KHÔNG ĐỂ ĐỨT GÃY CHUỖI CUNG ỨNG HÀNG HÓA DỊP CUỐI NĂM

Tác giả: CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG VÀ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Ngày đăng: 23/12/2024

Cùng với các hoạt động tái thiết, phục hồi sau bão số 3, trong dịp cuối năm, nhu cầu hàng hoá có xu hướng gia tăng. Do đó, việc đảm bảo thị trường hàng hoá tiêu dùng, nhất là lương thực, thực phẩm, luôn dồi dào, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, tăng giá bất thường, được các ngành, đơn vị cung ứng, HTX trong tỉnh chủ động triển khai.

Mặc dù cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão vừa qua đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh, dẫn đến năng suất lúa, khoai lang, rau các loại giảm so với cùng kỳ nhưng với kinh nghiệm đúc rút trong quá trình canh tác, thời điểm này, các doanh nghiệp, hợp tác xã và người trồng rau an toàn trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn tái sản xuất, khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, tiến hành làm đất và chuẩn bị các loại vật tư nông nghiệp, bắt tay vào việc xuống giống, gieo trồng để kịp xuất bán với hy vọng được mùa, được giá, bảo đảm nguồn rau, củ, quả dồi dào, phục vụ thị trường vào dịp cuối năm. Là đơn vị sản xuất rau xanh lớn trên địa bàn huyện Phú Bình, HTX Bình Minh có quy mô 10ha với 58 thành viên tham gia. Hiện, rau xanh của HTX được sản xuất theo quy trình vietgap và cung cấp cho một số siêu thị, cửa hàng, bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh. Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, 4ha rau xanh của HTX bị thiệt hại nặng nề. Để nhanh chóng phục hồi sản xuất, HTX đã tập trung nhân lực, vật lực, đảm bảo nguồn cung cấp rau xanh cho thị trường từ nay đến tết nguyên đán cũng như bù đắp thiệt hại cho các thành viên.

Còn đối với lĩnh vực chăn nuôi, các chủ trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi  trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm vào những tháng cuối năm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt, kiểm soát tốt con giống, dịch bệnh và theo dõi sát sao diễn biến của thị trường để đảm bảo nguồn cung chất lượng, phù hợp.

Để khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão, bảo đảm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm của người tiêu dùng từ nay đến cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, ngành Nông nghiệp đã chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm hoạt động sản xuất ổn định, bền vững. Ngoài việc triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông năm 2024, xây dựng phương án bảo vệ thực vật, làm tốt công tác dự tính, dự báo và phòng trừ sâu bệnh vụ Đông 2024, ngành Nông nghiệp tiếp tục triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ; thực hiện cơ cấu lại chăn nuôi. Cùng với đó, tổ chức tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm và phun khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi đúng kế hoạch; tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản, bảo đảm phát hiện nhanh, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan; mở rộng diện tích nuôi cá thâm canh, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động bà con đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật; thực hiện đa dạng hoá chủng loại sản phẩm, mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn, đẩy mạnh áp dụng quy trình VietGAP. Đối với các hộ chăn nuôi, khi vào đàn hoặc tăng đàn lợn phải bảo đảm nguồn giống an toàn, sạch bệnh và chất lượng, thực hiện việc loại thải những con kém chất lượng, giữ lại những con có chất lượng tốt trong đàn, đúng phẩm cấp giống, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; tính toán kỹ việc duy trì đàn lợn với số lượng đầu con hợp lý; tăng cường các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp với từng giai đoạn, bổ sung vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin để tăng khả năng miễn dịch; thường xuyên quét dọn, vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi.

Cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao cũng là thời điểm vàng để các cơ sở chăn nuôi xuất bán hàng hóa ra thị trường. 9 tháng đầu năm, dự ước sản lượng lương thực có hạt vụ Đông Xuân trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 215 nghìn tấn, bằng gần 50% kế hoạch năm; sản lượng rau các loại ước đạt gần 230 nghìn tấn, bằng trên 81% kế hoạch năm. Sản lượng chăn nuôi đạt trên 168 nghìn tấn, bằng trên 76% kế hoạch năm, Dự ước sản lượng chăn nuôi năm 2024 đạt gần 223 nghìn tấn, bằng 100% kế hoạch tỉnh Thái Nguyên sẵn sàng cung ứng ra thị trường vài chục nghìn tấn thực phẩm các loại. Việc chủ động của các cơ sở chăn nuôi góp phần tạo dựng thị trường thực phẩm đa dạng, phong phú với nguồn cung tương đối dồi dào, chất lượng./.

 

Bạn đang xem: KHÔNG ĐỂ ĐỨT GÃY CHUỖI CUNG ỨNG HÀNG HÓA DỊP CUỐI NĂM
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền: