PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA NÔNG DÂN TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG THÔN
Khơi dậy khát vọng vươn lên, xây dựng giai cấp nông dân trở thành lực lượng lao động tiên tiến, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao và phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn của Đảng. Với mục tiêu đó, thời gian qua, các cấp hội nông dân trên địa bàn tỉnh phát huy vai trò nòng cốt tích cực, chủ động trong việc tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia phát triển nông nghiệp, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Có thể thấy, những năm qua “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là 1 trong những phong trào lan tỏa sâu rộng, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo trong nông dân, phát huy thế mạnh vùng miền để phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Điển hình như mô hình phát triển kinh tế từ măng lục trúc của anh Man Văn Tiến ở thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, giám đốc HTX Măng Lục trúc MTQ với diện tích vùng nguyên liệu liên kết khoảng 30ha, với quy trình sản xuất theo hướng Vietgap. Măng lục trúc hiện nay được nhiều khách hàng ưa chuộng, giá bán trung bình mỗi 1 kg măng lục trúc sau khi bóc vỏ có giá từ 70 đến 80 nghìn đồng 1 kg, đặc biệt bước đầu các sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn để vào tại siêu thị. Bên cạnh đó, hợp tác xã đã tạo công ăn việc làm khoảng trên 40 lao động tại địa phương.
Trung bình mỗi năm, Thái Nguyên có 129.000 hộ nông dân đăng ký phấn đấu sản xuất - kinh doanh giỏi, qua bình xét có khoảng 58.000 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp. Thông qua phong trào thi đua, tinh thần tương thân tương ái của hội viên, nông dân được phát huy tích cực. Từ phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” và bằng nhiều hình thức trợ giúp khác nhau, các cấp Hội đã đóng góp trên 5,3 tỷ đồng, hỗ trợ 30.000 ngày công lao động, giúp đỡ được 3.556 hộ nông dân thoát nghèo và nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống.
Các cấp Hội đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn; tổ chức nhiều phong trào, hoạt động sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn và nguyện vọng, mong muốn của nông dân. Từ đó tạo động lực thúc đẩy phong trào nông dân của tỉnh phát triển mạnh mẽ.
Những năm qua, việc ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được cụ thể hóa vào các nghị quyết, chương trình, đề án của tỉnh với các nhiệm vụ, giải pháp, chính sách cụ thể làm cơ sở chỉ đạo, điều hành phát triển nông nghiệp….Từ đó hội nông dân các cấp tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, như “ Vận động nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững”; Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, phong trào thi đua “Nông dân Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Xác định phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới cần thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình. Tiếp tục khuyến khích phát triển kinh tế tập thể trong các ngành nghề, lĩnh vực thế mạnh của địa phương; ưu tiên xây dựng các mô hình hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị, gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương, chương trình OCOP,... Tập trung phát triển và cung ứng các dịch vụ phục vụ thành viên HTX, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Qua đó góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới.