HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA: TẠO ĐÀ CHO SỰ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG

Tác giả: CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG VÀ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Ngày đăng: 29/12/2022

Trong những năm gần đây, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có những bước phát triển cả về số lượng, quy mô và chất lượng, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Với mục tiêu thực hiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV); tạo môi trường đầu tư và kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thông thoáng và thuận lợi để DNNVV có cơ hội phát triển nhanh và bền vững, đóng góp cho sự phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh, ngày 18/8/2021, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 2704/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025”.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có hơn 8.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm trên 96% tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh. Trong hơn 2 năm qua, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung, DNNVV nói riêng. Việc giảm mạnh về đơn hàng, chi phí đầu vào lại tăng cao khiến không ít doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, mất khả năng thanh toán và trên bờ vực phá sản. Chính vì vậy Đề án được triển khai đã tạo thêm niềm vui, hy vọng, đặc biệt là động lực để các DNNVV trên địa bàn tỉnh tiếp tục nỗ lực, cố gắng duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đề án được triển khai từ năm 2021 đến hết năm 2025, đề ra mục tiêu cụ thể, đó là: tạo thêm việc làm mới từ 10.000 đến 12.000 lao động; phấn đấu bình quân mỗi năm có trên 800 doanh nghiệp được thành lập mới; thu ngân sách nhà nước khối DNNVV tăng bình quân 10 - 12%/năm và giá trị xuất khẩu tăng bình quân từ 11%/năm trở lên. Phấn đấu đến năm 2025 có 100% DNNVV được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và có trên 10% doanh nghiệp số; phấn đấu hỗ trợ từ 10 - 20% DNNVV ứng dụng công nghệ số để hình thành doanh nghiệp thông minh, sản phẩm thông minh.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Đề án đã đề ra một số nội dung hỗ trợ cụ thể cho DNNVV, như:  Hỗ trợ chuyển đổi số; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ DNNVV gia nhập thị trường; Hỗ trợ thuế, kế toán; Hỗ trợ tiếp cận tín dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho doanh nghiệp; Hỗ trợ thông tin, tư vấn; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; Hỗ trợ pháp lý; Hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, thành lập mới trên địa bàn; Hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và Hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành,chuỗi giá trị.

Trong Đề án cũng quy định rõ việc tổ chức triển khai thực hiện của các sở, ban, ngành, tổ chức, đơn vị, các địa phương và Hội, Hiệp hội doanh nghiệp; các cá nhân, tổ chức, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Trong đó nhấn mạnh: Căn cứ vào nhiệm vụ, chức năng được giao, các cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp xây dựng kế hoạch, chính sách tương ứng thực hiện Đề án; triển khai hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp về xúc tiến đầu tư, xây dựng, bảo vệ và quảng bá thương hiệu, về pháp lý; đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình hỗ trợ DNNVV tỉnh Thái Nguyên; hướng dẫn đào tạo nghề đối với lao động làm trong doanh nghiệp; đẩy mạnh các chương trình, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hướng dẫn, tuyên truyền về công tác thuế, các chính sách, pháp luật về thuế; tư vấn miễn phí các thủ tục hành chính về thuế; rút ngắn thời gian giải quyết các hồ sơ, thủ tục liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DNNVV, hộ kinh doanh,…

Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025” thực sự là đề án rất thiết thực và cần thiết để triển khai thực hiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thúc đẩy phát triển nhằm hỗ trợ phát triển DNNVV, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thông thoáng và thuận lợi để các DNNVV có cơ hội phát triển nhanh và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên trong những năm tiếp theo. Vì vậy bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần chủ động, nỗ lực đổi mới, sáng tạo, đầu tư và ứng dụng CNTT; hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu./.

 

P.V

Bạn đang xem: HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA: TẠO ĐÀ CHO SỰ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG
Bài trước Bài sau
popup

Số lượng:

Tổng tiền: