Năm 2012, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thái Nguyên tăng 40 bậc trên bảng xếp hạng, từ vị trí 57 lên vị trí thứ 17 trong số 63 tỉnh, thành của cả nước. Đây là kết quả của sự nỗ lực rất lớn của Thái Nguyên trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đồng hành với doanh nghiệp. Đặt mục tiêu trở thành một tỉnh công nghiệp vào trước năm 2020, để đạt được điều này, thời gian qua tỉnh Thái Nguyên đã không ngừng hoàn thiện môi trường đầu tư theo hướng thuận tiện, thông thoáng, minh bạch nhằm thu hút những dự án FDI công nghệ cao, những dự án lớn của các tập đoàn xuyên quốc gia.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, thành công dẫn đến sự bứt phá ngoạn mục của Thái Nguyên trên bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2012, ngoài các yếu tố về hệ thống giải pháp đồng bộ, thì điều quan trọng là các cấp chính quyền của địa phương đã khéo léo sử dụng PCI như một cái cớ để đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư. Không chỉ thành công về tăng bậc chỉ số PCI. Năm 2013 Thái Nguyên còn có sự bứt phá ngoạn mục trong thu hút đầu tư FDI trên địa bàn. Chỉ một thời gian ngắn sau sự có mặt của tập đoàn Sam Sung – Hàn Quốc, hàng loạt các công ty sản xuất linh kiện phụ trợ đã liên tục có các hoạt động xúc tiến đầu tư vào Thái Nguyên, điều này dự kiến sẽ đưa tổng vốn FDI đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên trong năm 2013 lên mức 5 tỷ USD, như vậy thì “bước nhảy” của Thái Nguyên trong năm 2013 sẽ còn xa hơn rất nhiều con số 24 bậc như công bố mới đây của Bộ Kế hoạch Đầu tư.

Nhìn nhận một cách khách quan có thể thấy, ngoài yếu tố thuận lợi về vị trí địa kinh tế, giao thông thì chính sự thông thoáng, thân thiện hấp dẫn về cơ chế chính sách đã khơi thông dòng chảy đầu tư vào Thái Nguyên một cách mạnh mẽ. PCI không chỉ còn là câu chuyện của mỗi cấp chính quyền mà nó đã trở thành nhiệm vụ chính trị hàng đầu của mỗi đơn vị, mỗi địa phương.

Mấy năm trở lại đây, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, Thành phố Thái Nguyên với vai trò đầu tầu kinh tế, ngoài các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, thành phố Thái Nguyên còn đẩy mạnh phát huy nhân tố con người để mỗi cá nhân hiểu về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc cải thiện, nâng cao chỉ số PCI. Coi khó khăn của doanh nghiệp chính là khó khăn của chính quyền, thành phố tiếp tục thực hiện quy trình ISO trong quản lý hành chính nhằm minh bạch công khai về thủ tục hồ sơ, đặc biệt là triển khai thực hiện kịp thời các chính sách về thuế cùng đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

3 vấn đề then chốt trong việc nâng cao chỉ số PCI đã được Thái Nguyên xác định rõ, đó là trách nhiệm, tâm và tầm của chính quyền các cấp xuyên suốt trong quá trình điều hành. Sự tiến bộ trong cải thiện chỉ số PCI năm 2012 của Thái Nguyên được thể hiện rất rõ khi so sánh với kết quả xếp hạng của một số tỉnh, thành trong vùng. Tuy nhiên, nhìn vào chỉ số PCI của các năm trước, Thái Nguyên có 3 lĩnh vực bị đánh giá điểm tương đối thấp là: Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; Thiết chế pháp lý và Đào tạo lao động. Điều đó cho thấy, để giữ vững và cải thiện mạnh mẽ hơn nữa chỉ số PCI, đưa Thái Nguyên vào nhóm các tỉnh xếp hạng cao của cả nước, thời gian tới Thái Nguyên cần tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ

Để hoàn thiện môi trường đầu tư, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng 8 nhóm giải pháp mang tính toàn diện về mọi lĩnh vực liên quan trực tiếp đến từng chỉ số thành phần cấu thành PCI. Hy vọng với những giải pháp này, cùng với sự vào cuộc tích cực từ các địa phương Thái Nguyên và sự ủng hộ bằng việc phản ánh khách quan cũng như sự phản hồi đầy đủ phiếu hỏi về VCCI của các doanh nghiệp, PCI năm nay vẫn đứng ở top đầu./

Mạnh Nghịnh

popup

Số lượng:

Tổng tiền: