NGÀNH VẬT LIỆU XÂY DỰNG NỖ LỰC VƯỢT KHÓ
Tác động của suy thoái kinh tế, giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao trong khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được do nhu cầu xây dựng giảm mạnh... là những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên gặp khó. Nỗ lực vượt khó bằng các giải pháp cụ thể từ chiến lược kinh doanh đến tiết giảm chi phí sản xuất đang được các DN triển khai thực hiện để ổn định sản xuất và duy trì tăng trưởng.
Mặc dù đây là thời điểm các công trình xây dựng đang gấp rút hoàn thành tiến độ, đặc biệt, nhiều Bộ, ngành, địa phương đang tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tuy nhiên sản lượng tiêu thụ các sản phẩm gạch xây dựng bằng gốm, sứ cũng không mấy khả quan. Tính đến hết tháng 10, sản lượng tiêu thụ chỉ đạt trên 33,5 triệu sản phẩm, giảm khoảng 25% so với cùng kỳ và đạt dưới 20% kế hoạch năm. Khảo sát thực tế tại một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cho biết, ngay từ đầu năm 2024 hầu hết các nhà máy đều sản xuất dưới công xuất thiết kế. Mặc dù kế hoạch sản xuất cũng được điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu thị trường, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn không thể hoàn thành kế hoạch đề ra.
10 tháng năm 2024, sản lượng sản xuất và tiêu thụ xi măng trên địa bàn tỉnh đạt 1,8 triệu tấn, giảm trên 11% so với cùng kỳ. Tính riêng 9 tháng năm 2024, sản lượng sản xuất và tiêu thụ mới chỉ đạt 55,2% kế hoạch năm và giảm gần 12% so với cùng kỳ. Trước thực tế này, nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng của tỉnh đã tập trung khắc phục bằng nhiều giải pháp tái cấu trúc hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong đó, các giải pháp hướng đến tiết giảm cho phí, hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm được nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này quan tâm trú trọng.
Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành vật liệu xây dựng, ngành sản xuất thép cũng đứng trước nhiều thách thức. Chủ động, linh hoạt trước những diễn biến thị trường, ngành sản xuất kinh doanh thép của tỉnh vẫn duy trì đà tăng trưởng dương. Đáng chú ý, sản lượng tiêu thụ quý III và đầu quý IV duy trì xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt trước những biến động của thị trường là tiền đề để doanh nghiệp này hướng tới mục tiêu tăng trưởng trên 17% trong năm nay.
Ngoài tác động của bão giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, suy thoái kinh tế toàn cầu và rào cản thương mại của các nước nhập khẩu VLXD, trong nước lĩnh vực bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng, kéo theo sự hồi phục chậm chạp của các DN ngành VLXD. Bên cạnh đó, sự mất cân đối giữa cung - cầu do tình trạng dư thừa nguồn cung, gây nên tình trạng cạnh tranh khốc liệt giữa các DN. Để từng bước khắc phục khó khăn này, các DN phải chủ động thực hiện các chiến lược nhằm duy trì hoạt động ổn định và thúc đẩy sự tăng trưởng. DN nên ưu tiên ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trên cơ sở đó, tập trung tăng cường công tác quản trị tài chính, quản trị rủi ro, mở rộng tất cả các phân khúc, địa bàn hoạt động. Đồng thời, tăng cường công tác đầu tư, cắt giảm chi phí, phát triển các dòng sản phẩm và dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu thị hiếu tiêu dùng hiện nay.