THÁI NGUYÊN THÚC ĐẨY SẢN XUẤT TRONG KHU CÔNG NGHIỆP

Tác giả: CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG VÀ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Ngày đăng: 22/05/2024

Với mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại, những năm gần đây, Thái Nguyên đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư,... Qua đó giúp các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp (KCN) phát triển, tạo nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tháng 7 năm 2023, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên đã tiến hành tổ chức trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH khí công nghiệp Messer Hải Phòng - Sông Công (viết tắt là Công ty Messer). Dự án của Công ty Messer được xây dựng tại Lô CN2 - 4, Khu B, Khu công nghiệp Sông Công I, phường Bách Quang (TP. Sông Công), với diện tích đất sử dụng trên 4.000m2. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 450 tỷ đồng (tương đương 19,25 triệu USD); thời hạn hoạt động của Dự án đến ngày 31/8/2049. Dự kiến, Dự án sẽ vận hành sản xuất chính thức và cung cấp sản phẩm vào quý III/2024. Mục tiêu của Dự án là sản xuất hóa chất cơ bản, khí công nghiệp dạng khí và dạng lỏng với quy mô lớn.

Trước đó, trong 6 tháng đầu năm 2023 đã có 2 dự án đầu tư mới được chấp thuận chủ trương đầu tư trên địa bàn TP. Sông Công, với tổng số vốn đăng ký 37 tỷ đồng và 5 triệu USD. Đó là Dự án Nhà máy BIGL Việt Nam tại Khu công nghiệp Sông Công II và Dự án Nhà máy sản xuất gia công các sản phẩm Vonfram và Molyden tại Khu công nghiệp Sông Công I.

Thực hiện Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 về quy hoạch và phát triển các khu, cụm công nghiệp, tỉnh TN sẽ phát triển và mở rộng 11 KCN với tổng diện tích khoảng 4.045ha, bao gồm 7 KCN đã được phê duyệt và 4 KCN được bổ sung. Nếu tính thêm Khu công nghệ thông tin Yên Bình (diện tích 200ha) thì tổng diện tích các KCN của tỉnh là 4.245ha. Các KCN trên địa bàn tỉnh được bố trí nằm dọc theo tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và các tuyến đường trọng điểm quốc gia, tiếp giáp với những KCN lớn của các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh và Thủ đô Hà Nội, thuận tiện cho vận chuyển hàng hóa cũng như tạo điều kiện về di chuyển và logistics đối với các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tập trung nâng cao hiệu quả giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đúng quy định đối với lĩnh vực này. 100% các tổ chức, cá nhân đến thực hiện giải quyết TTHC tại Ban Quản lý đều được hướng dẫn cụ thể và giải quyết trước thời gian quy định đối với những hồ sơ có đầy đủ thủ tục theo quy định.

Hiện nay, Ban Quản lý các KCN tỉnh đang tiếp tục tham mưu với tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tập trung vào việc lập, phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 KCN Sông Công 2 - giai đoạn 2; đồ án quy hoạch chung xây dựng KCN - đô thị - dịch vụ Phú Bình và tiến hành lấy ý kiến cộng đồng và các sở, ngành, địa phương về nhiệm vụ quy hoạch phân khu KCN Thượng Đình, KCN Yên Bình 2, KCN Yên Bình 3; quy hoạch chung KCN - đô thị - dịch vụ Tây Phổ Yên và báo cáo UBND tỉnh chấp thuận chủ trương lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết KCN Điềm Thụy - Khu A.

Để tiếp tục tạo điều kiện, phát huy hiệu quả tiềm năng phát triển và gia tăng giá trị kinh tế cho các nhà đầu tư tại KCN, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả, huy động mọi nguồn lực tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, tổng thể, đáp ứng yêu cầu phát triển của nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Với việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh tại các KCN, tỉnh Thái Nguyên đã và đang là cực tăng trưởng trong thu hút đầu tư của cả nước./.

B.T

Bạn đang xem: THÁI NGUYÊN THÚC ĐẨY SẢN XUẤT TRONG KHU CÔNG NGHIỆP
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền: