
THÁI NGUYÊN ĐẶT MỤC TIÊU 13 DOANH NGHIỆP/NGHÌN DÂN
Thái Nguyên đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân, xác định đây là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế địa phương.
Mới đây, Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ, bàn giao 14 bộ giải pháp kinh doanh trực tuyến cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn. Đây là hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã thành lập mới 3.862 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên 10.980 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký khoảng 154.000 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp đã khẳng định được vị thế tại các thị trường quốc tế, điển hình như Công ty TNHH Công nghệ sinh học nấm Phú Gia (Đại Từ) – đơn vị đã xuất khẩu thành công sản phẩm nấm vào nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hà Lan, Mỹ, Úc và Đài Loan.
Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 20.000 doanh nghiệp hoạt động, tương đương 13 doanh nghiệp/1.000 dân. Khu vực kinh tế tư nhân được kỳ vọng sẽ đóng góp từ 50-55% GRDP, 18-20% tổng thu ngân sách nhà nước (không tính thu từ đất), giải quyết việc làm cho khoảng 74-75% lực lượng lao động. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân phấn đấu đạt 8,5-9,5%/năm.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh xác định tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế, bảo đảm quyền sở hữu và tự do kinh doanh. Đồng thời, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao; kết nối hiệu quả với doanh nghiệp trong nước và FDI. Tỉnh cũng nhấn mạnh việc hỗ trợ thực chất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể, góp phần tạo nên hệ sinh thái kinh doanh năng động, bền vững.