Tầm nhìn của một doanh nhân

Tác giả: CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG VÀ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Ngày đăng: 15/03/2021

Chân dung Chủ Tịch HĐQT Tập đoàn An Khánh Nguyễn Văn Thắng.

Trong tình hình nguồn cung điện chưa đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu tăng nhanh của sản xuất tiêu dùng thì các thành phần kinh tế tham gia sản xuất và bán điện là tín hiệu đáng mừng. Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị ban hành ngày 12-2-2020 về Định hướng bảo đảm an ninh năng lượng giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2045 là bước đột phá, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tư nhân tham gia sản xuất, kinh doanh điện.

 

Những bước đi táo bạo

Cách đây hơn mười năm, trên vùng đất Đại Từ giàu truyền thống cách mạng. Những người dân đã tận mắt chứng kiến Nhà máy Nhiệt điện An Khánh của một doanh nghiệp tư nhân mọc lên trên vùng đất quê mình. Nhìn lại chặng đường mới thấy phải chăng đó là tư duy chiến lược, tầm nhìn xa của Cựu chiến binh, doanh nhân Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch thứ nhất, Hiệp hội doanh nghiệp Thái Nguyên.

Bước sang giai đoạn tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thì khắp cả nước, từ huyện đến tỉnh đâu đâu người ta cũng thấy mọc lên các khu công nghiệp. Thời điểm đó, hoạt động sản xuất kinh doanh đã có lúc thiếu điện trầm trọng. Ở các thành phố lớn, điện sinh hoạt thường xuyên bị cắt luân phiên. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu doanh nhân Nguyễn Văn Thắng, đất nước thiếu điện, quê mình có than, phải xây dựng một nhà máy nhiệt điện ngay trên quê hương mình, để đáp ứng sự thiếu hụt điện tại địa phương. Ngặt nỗi xây dựng một nhà máy nhiệt điện quy mô quốc gia với anh lại là câu chuyện hoàn toàn mới mẻ. Tuy vậy, với quyết tâm không dừng bước, kiên định một niềm tin, anh bắt đầu tham khảo ý kiến của các chuyên gia đầu ngành, cùng các cộng sự và các nhà chuyên môn tiến hành lập đề án xây dựng một nhà máy nhiệt điện công suất 120 MW sử dụng nguyên liệu tại địa phương.

Thời điểm này kinh tế toàn cầu đang đà suy giảm mạnh, một số doanh nghiệp nước ngoài có dự án đầu tư vào Việt Nam đã phải tạm ngừng hoạt động vì khó khăn nguồn vốn. Một số bạn bè anh hay tin anh làm nhiệt điện thì lo lắng nhìn nhau, không biết ông Thắng này đang nghĩ gì nữa, kinh tế toàn cầu đang lao dốc thì lại đi xây dựng nhà máy nhiệt điện. Nhiều câu hỏi, khó khăn được đưa ra…Nào là vốn đầu tư xây dựng rất lớn, quá trình thu hồi vốn dài, hay giá bán điện không hấp dẫn, vì thế các nhà đầu tư  trong và ngoài nước cũng không mặn mà đầu tư vào nhiệt điện…Rồi kế hoạch vay vốn, các ngân hàng thương mại trong nước không mặn mà với dự án đầu tư dài hạn… cũng là bài toán không hề đơn giản. Có ông bạn thân nóng ruột lao đến tận nhà chất vấn, sao không dùng số tiền đó đầu tư vào bất động sản hay làm dự án có ngon ăn hơn không ? đầu tư xây dựng một nhà máy nhiệt điện kèm theo rất nhiều các thủ tục pháp lý rườm rà, rủi ro không biết thế nào...

Quang cảnh Nhà máy Nhiệt điện An Khánh 1. 

Vốn tính quyết liệt, đã nói là làm, doanh nhân Nguyễn Văn Thắng xác định lúc này như người đã cưỡi lưng hổ. Thế là bắt đầu những ngày tháng tất tả ngược xuôi trong và ngoài nước, tiếp xúc kêu gọi vay vốn đầu tư. Kể lại câu chuyện anh bộc bạch : Là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên đầu tư vào nhiệt điện công suất lớn, nên bước đầu cũng gặp không ít khó khăn. Rào cản về thủ tục và cơ chế, đặc biệt vấn đề về công nghệ và vốn vay, giữa lúc các doanh nghiệp trong nước đều gặp khó khăn do lạm phát cao, tín dụng thắt chặt, nhiều lúc nghĩ cũng thấy nản. Nhưng động lực để tôi quyết tâm xây dựng Nhà máy nhiệt điện đó là sự khao khát vươn lên của chính bản thân. Là sự quan tâm ủng hộ của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thái Nguyên, của lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương, Thủ tướng Chính phủ và hơn cả đó là lòng tự trọng của người lính trở về sau chiến tranh muốn đóng góp sức mình xây dựng đất nước. Sau 7 năm chuẩn bị và xây dựng, ngày 01 tháng 10 năm 2015 Nhà máy Nhiệt điện An Khánh 1, công suất 120 MW với vốn đầu tư 4.660 tỷ đồng đã chính thức hòa lưới điện trong niềm hân hoan phấn khởi của tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên nhà máy, các chuyên gia, chính quyền địa phương và nhân dân trong vùng. Hàng năm nhà máy hòa lưới điện quốc gia 800 triệu KW/h góp phần đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Triết lý Văn hóa doanh nhân

Tập đoàn An Khánh là một doanh nghiệp kinh doanh đa ngành. Quyết tâm xây dựng Nhà máy Nhiệt điện An Khánh là tâm huyết của Chủ tịch HĐQT cựu chiến binh, doanh nhân Nguyễn Văn Thắng. Đây cũng là mốc son đáng nhớ trong quá trình đi lên phát triển của tập đoàn đa ngành và trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với dự án Nhiệt điện là dự án Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo và các dự án bất động sản, Trung tâm tài chính thương mại.... Đến nay, các Dự án đã cơ bản hoàn thành, đã giải quyết việc làm cho 500 lao động tại nhà máy và hàng nghìn lao động ngành than. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần tạo việc làm thu nhập ổn định cho 3500 lao động trong toàn Tập đoàn. Hàng năm nộp ngân sách Nhà nước trên 1000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các hoạt động xã hội từ thiện, đền ơn đáp nghĩa cũng được Ban lãnh đạo tập đoàn quan tâm chú trọng. Trong những năm qua, Tập đoàn An Khánh đã đóng góp, tài trợ các hoạt động xã hội trên 100 tỷ đồng. Tiêu biểu như đóng góp đầu tư tôn tạo, xây dựng các công trình Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Định Hóa; Khu di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái ở phường Gia Sàng, T.P Thái Nguyên; Xây tặng gần 100 nhà tình nghĩa cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và nhiều trường lớp học, đường giao thông ở các xã, huyện vùng cao miền núi. Những đóng góp thiết thực, hiệu quả của Tập đoàn An Khánh với cộng đồng xã hội đã được các ban ngành, đoàn thể, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao. Cá nhân doanh nhân Nguyễn Văn Thắng đã được ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý của Nhà nước và các ngành, các cấp. Danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu; Hai lần được tỉnh Thái Nguyên tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua tỉnh Thái Nguyên; Bằng Lao động sáng tạo và danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốcHuân chương Lao động và nhiều danh hiệu cao quý khác…

Mặc dù công việc rất bận rộn, nhiều lúc căng thẳng mệt mỏi, nhưng anh vẫn dành thời gian trò chuyện với tôi. Ở anh, dù vào thời điểm nào thì trong câu chuyện vẫn thấy toát lên cái hóm hỉnh, lạc quan, tin yêu cuộc sống. Anh luôn theo đuổi triết lý văn hóa doanh nhân của mình, đành rằng người ta vẫn nói “Thương trường là Chiến trường” nhưng anh tâm niệm làm gì thì làm, sống ở đời mà không có cái “Tâm”, không có cái “ Tình” thì cuộc đời cũng tẻ nhạt, chẳng có ý nghĩa gì. Còn  “Tầm” thì đó là phạm trù lớn lao quá, anh không nghĩ tới. Chỉ mong ông Trời ban cho cái sức khỏe tốt để hoàn thành nốt sứ mệnh của mình. Có điều muốn thành công thì phải luôn nghĩ khác và làm khác đi…

Nguồn: Báo Thái Nguyên Điện Tử

Bạn đang xem: Tầm nhìn của một doanh nhân
Bài trước Bài sau
popup

Số lượng:

Tổng tiền: