PHÁT BIỂU CỦA CHỦ TỊCH HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP TỈNH TẠI HỘI NGHỊ ĐÁNH GIÁ CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH (PCI) NĂM 2020

Tác giả: CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG VÀ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Ngày đăng: 15/08/2021

Kính thưa đồng chí: Trịnh Việt Hùng - Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

Qua báo cáo của Sở Kế hoạch Đầu tư trình bày, cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân xin cảm ơn các cấp chính quyền đã không ngừng cố gắng, cải thiện để cho môi trường SXKD của tỉnh Thái Nguyên ngày càng tốt hơn, thuận lợi hơn. Trong vòng 05 năm trở lại đây, đây là năm thứ 2 liên tiếp Thái Nguyên được thăng hạng. Đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận của các cấp chính quyền tỉnh trong bối cảnh cuộc đua PCI giữa các tỉnh ngày càng quyết liệt, khoảng cách về điểm số giữa tỉnh cao nhất và thấp nhất ngày càng rút ngắn lại. Điều đó tiếp tục khẳng định, trong mắt các nhà đầu tư, môi trường kinh doanh của tỉnh Thái Nguyên cạnh tranh và hấp dẫn hơn so với 52 tỉnh thành khác trong cả nước.

Đối với 04 chỉ số quan trọng bị giảm điểm so với năm trước, chúng ta cần phân tích, nhận diện rõ nguyên nhân, bởi theo tôi, khắc phục được những điểm nghẽn này, tạo dư địa cho cải cách của tỉnh vẫn còn rất lớn.

Chỉ số đầu tiên bị giảm điểm là chỉ số tính minh bạch: Điểm số chỉ số này thấp hơn 0.92 điểm so với tỉnh có điểm số cao nhất về tính minh bạch (đạt 6.77 điểm).

Đa số doanh nghiệp cho rằng việc tiếp cận các tài liệu quy hoạch, tài liệu pháp lý là không dễ dàng, như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch đầu tư công... Chỉ có 38% doanh nghiệp được hỏi cho rằng thông tin mời thầu được công khai, chỉ có 8% doanh nghiệp cho rằng có thể dự liệu được việc thực thi của tỉnh đối với các quy định pháp luật tại địa phương… Điều đáng mừng là đại đa số doanh nghiệp đều cho rằng HHDN tỉnh có vai trò quan trọng trong xây dựng chính sách, quy định của tỉnh. Chỉ số này năm 2021 dứt khoát sẽ được cải thiện nhiều vì chúng ta có cổng thổng thông tin C-Thái nguyên. Mọi thông tin của tỉnh đều công khai minh bạch trên cổng thông tin C-Thái nguyên

Chỉ số tiếp theo bị giảm điểm là chỉ số Hỗ trợ doanh nghiệp:

Chỉ số này đánh giá 06 nhóm dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp – những dịch vụ có vai trò then chốt để doanh nghiệp thành công trong hoạt động kinh doanh. Việc đánh giá các dịch vụ này trên 3 phương diện chính: mức độ phổ biến của dịch vụ, mức độ tham gia của các đơn vị cung cấp tư nhân và chất lượng dịch vụ.

Năm 2020, chỉ số này của tỉnh chỉ đạt 5.63 điểm, thua tỉnh dẫn đầu về chỉ số này tới 1.95 điểm. Nguyên nhân chính dẫn đến chỉ số này thấp và giảm điểm, là do: Tỷ lệ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trên tổng số doanh nghiệp đạt tỷ lệ quá thấp, mới chỉ đạt 0,12%.; không những số lượng đã ít, dịch vụ đó do khối tư nhân và FDI cung cấp cũng chỉ đạt 20% trong tổng số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Chỉ số này cần phải được cải thiện bằng việc trao các dịch vụ công cho các tổ chức hội hoặc doanh nghiệp tư nhân thực hiện thì mới cải thiện được

Chỉ số thứ ba bị giảm điểm, là chỉ số Đào tạo lao động.

Chỉ số này phản ánh mức độ và chất lượng những hoạt động đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nghề do tỉnh triển khai nhằm hỗ trợ cho các ngành sản xuất kinh doanh tại địa phương, cũng như tìm kiếm việc làm cho lao động tại địa phương.

Điểm số của chỉ tiêu này giảm do 2 nguyên nhân chính: Thứ nhất, doanh nghiệp chưa đánh giá tốt về chất lượng của dịch vụ giới thiệu lao động. Thứ hai, doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí tương đối cao để tuyển dụng và đào tạo lao động (chiếm trên 8% tổng chi phí kinh doanh), đây là con số rất đáng kể trong bối cảnh doanh nghiệp bị khó khăn do dịch bệnh. Công tác dịch vụ việc làm và đào tạo lao động cần phải được cải cách mạnh mẽ để hỗ trợ thực sự cho doanh nghiệp thì điểm của chỉ số này mới được cải thiện

Cuối cùng, chỉ số bị giảm điểm tương đối nhiều, là chỉ số Cạnh tranh bình đẳng.

Chỉ số này năm nay Thái Nguyên đạt 6.29, thấp hơn 2.52 điểm so với tỉnh cao nhất là 8.81 điểm. Theo cảm nhận của doanh nghiệp, khối FDI được ưu tiên giải quyết các khó khăn nhiều hơn doanh nghiệp dân doanh, và các doanh nghiệp lớn nhận được nhiều ưu đãi, nguồn lực kinh doanh hơn là các doanh nghiệp nhỏ. Chỉ số này chỉ được thay đổi khi các cấp lãnh đạo phân bổ đều các nguồn lực cho khối FDI, khối doanh nghiệp nhà nước và khối doanh nghiệp dân doanh

Kính thưa các đồng chí!

Cộng đồng doanh nghiệp doanh nhận cảm nhận: môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Thái Nguyên trong những năm qua đang có sự thay đổi rất tích cực và năng động, còn nhiều dư địa cho cải cách và tăng trưởng. Điều quan trọng, chúng ta cần chọn đâu là khâu đột phá?

Đất đai, mặt bằng kinh doanh là yếu tố đầu vào rất quan trọng đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây lại là lĩnh vực phức tạp và khó khăn đối với hầu hết các cải cách. Vì vậy, cần sự sáng tạo, đổi mới trong những lĩnh vực cải cách phức tạp. Ngoài ra, trước, trong và sau khi xúc tiến đầu tư, chính quyền cấp tỉnh cần liên tục theo sát bước chân của nhà đầu tư, quyết liệt, tận tâm giải quyết những khó khăn vướng mắc cho họ. Những dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nếu được cung cấp rộng rãi và có chất lượng tốt có thể giúp các doanh nghiệp hoạt động tốt hơn trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Thưa các đồng chí!

Thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ, vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, việc cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, tăng sự hài lòng của doanh nghiệp, nhà đầu tư càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài đã làm cho nhiều doanh nghiệp bị kiệt quệ, khả năng chống chịu ngày càng kém. Vì thế, chúng ta cần tìm giải pháp cho năm 2021 và các năm tiếp theo, sao cho việc cải thiện chỉ số PCI cần hiệu quả, thực chất và có chiều sâu hơn nữa.

Thưa các đồng chí! Doanh nghiệp trong tỉnh hiện nay đang phải đối mặt với 05 nhóm khó khăn rất lớn, nguy cơ cao nhất có thể xảy ra là đóng cửa nhà máy, ngừng sản xuất.

Khó khăn thứ nhất, là nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng.

Việc đứt gãy chuỗi cung ứng đối với ngành hàng dệt may đã diễn ra vào đợt dịch lần thứ nhất và thứ 2. Và đến đợt dịch lần thứ 4, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lại đến từ thị trường nội địa, xảy ra ở gần như tất cả các ngành hàng.

Khó khan thứ 2, doanh nghiệp đang phải gánh chịu chi phí sản xuất quá cao.

Do thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, nên để duy trì sản xuất, doanh nghiệp gánh thêm rất nhiều chi phí phát sinh: test virut, phun khử khuẩn, trang bị bảo hộ lao động, chi phí ăn ở, sinh hoạt cho Người lao động, cải tạo sửa chữa công năng nhà máy xí nghiệp, để đảm bảo “3 tại chỗ”, việc lưu thông hàng hóa khó khăn, doanh nghiệp không chủ động được tiến độ, kế hoạch sản xuất... Ngoài ra, tình trạng thiếu vỏ container kéo dài, cước vận tải hàng hóa quốc tế tăng rất cao, cộng với việc áp dụng quy định chống dịch chưa thống nhất giữa các địa phương đang khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Khó khan thứ 3, nguy cơ tạm ngừng sản xuất do thiếu lao động tạm thời hoặc không đủ điều kiện sản xuất nếu không may trong Nhà máy xí nghiệp xuất hiện ca F0.

Khó khan thứ tư, trong tình trạng sản xuất gián đoạn, chi phí đầu vào tăng cao, doanh thu sụt giảm, việc trả lãi Ngân hàng hiện đang quá sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp, mặc dù các tổ chức tín dụng cũng bị khó khăn. Doanh nghiệp có nguy cơ đối mặt với nợ xấu, thậm chí phá sản.

Khó khan thứ năm, doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu, nếu tình trạng kéo dài có thể mất bạn bạn hàng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.

Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ đã phải giải thể, ngừng hoạt động, những doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất hoặc vẫn “cầm cự” được rất cần được các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ.

Kính thua các đồng chí Hiệp hội xin có một số đề xuất kiến nghị như sau:

Một là, Hiệp hội đề xuất từ năm 2022 trở đi hoặc sớm hơn, Hiệp hội sẽ phối hợp với 9 huyện, thành thị của tỉnh, triển khai các chuyên đề về cải thiện PCI và môi trường kinh doanh, đi vào từng hoạt động cụ thể ở địa phương, giải quyết một số kiến nghị, vướng mắc ở doanh nghiệp địa phương đó.

Việc đối với đối thoại chính quyền – doanh nghiệp, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên thời gian qua bị gián đoạn. Hiệp hội đề nghị việc đối thoại cần được duy trì, thông qua hình thức trực tuyến hoặc các nhóm nhỏ. Bởi nếu để gián đoạn quá lâu, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng “mất kết nối”, mất sự quan tâm với những cộng đồng doanh nghiệp nhỏ - đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.

Hai là, Hiệp hội đề xuất UBND tỉnh sớm tổ chức đánh giá chỉ số cạnh tranh sở ngành và địa phương – (goi là chỉ số DDCI). Tổ chức đánh giá DDCI sẽ tạo nên không khí thi đua sôi nổi ở tất cả các cấp ngành, địa phương và từng đơn vị, tiếp tục nhân rộng không khí cải cách. Đây cũng là giải pháp để VCCI thấy tỉnh Thái Nguyên quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Theo cảm nhận của doanh nghiệp và Nhà đầu tư, từ khi có Kết luận của Thanh tra Chính phủ đối với tỉnh Thái nguyên, công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp dường như “bị chùng xuống”, gây ách tắc và chậm trễ tiến độ nhiều dự án. Trong tình trạng đó, giới doanh nghiệp doanh nhân chúng tôi cảm nhận như môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh hiện nay đang bị “ảnh hưởng kép”, vừa bị ảnh hưởng của Covid, lại vừa bị ảnh hưởng của Kết luận Thanh tra. Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh sớm có biện pháp chấn chỉnh để tập trung cho phát triển kinh tế. Đồng thời quyết tâm chỉ đạo, không cho dịch bệnh tràn vào Thái Nguyên để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Kính thưa các đồng chí!

Trong những ngày này, Bộ Chính trị đang chỉ đạo tổng kết “10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 về Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, tiếp tục khẳng định vai trò to lớn của doanh nhân trong phát triển kinh tế - xã hội. Với tình hình dịch bệnh hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp rất cần tỉnh Thái Nguyên triển khai nhanh, kịp thời gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Sang năm 2022, Hiệp hội mong muốn Tỉnh ủy ban hành một Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế tư nhân của tỉnh, qua đó hình thành một cộng đồng doanh nhân hùng mạnh, để Thái Nguyên xứng đáng là Trung tâm kinh tế - xã hội vùng của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.

Kính thưa các đồng chí!

Doanh nghiệp là người hiểu rõ hơn ai hết về môi trường kinh doanh nơi mình hoạt động, những ưu khuyết điểm và tồn tại khi thực hiện giao dịch với các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, còn nhiều doanh nghiệp tỏ ra khá dè dặt khi kiến nghị các bất cập, chỉ ra những điểm yếu, hạn chế của chính quyền. Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cam kết sẽ làm cầu nối, đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy cải cách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Hiệp hội cũng kêu gọi các doanh nghiệp, khi nhận được Phiếu khảo sát PCI thì tự mình đánh giá, chấm điểm; gửi Phiếu về đúng thời hạn để kết quả đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp là công tâm và khách quan nhất.

Xin kính mong các cấp chính quyền trong tỉnh tiếp tục đồng hành cúng doanh nghiệp cải tiện môi trường sản xuất kinh doanh, mô trường thu hút vốn đầu tư tốt hơn nữa đưa tỉnh thái nguyên trở thành tỉnh giầu mạnh, là nơi đáng sống đáng để công hiện cho thể hệ trẻ

Hơn lúc nào hết, giới doanh nghiệp, doanh nhân ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình đối với quốc gia, dân tộc, về nghĩa đồng bào – “nhường cơm sẻ áo”. Khi Tổ quốc gọi tên mình – Doanh nghiệp doanh nhân trong tỉnh, đều chung lưng đấu cật, tận tâm đóng góp - không kể ít nhiều, cùng chính quyền đảm bảo an sinh xã hội, đẩy lùi dịch bệnh.

Cuối cùng, thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với lực lượng “tuyến đầu chống dịch”. Sự hy sinh cống hiến lặng thầm nhưng bền bỉ của họ, đã giúp người dân, doanh nghiệp Thái Nguyên vẫn an toàn qua 4 đợt dịch, giúp doanh nghiệp Thái Nguyên vẫn duy trì được sản xuất kinh doanh khá thuận lợi.

Xin chúc các đồng chí mạnh khỏe. Xin trân trọng cảm ơn./.

HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP TỈNH THÁI NGUYÊN

Bạn đang xem: PHÁT BIỂU CỦA CHỦ TỊCH HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP TỈNH TẠI HỘI NGHỊ ĐÁNH GIÁ CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH (PCI) NĂM 2020
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền: