THÁI NGUYÊN NHIỀU NỖ LỰC HƯỚNG TỚI PHÂN LOẠI RÁC TẠI NGUỒN
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, từ ngày 1/1/2025, chất thải rắn sinh hoạt sẽ được phân loại tại nguồn (từng hộ gia đình) sau đó được thu gom, tập kết, vận chuyển. Tuy nhiên hiện nay thực tế hiện nay công tác phân loại rác tại nguồn vẫn gặp nhiều khó khăn, gian nan.
Gia đình chị Dương Thị Quyên ở Tổ dân phố 2, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình là hộ kinh doanh ăn uống nên lượng rác thải mỗi ngày là rất lớn. Nhằm giảm bớt những áp lực cho công tác thu gom cũng như chi phí xử lý rác nên gia đình chị thực hiện triệt để việc phân loại rác ngay từ ban đầu.
Còn tại TP Thái Nguyên, việc hỗ trợ người dân phân loại rác đã được thực hiện từ năm 2017, đến năm 2021 thì TP chính thức triển khai “ Đề án phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn”. Tuy triển khai từ sớm nhưng Đề án phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.
Thành phố Thái Nguyên là địa phương có lượng rác thái sinh hoạt phát sinh hàng ngày lớn nhất tỉnh. Việc xử lý rác vẫn chủ yếu là chôn lấp chiểm 70%. Phân loại rác tại nguồn cũng đã được thành phố quan tâm triển khai khi liên tiếp ban hành và triển khai các Đề án phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên mọi việc vẫn chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền vận động, trong khi cần đòi hỏi rất nhiều yếu tố đồng bộ khác.
Hiện nay, mỗi ngày, cả nước thải ra gần 68.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Lượng rác thải này gia tăng hàng năm, gây ra nhiều áp lực, thách thức không nhỏ trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt.Việc kiểm soát, quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều hạn chế, dẫn đến nguy cơ gây ra tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe của người dân.Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định nguyên tắc phân loại chất thải rắn sinh hoạt làm 3 loại, gồm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.Luật cũng quy định về việc thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt thông qua khối lượng hoặc thể tích và các quy định khác nhằm hướng đến tăng cường tối đa việc tái chế và giảm tối đa chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý và phát thải ra môi trường.Để bảo đảm tính khả thi của cơ chế này, Luật đã quy định UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất chất thải rắn sinh hoạt với thời hạn áp dụng chậm nhất là ngày 31/12/2024. “Chính sách trên được đánh giá là bước ngoặt quan trọng làm thay đổi cả mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt cũng như việc vận hành triển khai trên thực tế. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất trong việc phân loại rác tại nguồn là việc đầu tư cơ sở hạ tầng, từ thu gom, vận chuyển đến xử lý. Dẫn đến thực tế, rác thải đã được phân loại nhưng sau đó vẫn đổ chung vào một chỗ, dẫn đến việc phân loại rác tại nguồn chưa bền vững.
Mặc dù còn nhiều khó khăn song không trông chờ ở cơ chế, hướng dẫn, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực hoàn tất các thủ tục pháp lý và tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư xử lý rác. Để thực hiện đúng theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, rác thải phải được phân loại tại nguồn từ ngày 1/1/2025.
Ước tính mỗi ngày, trên cả nước phát sinh khoảng hơn 70 nghìn tấn rác thải, tuy nhiên, chỉ có 15% lượng rác này được thu gom, tái chế hoặc tái sử dụng. Chính vì vậy, việc xử lý rác thải cần được tiếp cận một cách bài bản và hiệu quả để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng; đẩy mạnh công tác phân loại rác thải tại nguồn và khuyến khích áp dụng công nghệ tái chế.