Thái Nguyên: Đột phá Nâng cao PCI
Bên cạnh việc phát triển hạ tầng xã hội, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh Thái Nguyên chú trọng công tác chuyển đổi số, tạo “cú hích” cho thu hút đầu tư của tỉnh.
Với tốc độ phát triển kinh tế khá cao như hiện nay, Thái Nguyên luôn là điểm sáng trên bản đồ phát triển của cả nước, đặc biệt là trong lĩnh vực thu hút đầu tư. Thái Nguyên sẽ tự tin tạo những đột phá trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên.
Phát huy thế mạnh, đẩy mạnh thu hút dòng vốn FDI
Thái Nguyên đang được đầu tư đồng bộ, hạ tầng hoàn thiện và trở thành một trong những địa phương thu hút nhiều dòng vốn FDI của cả nước với công nghệ hiện đại, tạo ra giá trị gia tăng cao.
Xác định phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư là khâu đột phá cho phát triển kinh tế, tỉnh Thái Nguyên đã, đang và chuẩn bị đầu tư nhiều dự án giao thông lớn, với sự đa dạng các nguồn vốn.
Đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thành đường vành đai 5 kết nối cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên với số vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng; đưa vào sử dụng đường Bắc Sơn kéo dài kết nối cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên với khu du lịch hồ Núi Cốc với số vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.
Đồng thời, tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thiện việc đầu tư mở rộng, nâng cấp đường ĐT266 nối huyện Phú Bình với TP Phổ Yên, TP Sông Công đi qua các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tạo thuận lợi về giao thông, vận chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư. Đường liên kết vùng kết nối tỉnh Bắc Giang – Thái Nguyên – Vĩnh Phúc cũng đang được đầu tư nâng cấp, tạo thế phát triển vùng sườn đông Tam Đảo. Các tuyến giao thông này khi hoàn thiện sẽ góp phần tạo nên kết nối thông suốt, mở đường cho các nhà đầu tư đến với Thái Nguyên.
Bởi vậy, trong nhiều năm qua, Thái Nguyên là địa chỉ đỏ tin cậy thu hút nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước chọn nơi đây là bến đỗ như Tập đoàn Samsung, Sunny Optech, DBG... Qua đó tạo động lực phát triển tỉnh Thái Nguyên bền vững.
Lãnh đạo tỉnh và các đại biểu bấm nút khai trương nền tảng xã hội số Thái Nguyên ID
Đầu năm 2022, Tập đoàn Samsung đã đầu tư thêm 920 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư lên 2,537 tỷ USD.
Chuyển đổi số - “cú hích” thu hút đầu tư
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cho rằng, sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong công tác chuyển đổi số đã mở ra hướng đi mới, tạo sức sống mới, mang lại hiệu quả trên ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Điểm nhấn của chính quyền số Thái Nguyên là việc đưa vào sử dụng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC) với 11 nền tảng công nghệ số, như: ứng dụng công dân số Thái Nguyên “C-ThaiNguyen”; nền tảng xã hội số “Thai Nguyen ID” nhằm xây dựng và phát triển một hệ sinh thái trên môi trường số, lấy người dân là trung tâm, cung cấp cho người dân, doanh nghiệp những tiện ích số hữu hiệu phục vụ cuộc sống. Những thay đổi này như “cánh tay nối dài” tăng cường thêm kênh tương tác giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp.
Các cấp, ngành trong tỉnh đang tập trung cao cho chuyển đổi số, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng hàng đầu, để hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu mà Kế hoạch số 80 đề ra, xây dựng Thái Nguyên trở thành một trung tâm chuyển đổi số.
Để xây dựng một tập thể đoàn kết, dám đổi mới, sáng tạo và luôn khát vọng phát triển, đương đầu với khó khăn, thử thách, bà Nguyễn Thanh Hải cho hay: “Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí từng nhiều lần khẳng định, muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Cán bộ là cầu nối, là dây chuyền của bộ máy, phải thực sự tận tâm, tận lực với công việc, thực sự là tấm gương trước quần chúng nhân dân, thực sự là công bộc của dân. Do đó, tỉnh Thái Nguyên luôn xác định xây dựng hệ thống chính trị, cơ sở đảng... vững mạnh; xây dựng các mô hình các cấp ủy kiểu mẫu, lãnh đạo điển hình sáng tạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.