THÁI NGUYÊN: TĂNG CƯỜNG LẮNG NGHE ĐỂ HIỂU VÀ THÁO GỠ CÙNG DOANH NGHIỆP

Tác giả: CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG VÀ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Ngày đăng: 22/05/2024

Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân được xem là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định, lực lượng tiên phong nhằm thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp với trọng tâm là từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Trong đó, việc đối thoại với doanh nghiệp, doanh nhân đã trở thành nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. Thông qua các cuộc đối thoại, nhiều khó khăn, vướng mắc, nhiều “điểm nghẽn” đã được khai thông. Đây cũng là một trong những nội dung được lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên tăng cường chỉ đạo thực hiện thời gian qua.

Vừa qua, tất cả 9/9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên lần lượt tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn, trao đổi trực tiếp về những vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã đang nghiên cứu đề xuất đầu tư trên địa bàn, cũng như khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Phổ Yên là địa phương mở đầu chuỗi hoạt động đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn với nhiều ý kiến được ghi nhận liên quan đến đến môi trường đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn như: tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận về đất đai (đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất sản xuất kinh doanh tại một số dự án); hỗ trợ doanh nghiệp sớm được cấp giấy chứng nhận đầu tư; hoàn thiện hồ sơ đấu thầu dự án đầu tư trước khi Luật Đất đai được sửa đổi; tăng cường liên kết, kết nối các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, thân thiện…

Tại huyện Phú Bình. Nhiều ý kiến tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp tập trung vào các nội dung như: xác định kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng được đối trừ vào tiền sử dụng đất và khó khăn trong bồi thường giải phóng mặt bằng xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp; gia hạn và điều chỉnh gia hạn tiến độ triển khai thực hiện dự án; khó khăn của một số doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếp cận thị trường tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng trong vấn đề việc làm; đơn giản hơn nữa thủ tục hành chính phục vụ kinh doanh.

Tại TP. Thái Nguyên, Lãnh đạo Hội Doanh nghiệp TP  đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cụ thể như: Tăng cường kiểm soát thị trường bất động sản, quản lý kinh doanh qua mạng xã hội; kiến nghị với ngành Ngân hàng giảm lãi suất cho vay, giải ngân đầu tư công chậm, giá vật tư đầu vào cao...Trên cơ sở đó, các đại biểu đề nghị cấp uỷ, chính quyền các cấp của TP. Thái Nguyên tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường quản lý thị trường online điện tử…

Nhiều doanh nghiệp ở huyện Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai, Định Hóa kiến nghị, đề xuất với chính quyền địa phương có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ổn định hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, như: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, giúp hàng hóa thông thương kịp thời; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến đất đai, khai thác khoáng sản; tạo mặt bằng sạch cho các dự án đầu tư; có chính sách ưu tiên, khuyến khích đầu tư phát triển thương mại - dịch vụ, có thêm cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch, chăn nuôi; lĩnh vực chế biến lâm sản, vật liệu xây dựng khó khăn về mặt bằng, thiếu đất san lấp mặt bằng; các hợp tác xã đề nghị hỗ trợ nâng cấp hệ thống máy móc sản xuất để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm…

Với tinh thần thẳng thắn cởi mở và cầu thị, trên cơ sở kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, đại diện các sở, ngành của tỉnh và lãnh đạo các địa phương đã trao đổi, làm rõ về những nội dung thuộc thẩm quyền liên quan đến chính sách thuế, mặt bằng đất đai, chính sách tín dụng đối với doanh nghiệp, giải quyết vấn đề môi trường tại các khu, cụm công nghiệp… Những kiến nghị không thuộc thẩm quyền được các địa phương tiếp thu để gửi tới các cấp, ngành chức năng xem xét, giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Có thể thấy, đối thoại là cầu nối gần nhất, hiệu quả gắn kết doanh nghiệp và chính quyền, chính quyền nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hỗ trợ giải quyết những kiến nghị, tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Thông qua đây, các vấn đề cụ thể được doanh nghiệp đề xuất là xác đáng, thẳng thắn, có tính chất giải trình, thể hiện niềm tin rất lớn vào chính quyền tỉnh trong vai trò kiến tạo, đổi mới phương thức điều hành từ quản lý sang phục vụ, đồng hành và chia sẻ với người dân, doanh nghiệp.

B.T

Bạn đang xem: THÁI NGUYÊN: TĂNG CƯỜNG LẮNG NGHE ĐỂ HIỂU VÀ THÁO GỠ CÙNG DOANH NGHIỆP
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền: