PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM CHỦ LỰC, SẢN PHẨM CÓ LỢI THẾ TẠI ĐỊA PHƯƠNG
Huyện Đồng Hỷ với lợi thế của địa phương trong sản xuất nông nghiệp và nhằm “đánh thức” tiềm năng, nâng cao giá trị kinh tế cho ngành nông nghiệp, nhất là sản phẩm nông nghiệp chủ lực, địa phương đã khuyến khích doanh nghiệp, HTX, người dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao để hình thành các vùng sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững, hiệu quả kinh tế cao.
Những năm qua, HTX miến Việt Cường của huyện Đồng Hỷ với mặt hàng chủ lực là miến dong, HTX đã tập trung đầu tư vào việc nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm thông qua quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại, sản phẩm miến của HTX cũng đa dạng hơn trước, với 4 dòng sản phẩm chính là miến dong, miến khoai lang, miến sắn dây và miến tỏi đen. Bắp kịp xu hướng, HTX đã mạnh dạn xây dựng sản phẩm OCOP. Năm 2020, cả 4 sản phẩm miến của HTX miến Việt Cường đều vinh dự nhận chứng nhận OCOP 3-5 sao. Trong đó, sản phẩm miến dong đạt chứng nhận OCOP 5 sao cấp Quốc gia. Cùng với việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, HTX miến Việt Cường còn đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, đăng ký thương hiệu sản phẩm. Đặc biệt, HTX đã cải tiến mẫu mã bao bì, thành lập các đại lý ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Với mong muốn đưa sản phẩm có chất lượng tốt nhất ra thị trường, HTX luôn quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Nhờ đó, lượng miến cung cấp ra thi trường tăng qua từng năm.
Xác định chè là cây trồng chủ lực, những năm qua huyện tập trung thực hiện các giải pháp của kế hoạch phát triển chè và các sản phẩm trà trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, nhằm nâng cao giá trị kinh tế cây trồng này. Hiện nay huyện đã thành lập được 28 hợp tác xã và trên 40 tổ hợp tác trồng, chế biến chè. Với rất nhiều nỗ lực cố gắng 27 sản phẩm trà đã đạt Ocop, chiếm 75% sản phẩm đạt Ocop toàn huyện. Trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao và 18 sản phẩm đạt 3 sao.
Thực hiện mục tiêu liên kết doanh nghiệp, HTX với nông hộ, sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn an toàn có thương hiệu riêng, những năm qua, huyện Đồng Hỷ đã khuyến khích các địa phương, nông hộ liên kết thành lập tổ hợp tác, HTX. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn đã có 27 HTX, tổ hợp tác sản xuất chè được thành lập (đạt 270% kế hoạch).Tính đến hết năm 2023, trên địa bàn huyện đã có 27 sản phẩm chè đạt OCOP, trong đó riêng 3 năm (2021-2023) có 16 sản phẩm được công nhận. Các HTX này đã góp phần xây dựng sản phẩm chủ lực mang thương hiệu địa phương, nâng cao giá trị kinh tế cho cây chè...
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, tính đến cuối năm 2023, năng suất chè búp tươi của huyện Đồng Hỷ bình quân đạt 12,1 tấn/ha; sản lượng chè búp tươi đạt 45.353 tấn (tăng 3.521 tấn so với năm 2020), đưa huyện Đồng Hỷ đứng thứ 3 toàn tỉnh về cả diện tích và sản lượng chè.Trung bình, sản phẩm chè búp khô trên địa bàn huyện có giá 180-200 nghìn đồng/kg; một số sản phẩm được cấp chứng nhận VietGAP, hữu cơ giá trung bình từ 300-400 nghìn đồng/kg chè búp khô. Giá trị thu nhập từ sản xuất chè đạt 290-300 triệu đồng/ha/năm (tăng 40-70 triệu đồng/ha/năm so năm 2020).
Với những kết quả mà huyện Đồng Hỷ đã đạt được trong phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo định hướng của tỉnh thời gian qua sẽ góp phần vào việc thực hiện đảm bảo mục tiêu đã đề ra, chuyển dịch cơ cấu các ngành nông, lâm nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng (trong khâu thu hoạch, sản xuất, chế biến) và đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao hàm lượng khoa học trong sản phẩm. Qua đó, tạo việc làm, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập, góp phần quan trọng vào kết quả giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế của tỉnh.