao động…

 THIẾU NGUYÊN LIỆU CHO ĐƠN HÀNG CUỐI NĂM

Dịch bệnh bùng phát, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long giảm diện tích nuôi tôm, cá khiến nguyên liệu cho ngành thuỷ sản nguy cơ thiếu trầm trọng những tháng tới. Đây là lo ngại được các doanh nghiệp nêu ra tại Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông, thủy sản ngày 17/9.

 "Chúng tôi chủ động tăng giá tôm nhưng nhiều người dân vẫn lo lắng dịch bệnh bùng phát gây ảnh hưởng giá cả sau này nên họ giảm diện tích nuôi trồng," ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú nói. Với thực trạng trên, ông Phú dự báo 3 tháng tới nguyên liệu tôm sẽ thiếu trầm trọng, doanh nghiệp không thể đáp ứng đơn hàng cho đối tác nước ngoài những tháng cuối năm.

 Các doanh nghiệp sản xuất chế biến thuỷ sản tại Tiền Giang, An Giang cũng chung tình cảnh vì nông dân đang ngại tái nuôi thuỷ hải sản. Nguyên nhân là các sản phẩm cá, tôm, cua của họ thời gian qua do ảnh hưởng của việc giãn cách phòng chống Covid-19 nên bị ùn ứ, khó tiêu thụ. Trong khi đó, công suất chế biến tại nhiều nhà máy chỉ đạt khoảng 30 - 40% vì làm "3 tại chỗ".

Dự báo 3 tháng tới nguyên liệu tôm sẽ thiếu trầm trọng, doanh nghiệp không thể đáp ứng đơn hàng cho đối tác nước ngoài những tháng cuối năm.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Quang đề xuất chính quyền cần khuyến khích người dân thả nuôi tôm ngay từ bây giờ để cuối tháng 11, tháng 12 có tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu đi các nước. Ông cũng đề nghị các địa phương ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động để họ sớm trở lại sản xuất.

 Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng các địa phương cần sớm cho các doanh nghiệp mở cửa trở lại. Hiệp hội mong Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có ý kiến tới các địa phương sớm phê duyệt phương án hoạt động "3 tại chỗ" để doanh nghiệp sớm hoạt động và xem xét bỏ quy định cách ly 14 ngày đối với lực lượng đi thu hoạch cá tại các tỉnh bằng việc xét nghiệm PCR.

 Theo tính toán của VASEP, thời gian trung bình để doanh nghiệp khôi phục được 50% công suất cần từ 3 - 6 tháng; khôi phục 70% công suất sản xuất cần từ 9 tháng - 1 năm; để khôi phục 100% công suất sản xuất cần khoảng 1,5 - 2 năm.

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, cho biết ngành cá tra cũng đang gặp áp lực rất lớn. Hàng nghìn tấn cá tra quá lứa nằm chờ dưới ao, nông dân nguy cơ thua lỗ nhưng công nhân thu hoạch cá tra dù đảm bảo điều kiện phòng chống dịch, khi vào địa phương vẫn bị bắt buộc phải cách ly 14 ngày, dẫn tới đứt gãy cả chuỗi sản xuất. "Nếu tình hình này còn tiếp diễn, ngành cá tra sẽ còn bị ảnh hưởng đến cả năm 2022. Hiện, chúng tôi vẫn may mắn duy trì 50% công suất, nhưng để khôi phục lại 100% như trước, công ty còn chưa biết đến giờ," bà Khanh cho hay.

 Đại diện VASEP cho biết, thời điểm giữa tháng 7, nhiều doanh nghiệp chỉ tính toán dịch kéo dài 2 - 3 tuần, không ai đánh giá được dịch kéo dài đến 2 tháng hoặc hơn. Trong trường hợp doanh nghiệp được trở lại sản xuất bình thường sau khi nới lỏng giãn cách sau 15/9, khả năng đáp ứng được các đơn hàng cho mùa lễ cuối năm cũng khá hạn chế. Còn những đơn hàng mới hầu như khó thực hiện.

 LỰC LƯỢNG LAO ĐỘNG KHÓ PHỤC HỒI NHƯ TRƯỚC

Bên cạnh việc thiếu nguồn cung nguyên vật liệu, việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp thủy sản còn đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi nguyên nhân khó quy tụ lại lực lượng lao động như ban đầu. Lý do là bởi công nhân chưa được tiêm vaccine nên chưa thể đến cơ sở sản xuất, đã về quê, cách ly, đang điều trị Covid-19… hay việc vận hành “3 tại chỗ” thời gian dài cũng khiến người lao động mệt mỏi.

 Hiện, chỉ có khoảng 30% các nhà máy chế biến thủy sản tại khu vực này duy trì được sản xuất cầm chừng theo điều kiện đảm bảo được “3 tại chỗ”. Với những nhà máy thực hiện được, số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ từ 10 - 50% số lượng lao động. Theo kết quả khảo sát của VASEP, tỷ lệ tiêm vaccine cho người lao động tại các nhà máy chế biến thủy sản các tỉnh từ Nam Trung bộ trở vào mới đạt trung bình từ 30 -35% cho mũi 1, tỷ lệ tiêm mũi 2 thì rất thấp, dưới 5%.

 Việc này không chỉ tác động đến tâm lý các doanh nghiệp, mà còn đặc biệt ảnh hưởng đến phương án sản xuất và khả năng phục hồi sản xuất. Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (Sadaco) cho biết tỷ lệ công nhân được tiêm vaccine ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế bởi doanh nghiệp có sức chịu đựng kém, không đủ khả năng hoạt động "3 tại chỗ". Bên cạnh đó, những doanh nghiệp sản xuất cầm chừng thì không có tiếng nói trong khi chính sách tiêm ngừa vaccine chủ yếu tập trung vào khu công nghiệp.

Khi số lượng nhân công còn lại mệt mỏi vì “3 tại chỗ”, phúc lợi mới sẽ góp phần động viên, thúc đẩy tinh thần sản xuất.

Bên cạnh vấn đề cần ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân lao động, ông Nguyễn Hoài Nam đại diện VASEP cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có ý kiến sớm với Bộ Y tế có hướng dẫn về vấn đề xét nghiệm ở doanh nghiệp; trong đó, quy định rõ về tỷ lệ số công nhân phải test, thời gian test lại và cụ thể cho các trường hợp: chưa tiêm vaccin, đã tiêm 1 mũi và đã tiêm 2 mũi.

 Đồng thời, không nên cực đoan đóng cửa doanh nghiệp nếu lây nhiễm chỉ trong phạm vi hẹp của 1 dây chuyền/phân xưởng/bộ phận riêng biệt. Các địa phương cho phép người lao động đang mắc kẹt ở các khu nhà trọ được về quê hoặc quay trở lại làm việc trước khi xét nghiệm. Đồng thời, nên xét nghiệm miễn phí, hỗ trợ tiền đi đường để họ có thể về quê hoặc đi làm khi có xét nghiệm âm tính.

 Theo VASEP, khi số lượng nhân công còn lại mệt mỏi vì “3 tại chỗ”, phúc lợi mới sẽ góp phần động viên, thúc đẩy tinh thần sản xuất. VASEP đã đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hỗ trợ bữa ăn cho công nhân viên, kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng chung tay trả lương cùng doanh nghiệp…

Bạn đang xem: “ĐỨT GÃY” CÁC YẾU TỐ ĐẦU VÀO KHIẾN DOANH NGHIỆP THỦY SẢN KHÓ PHỤC HỒI SẢN XUẤT
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền: