Sở Xây dựng Thái Nguyên: Giảm thiểu chi phí thủ tục xây dựng
Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin kết nối trong và ngoài đơn vị...
Thái Nguyên đồng hành cùng doanh nghiệp chuyển đổi số
Thời gian qua, ngành Xây dựng tỉnh Thái Nguyên đã từng bước công khai, minh bạch quy hoạch; cởi mở trong tiếp nhận, hướng dẫn các thủ tục; nhanh chóng thẩm định cấp phép, nhận được sự đánh giá cao của người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư.
Theo ông Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Sở Xây dựng Thái Nguyên, trong thời gian qua, Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin kết nối trong và ngoài đơn vị cùng với các cấp, các ngành qua bộ phận một cửa tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, đặc biệt là kết nối với Trung tâm điều hành thông minh tỉnh (IOC). Sở Xây dựng xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số, cụ thể hóa chủ trương, định hướng và giải pháp chuyển đổi số của tỉnh Thái Nguyên tại Nghị quyết số 01-NQ/TU và kế hoạch số 80/KH-UBND về thực hiện chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính
Sở Xây dựng đã thực hiện và đạt được một số kết quả như: Đã và đang kết nối, tích hợp, chia sẻ và xây dựng các cơ sở dữ liệu ngành xây dựng. 100% hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận và xử lý qua phần mềm một cửa điện tử. Các thủ tục về tiếp nhận hồ sơ thẩm định quy hoạch đối với dự án đầu tư kinh doanh trong năm 2022 đã triển khai theo Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 70%, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ mọi lúc mọi nơi. Đặc biệt, Sở đã thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến, số hóa dữ liệu đầu vào như: Triển khai nhiệm vụ xây dựng “cơ sở dữ liệu cấp phép xây dựng”; “trang bị phòng họp trực tuyến”; Triển khai nhiệm vụ “biên lai điện tử”; ký số điện tử,…
UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quy chế phối hợp thực hiện cơ chế một cửa liên thông đối với các TTHC lĩnh vực đầu tư và xây dựng; thực hiện các hoạt động cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan đã mang lại hiệu quả, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khi thực hiện TTHC; đồng thời nâng cao sự hài lòng người dân, doanh nghiệp với lĩnh vực xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Điểm nhấn quy hoạch
Theo Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 664/QĐ-TTg ngày 20/5/2020, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2030 “trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội”, tạo dựng nền kinh tế xanh với các sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh cao.
Thái Nguyên được đánh giá là một trong những địa phương làm tốt nhất quy hoạch tỉnh
Các chuyên gia kinh tế đánh giá việc tỉnh Thái Nguyên quy hoạch phân thành 2 vùng là phù hợp với vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội vùng; đồng thời thuận lợi đầu tư xây dựng thành khu vực nội thị để hình thành các quận làm tiền đề xây dựng tỉnh Thái Nguyên thành Đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương. Thái Nguyên định hướng quy hoạch hệ thống đô thị đến năm 2030 sẽ có 15 đô thị, trong đó hình thành 2 đô thị là thị xã Phú Bình và Đại Từ.
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Thực hiện “Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025”, ngành Xây dựng đã tạo các giải pháp cải thiện thứ hạng về điểm của chỉ số “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin” như: Tham mưu UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, nhất là hệ thống quy hoạch xây dựng, đô thị, các quy hoạch quy mô lớn, có tính chất liên kết vùng; Công bố, công khai thông tin quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị trên cổng thông tin điện tử tỉnh; Triển khai chương trình phát triển đô thị tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2035.
Đặc biệt, ngành Xây dựng phấn đấu cải thiện chỉ số “Chi phí thời gian” như: Rà soát, đánh giá và thực hiện các quy định về đơn giản hóa TTHC, giảm thời gian thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng,… nhằm cải thiện và nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh cấp Sở, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, góp phần trong việc nâng cao các chỉ số PCI của tỉnh Thái Nguyên.