Thái Nguyên: Thu hút đầu tư chuyển từ “lượng” sang “chất”

Tác giả: CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG VÀ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Ngày đăng: 10/10/2022

Thái Nguyên luôn là tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6,51%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 35 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 28,85 tỷ USD…

Không quá chú trọng số lượng, coi trọng chất lượng các dự án, đặc biệt là các dự án có hàm lượng công nghệ cao và có yếu tố chuyển giao công nghệ là điều mà Thái Nguyên đang đẩy mạnh trong công tác xúc tiến đầu tư.

Năm vừa qua, Thái Nguyên vẫn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6,51%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 35 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 28,85 tỷ USD… Đặc biệt, 9 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách Nhà nước đạt 13,441 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ’; giá trị xuất khẩu ước đạt 25,08 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước; tăng trưởng kinh tế 9 tháng đạt 8,5%, riêng quý III đạt 11,3%.

Cam kết đồng hành

Đến nay, tổng số vốn đầu tư dự án trong nước là 843 dự án, vốn đăng ký khoảng 148.154 tỷ đồng. Số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên khoảng 8.763 doanh nghiệp. Đối với các dự án FDI, hiện toàn tỉnh có 172 dự án còn hiệu lực với tổng mức đầu tư đăng ký đạt gần 10,3 tỷ USD, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước.

Ngoài ra, trên Bảng xếp hạng PCI năm 2021, Thái Nguyên thuộc nhóm điều hành khá so với cả nước. Chỉ số cải cách hành chính PAR-index năm 2021, Thái Nguyên ở vị trí thứ 6/63; Bảng xếp hạng Vietnam ICT Index mới nhất, Thái Nguyên đứng thứ 4 cả nước về Chỉ số công nghiệp công nghệ thông tin…

Điều đó cho thấy Thái Nguyên thực sự là điểm đến hấp dẫn, lý tưởng đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh, chính quyền tỉnh Thái Nguyên cam kết luôn sẵn sàng hỗ trợ các nhà đầu tư bất kể mới hay cũ, đầu tư trong hay ngoài khu công nghiệp đều sẽ nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành trong quá trình thực hiện các dự án. Cụ thể:

Thứ nhất: Thành lập đường dây nóng của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh để tiếp nhận thông tin và giải quyết ngay các kiến nghị từ phía các doanh nghiệp.

Thứ hai: Hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khi có nhu cầu mở rộng sản xuất, thay đổi phương án sản xuất kinh doanh, điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Thứ ba: Bảo đảm an ninh trật tự ngoài hàng rào doanh nghiệp, khu công nghiệp và cụm công nghiệp, bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp.

Thứ tư: Hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lao động, cung cấp nguồn lao động có kỹ thuật và ý thức tổ chức kỷ luật.
Thứ năm: Cam kết cung cấp đủ điện 24/24 giờ cho các doanh nghiệp. Đầu tư lưới điện đến chân hàng rào dự án cho các doanh nghiệp đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp.

Thứ sáu: Hỗ trợ tốt nhất công tác giải phóng mặt bằng, áp dụng chính sách ưu đãi tối đa cho doanh nghiệp trong khung quy định của Chính phủ về miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước...

Samsung hiện là nhà đầu tư FDI lớn nhất tỉnh Thái Nguyên.

Chuyển từ “lượng” sang “chất”

Hiện nay, thu hút đầu tư tại Thái Nguyên đã chuyển dần từ “lượng” sang “chất”, tức là chuyển từ ưu đãi, mời chào, sang chọn lọc để phù hợp với đặc điểm của địa phương nhằm tạo sự lan tỏa và giá trị gia tăng của nguồn vốn thu hút.

Sự thay đổi này đã làm cho dòng vốn thu hút vào các khu công nghiệp không ồ ạt như trước, thu hút đầu tư sẽ được sàng lọc kỹ hơn, dự án thu hút chất lượng hơn. Thực tế những dự án thu hút mới và tăng vốn đầu tư thời gian qua đều là những lĩnh vực Thái Nguyên đang khuyến khích đầu tư.

Thái Nguyên xác định, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, phát triển khu vực phía Nam của tỉnh, chú trọng khu vực kinh tế tư nhân, công nghệ cao; khuyến khích hình thành những cụm ngành, cụm sản xuất có sự tương quan trong cùng lĩnh vực làm tiền đề, cơ sở kết nối chuỗi sản xuất, chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; Nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy hành chính các cấp; đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; Quan tâm phát triển nguồn nhân lực địa phương, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao;,…

Cùng với đó, tập trung thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực thế mạnh, như phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; phát triển du lịch cộng đồng; xây dựng đô thị…
Tỉnh cũng đặt ra yêu cầu, trong quá trình thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, ngoài nguồn ngân sách được bố trí, khuyến khích các hoạt động đầu tư ngoài ngân sách, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư thông qua hình thức mới như trực tuyến, gửi tài liệu, video giới thiệu tiềm năng lợi thế tới các nhà đầu tư; thông qua các Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài và các Bộ, Ngành liên quan khác; các tổ chức xúc tiến đầu tư của Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Châu Âu...

Thường xuyên cập nhật thông tin về thủ tục đầu tư, môi trường đầu tư, cung ứng lao động, hạ tầng giao thông... giúp nhà đầu tư tìm hiểu, nắm bắt.

Duy trì chương trình “Trà - Cà phê doanh nhân” để thúc đẩy hoạt động “ươm mầm” doanh nghiệp, khởi nghiệp, tạo không gian đối thoại để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

 

Bạn đang xem: Thái Nguyên: Thu hút đầu tư chuyển từ “lượng” sang “chất”
Bài trước Bài sau
popup

Số lượng:

Tổng tiền: