Thái Nguyên: Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội làm tốt công tác an sinh
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều thành tích quan trọng, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ tổ quốc; đảm bảo an sinh xã hội.
Hướng tới kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Ngành LĐ-TBXH ((28/8/1945 - 28/8/2022), Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc phỏng vấn Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở LĐ -TB XH tỉnh Thái Nguyên về những đóng góp của ngành trong việc hỗ trợ người lao động, các chính sách quan tâm người có công được thực hiện trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
- Kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống ngành LĐ-TBXH (28/8/1945-28/8/2022), hòa chung với khí thế toàn ngành, Sở LĐ-TBXH tỉnh Thái Nguyên đang tích cực thi đua chào mừng kỷ niệm ngày truyền thống ngành LĐ-TBXH như thế nào thưa bà?
Ngành đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, gắn với các lĩnh vực lao động; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn chính sách; tập trung nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển thị trường lao động như: tổ chức hội chợ, sàn giao dịch việc làm, hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề,… Cán bộ viên chức, người lao động trong đơn vị tích cực, chủ động phối hợp với địa phương khảo sát nhu cầu, tổ chức các hội nghị tư vấn, hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Thái Nguyên đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu lao động; cập nhật, chia sẻ, cung cấp, tổng hợp thông tin về thị trường lao động; Thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ, lưu động, phiên giao dịch việc làm chuyên đề, phiên giao dịch việc làm online.
Tổ chức “Tuần cao điểm kết nối Cung – Cầu lao động”, “Ngày hội việc làm tỉnh Thái Nguyên”, các hoạt động tư vấn định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm năm 2022, thu hút gần 155 đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong, ngoài tỉnh tỉnh, 08 Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, TP: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Kạn với hơn 30.000 chỉ tiêu tuyển dụng lao động và tuyển sinh học sinh học nghề phù hợp.
Qua đó, tạo việc làm tăng thêm cho 21.713 người, vượt 44,75% kế hoạch (kế hoạch là 15.000 người), trong đó xuất khẩu lao động 1.177 người, vượt 17,7% kế hoạch (kế hoạch là 1.000 người). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% (kế hoạch là 70%)
Triển khai phần mềm một cửa liên thông, hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định của bộ thủ tục hành chính về hỗ trợ xuất khẩu lao động. Phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội hướng dẫn người lao động hoàn thiện các thủ tục vay vốn xuất khẩu lao động.
Đối với việc triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP: Tỉnh Thái Nguyên đã vào cuộc rất sớm và đánh giá đúng tầm quan trọng của chính sách, qua đó đem lại những hiệu quả trong việc triển khai thực hiện.
Nghị quyết 68/NQ-CP đã giảm tối đa các điều kiện của đối tượng, thời gian thực hiện thủ tục so với Nghị quyết 42/NQ-CP trước đây. Đặc biệt, tính thông thoáng của chính sách, đa dạng hình thức hỗ trợ, dễ triển khai và bám sát đối tượng cần hỗ trợ, sẽ tạo nhiều thuận lợi trong việc giải ngân tới người lao động và người sử dụng lao động.
Thời gian qua, ngành LĐ-TBXH đã góp phần thực hiện thành công mục tiêu kép của Chính phủ, của tỉnh Thái Nguyên; triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đối với công nhân, người lao động cả trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Qua đó, không để đứt gẫy chuỗi nguồn lao động.
Với ý nghĩa và tinh thần đó, nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống ngành LĐ-TBXH, toàn thể công chức, viên chức và người lao động ngành LĐ -TBXH tỉnh Thái Nguyên đang ra sức thi đua, nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực lao động, ra sức cống hiến, quyết tâm xây dựng ngành ngày càng vững mạnh, góp phần xây dựng ngành LĐ-TBXH tỉnh nhà ngày càng phát triển bền vững, góp phần vào sự nghiệp "công nghiệp hoá - hiện đại hoá" đất nước.
- Tỉnh Thái Nguyên đã dành sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt đối với công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trong thời gian qua như thế nào thưa bà?.
Thái Nguyên là tỉnh giàu truyền thống cách mạng, trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, dưới sự lãnh đạo của Đảng hàng trăm ngàn người con ưu tú của tỉnh đã dâng hiến tuổi thanh xuân, sẵn sàng xả thân cho tổ quốc, dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần cơ thể nơi chiến trường; biết bao bà mẹ đã tiễn đến người con cuối cùng của mình lên đường đánh giặc và không bao giờ còn được gặp lại.
Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 130.000 người có công và gia đình có công với cách mạng, hơn 10.000 liệt sĩ, 580 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Tỉnh Thái Nguyên đã được Nhà nước phong tặng và truy tặng cho 282 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, hiện nay 17 mẹ còn sống được các đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng suốt đời… Đây là những tổn thất đau thương, mất mát lớn lao, nhưng cũng là niềm vinh dự, niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với hơn 130.000 người có công với cách mạng; 20.000 người có công được thực hiện chi trả đúng, đủ, kịp thời trợ cấp hàng tháng; tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hoá nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công được triển khai sâu rộng, thông qua các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa’’, “Uống nước nhớ nguồn’’ và xây dựng xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 thăm, tặng quà người có công với cách mạng với tổng số quà là 20.498 suất quà; Phối hợp Quỹ Thiện tâm tặng quà cho 179 thương bệnh binh nặng có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên, với số tiền là 2.680 triệu đồng;
Rà soát 477 hồ sơ thương binh giám định lại do vết thương tái phát theo quy định của Thông tư số 20/2000/TTLT-BLĐTBXH-BYT và 2.600 hồ sơ bệnh binh phục vụ thanh tra Bộ LĐ-TBXH; Tổ chức điều dưỡng năm 2022 cho huyện Định Hoá, Phú Lương, Phú Bình, Đồng Hỷ và Thành phố Thái Nguyên với 3.358 người, số tiền là 7.034,7 triệu đồng; Thực hiện rà soát nhu cầu hỗ trợ nhà ở của người có công giai đoạn 2021-2025. Kết quả có 1.627 người có công, thân nhân liệt sĩ có nhu cầu hỗ trợ nhà ở, trong đó (675 nhà xây mới; 952 nhà sửa chữa),..; Công tác xã hội; tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu; các chính sách bảo trợ xã hội cũng luôn được làm tốt.
Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã mãi mãi ghi tạc và đời đời nhớ ơn sự hy sinh, cống hiến to lớn của các bà, các mẹ, các chiến sỹ. Tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa tiếp tục góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công.
Tất cả các việc làm nói trên, thể hiện “Đền ơn đáp nghĩa”, mong rằng mỗi người, mỗi ngành, mỗi tổ chức xã hội, đơn vị, tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc Thương binh, liệt sĩ và người có công, coi đây là trách nhiệm, tình cảm và vinh dự của chúng ta, tỏ lòng biết ơn sâu sắc với người có công đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và Bảo vệ tổ quốc Việt Nam.
- Bà chia sẻ những thành quả mà ngành đạt được trong thời gian qua?
Ngành LĐ -TBXH tỉnh Thái Nguyên đã không ngừng phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, vượt qua muôn vàn khó khăn thực hiện nhiệm vụ được giao, đạt được những kết quả đáng ghi nhận, toàn diện trên các mặt công tác như: Các chỉ tiêu, mục tiêu của tỉnh về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội đều đạt và vượt kế hoạch, một số lĩnh vực như đào tạo lao động luôn nằm trong tốp dẫn đầu của toàn quốc.
Ghi nhận, đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực và thành tựu ngành LĐ -TBXH Thái Nguyên đạt được trong 77 năm qua. Ngành đã được tặng “Huân chương lao động”, “ Cờ thi đua xuất sắc của Bộ LĐ -TBXH, UBND tỉnh; Bằng khen của UBND tỉnh. Năm 2021 ngành đề nghị Bộ LĐ -TBXH xem xét, tặng Bằng khen cho tập thể Sở LĐ -TBXH tỉnh Thái Nguyên. Những thành quả trên các lĩnh vực cũng như các phần thưởng vinh dự, cao quý trong thời gian qua đã thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của Bộ LĐ -TBXH, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên, cùng sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ làm công tác LĐ -TBXH và sự phối hợp, giúp đỡ của các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, địa phương, tầng lớp nhân dân tỉnh nhà.
Trong giai đoạn hội nhập và phát triển kinh tế- xã hội, Thái Nguyên tiếp tục phát triển tạo tiền đề, sức bật mạnh mẽ hơn nữa, gắn đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội. Với mục tiêu đến năm 2025, đưa Thái Nguyên thành trung tâm thương mại cấp vùng, trung tâm giao thương và kinh tế của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, vùng thủ đô Hà Nội.
Phát huy những kết quả đạt được, giai đoạn tới với những thời cơ, thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức; bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, ngành tập trung cao tham mưu thực hiện tốt các mục tiêu, tập trung công tác đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH, phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm cho người dân, tăng cường huy động, xã hội hóa các nguồn lực chăm lo thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách người có công, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Để đạt được điều đó, cán bộ, công chức, viên chức toàn Ngành phải thực sự nâng tầm, trách nhiệm, tận tâm với đối tượng, không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; để tự hào với truyền thống 77 năm của ngành, xứng đáng hơn nữa, đáp ứng sự tin tưởng và mong đợi của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà.
`