QUYẾT TÂM ĐẢM BẢO THỰC HIỆN MỤC TIÊU KÉP

Tác giả: CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG VÀ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Ngày đăng: 08/08/2021

Đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ tư đang diễn biến hết sức phức tạp với liên tiếp các ca mắc mới lên đến con số hàng nghìn ca nhiễm trong một ngày. Không nằm ngoài những ảnh hưởng và tác động tiêu cực từ tình hình dịch bệnh, tuy nhiên từ kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng đầu năm 2021 đã cho thấy, tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị trên địa bàn trong thực hiện một mục tiêu chung. Đó là vừa thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống dịch hiệu quả.

 

Thái Nguyên đang chuẩn bị đợt tiêm phòng COVID-19 trên diện rộng trong tháng 8/2021

Năm 2021, tỉnh Thái Nguyên và cả nước bước sang một giai đoạn phòng, chống dịch COVID -19 mới, khó khăn và phức tạp hơn nhiều so với năm 2020. Nguyên nhân do tình hình dịch COVID -19 trong nước lây lan nhanh, phát tán trên diện rộng, nhiều tỉnh, thành phố xuất hiện dịch với biến thể mới ở mức độ nguy hiểm rất cao.

Ngay cạnh Thái Nguyên, ở các tỉnh xung quanh như: Bắc Giang, Hà Nội, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc đều xuất hiện những ca nhiễm bệnh. Cá biệt như tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, dịch COVID-19 lây lan rộng trong cộng đồng và trong khu công nghiệp đã và đang gây những thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội.

Đối với tỉnh Thái Nguyên, dù đã chủ động, tích cực, quyết liệt ngăn chặn, phòng, chống dịch nhưng cũng đã xuất hiện những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng ở đợt bùng phát này. 2 tuần cuối tháng 5/2021, có lẽ là giai đoạn căng thẳng và phức tạp nhất trong cuộc chiến với COVID-19 của tỉnh Thái Nguyên kể từ khi dịch bệnh xuất hiện cho đến thời điểm đó. Hàng nghìn F1- F2 trong các nhà máy, khu công nghiệp đã thực sự khiến cho nguy cơ dịch bùng phát đến rất gần. Trước tình hình đó, hàng loạt chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp tỉnh và các địa phương với tinh thần phải quyết liệt hơn nữa, thần tốc hơn nữa không để dịch bệnh lây lan, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nhà máy, khu công nghiệp trên địa bàn.

Với sự quyết liệt, chủ động, tình hình dịch COVID-19 tại các khu Công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được kiểm soát, hạn chế những ảnh hưởng trên diện rộng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, trước những diễn biến của dịch bệnh và đặc thù của địa phương, có thể nói áp lực phòng, chống dịch là rất lớn đối với cả hệ thống chính trị, hệ thống y tế của Thái Nguyên. Xác định đúng thực tế tình hình, thực hiện phương châm chủ động tấn công, không để bị động trong bất kỳ tình huống nào. Tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, quy định về phòng, chống dịch tại các nhà máy, doanh nghiệp, các khu vực đặc thù theo từng diễn biến của dịch bệnh.

Cùng với đó, việc chủ động tấn công, trấn áp sự lây lan của dịch bệnh cũng được thực hiện quyết liệt thông qua chiến dịch tiêm phòng COVID– 19 trên diện rộng, kéo dài từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022. Với phương châm "tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất, đảm bảo an toàn, hiệu quả, công bằng và công khai", ngay từ cuối tháng 6, ngành Y tế đã phối hợp với sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh triển khai đồng loạt việc khám sàng lọc trước tiêm cho công nhân, người lao động lao động và nhân dân trên địa bàn, để sẵn sàng cho các đợt tiêm phòng COVID – 19 vào tháng 7 và tháng 8.

Ông MinBo Sim, Giám đốc Hành chính – An toàn Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng và cảm ơn sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam, cũng như chính quyền tỉnh Thái Nguyên trong ưu tiên tiêm phòng cho người lao động tại các khu công nghiệp, trong đó có các nhà máy của Samsung. Chúng tôi cũng đánh giá cao quy trình tiêm chủng phòng COVID-19 và sẽ phối hợp tích cực trong bố trí nhân lực y tế cũng như các điều kiện để thực hiện nghiêm quy trình đó”.

Anh Trần Văn Lâm, Công ty TNHH Bukwang Vina, Khu công nghiệp Điềm Thụy, Thái Nguyên cho biết: “Dịch phức tạp và nguy hiểm như thế này, nếu không tiêm thì mỉnh rất lo lắng. Có vắc xin về tiêm cho tất cả công nhân như này ai cũng yên tâm”.

Đồng chí Trần Quốc Trung, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho rằng: “5K cộng với vắc xin được chuyển tới các khu công nghiệp hiện nay tôi cho rằng đó là chủ trương rất đúng. Các doanh nghiệp cũng hưởng ứng nhiệt tình”.

Theo kế hoạch, tỉnh Thái Nguyên dự kiến tiêm vắc xin cho 70% dân số, tương đương 938.600 người tại 232 cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng, trong đó có 24 cơ sở tiêm dịch vụ. Báo cáo của ngành Y tế, tính đến ngày 2/8/2021, toàn tỉnh đã tiêm phòng COVID-19 cho trên 55 nghìn liều, với trên 4.500 người được tiêm. Với 2 đợt tổ chức thành công, tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực thực hiện các giải pháp tiêm chủng an toàn và hiệu quả, với sự thống nhất từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính.

Đồng chí Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Tỉnh Thái Nguyên đã triển khai tích cực các biện pháp và xây dựng kế hoạch rất chi tiết để khi có lượng vắc xin cung ứng về là chúng ta sẽ triển khai được ngay, đảm bảo theo đúng thời gian theo quy định. Và quan trọng nhất là chúng ta phải đảm an toàn. Vắc xin về đến đâu phải triển khai ngay được đến đó và với phương châm để làm sao số lượng người dân của địa bàn tỉnh được tiếp cận vắc xin sớm nhất và với số lượng lớn nhất".

Đặc biệt, trước những diễn biến mới và phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn từ cuối tháng 7 đến nay, công tác phòng, chống dịch tiếp tục được tỉnh Thái Nguyên nâng lên ở mức độ cao nhất, với hàng loạt chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Ban chỉ đạo cấp tỉnh và các địa phương; cùng tinh thần trách nhiệm, tiên phong của các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Trong đó, những giải pháp trọng tâm hiện nay là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thực hiện nghiêm quy định 5K; tiếp tục thực hiện hiệu quả chiến dịch tiêm chủng, đảm bảo công tác an sinh xã hội đối với các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và tăng cường quản lý và kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào tỉnh.

Đồng chí Trần Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên: “Để tăng cường công tác kiểm soát qua các đường mòn, lối mở, Phổ Yên đã bổ sung thêm từ 17 chốt thì thêm 11 chốt nữa, đảm bảo mọi công dân đi qua địa bàn đều được kiểm soát, kiểm dịch đảm bảo đúng quy định về phòng chống dich”.

 Những kết quả đáng ghi nhận trên mặt trận phòng, chống dịch là cơ sở để các chuỗi sản xuất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên không bị đứt gãy, gián đoạn, duy trì sản xuất ổn định, thúc đẩy tăng trưởng. Trong khi có nhiều tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước có mức tăng trưởng kinh tế ở mức thấp thì Thái Nguyên tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao, đạt 6,5%, cao hơn mức tăng trưởng 2,67% của cùng kỳ năm 2020 và cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung cả nước 5,64% trong 6 tháng đầu năm 2021. Đây là con số có nhiều ý nghĩa sâu sắc, là chỉ tiêu tổng hợp đo “sức khỏe” của nền kinh tế và cũng cho thấy nỗ lực và quyết tâm lớn của Thái Nguyên trong thực hiện mục tiêu kép.

Với giá trị tăng trưởng đạt được, tỉnh Thái Nguyên được xếp thứ 25 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. So với 14 tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Nguyên xếp thứ 6. Điều đáng nói là quy mô nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên so với các tỉnh trong vùng thuộc Top cao. Đây là con số ấn tượng và có nhiều ý nghĩa, thể hiện “sức khỏe” của nền kinh tế, tăng thêm sự tự tin trong điều kiện phải chống chọi với những khó khăn, thách thức trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 hiện nay.

Có được những kết quả trên là do tiến độ giải ngân các dự án sử dụng vốn đầu tư công trong tháng 6/2021 đạt tỷ lệ khá cao, khoảng 60%, là yếu tố đóng góp đáng kể vào kết quả tăng trưởng GRDP toàn tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Bảo Hường, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Năm 2021, các cấp chính quyền vào cuộc rất tích cực, vừa thực hiện mục tiêu kép là phòng, chống dịch, vừa có chỉ đạo trong thu ngân sách nhà nước và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 10 về tăng cường công tác quản lý vốn đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công đã thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương”.

 

Thái Nguyên giữ vị trí 25/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về tốc độ tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2021

Công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Thái Nguyên luôn thống nhất, sâu sát, sáng tạo, quyết liệt. Những quyết sách đều xuất phát từ lợi ích chung nên được các cấp, ngành, người dân, doanh nghiệp ghi nhận, đồng thuận và sẵn sàng chia sẻ, ủng hộ. Từ sự tạo điều kiện tối đa về cơ chế, chính sách của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước trên địa bàn cũng đã chủ động khắc phục khó khăn, xây dựng các phương án và kịch bản để ứng phó với dịch bệnh và sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cho rằng: “Nếu như không bị gián đoạn bởi dịch COVID-19 thì bản thân Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG và ngành dệt may sẽ có kim ngạch xuất khẩu lên đến 39 tỷ USD".

Ông Lee Heung Rel, Giám đốc An toàn và Môi trường Aluko Group cho biết: “Kế hoạch và phương án sản xuất năm 2021 đã được xây dựng từ rất sớm với nhiều kịch bản bản đặt ra về nguyên vật liệu nhập khẩu, thị trường nhân công, thị trường xuất khẩu. Chúng tôi kỳ vọng vào sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và chính quyền tỉnh Thái Nguyên trong phòng, chống dịch COVID-19 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những công ty FDI như chúng tôi hoàn thành kế hoạch sản xuất”.

Nhiều chỉ số thăng hạng, kết quả thu hút đầu tư khả quan, tình hình an sinh xã hội được đảm bảo. Những kết quả tích cực trong bối cảnh bị tác động ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh đã góp phần cổ vũ Thái Nguyên tiếp tục đương đầu và chiến thắng đại dịch. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế GRDP 7% năm 2021 đã đặt ra, theo tính toán tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm phải đạt 7,44%.

Ông La Hồng Ninh, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên nói rõ về các giải pháp: "Để thực hiện được đồng bộ mục tiêu của tỉnh đặt ra thì phải hoàn thành các nhóm giải pháp này. Trong đó phải tập trung tốt công tác thu hút đầu tư. Vì có thực hiện tốt công tác này chúng ta mới tạo ra được những năng lực mới tăng thêm, đóng góp và sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Chúng ta làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên người và cả gia súc, gia cầm thì mới ổn định được xã hội và kinh tế mới phát triển được”.

Cần phải nhắc lại tinh thần chỉ đạo trong bối cảnh hiện nay là kiên định, kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”. Bởi vậy, cùng với những giải pháp đồng bộ của các ngành chức năng, mỗi người dân hãy là một chiến sĩ có trách nhiệm trên mặt trận phòng, chống dịch COVID-19. Nền tảng từ nhân dân chính là cơ sở để chúng ta thêm quyết tâm, tin tưởng một cách có kỷ luật và lý trí, để chiến thắng dịch bệnh./.

 

Bạn đang xem: QUYẾT TÂM ĐẢM BẢO THỰC HIỆN MỤC TIÊU KÉP
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền: