THÍCH ỨNG LINH HOẠT ĐỂ DẦN “BÌNH THƯỜNG MỚI”

Tác giả: CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG VÀ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Ngày đăng: 29/11/2021

Điểm dân cư nông thôn mới ở xã Xuân Phương (Phú Bình) dự kiến sẽ được hoàn thiện hạ tầng vào giữa năm 2022 (sớm hơn 1 năm so với kế hoạch), đáp ứng nhu cầu về nhà ở của nhân dân địa phương.

Mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch COVID-19 nhưng thời gian qua, huyện Phú Bình đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp thích ứng với tình hình thực tế. Nhờ đó, địa phương đang triển khai hiệu quả “mục tiêu kép”: Vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định đời sống của nhân dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho biết: Địa phương nằm giáp ranh với các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, có nhiều công dân đi làm việc, lao động tại các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Do đó, trong những tháng đầu năm và hiện tại, trên địa bàn huyện xuất hiện các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Để kiểm soát và khống chế, không để dịch bệnh lây lan, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị thực hiện tốt công tác phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19 ở địa phương.

Cùng với đó, địa phương chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nông - lâm nghiệp và thủy sản; tăng cường thu hút đầu tư, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn nhằm nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tăng thu ngân sách… Đến nay, mặc dù dịch COVID-19 vẫn có những diễn biến phức tạp nhưng cơ bản vẫn được kiểm soát tốt; một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Phú Bình đều đạt và vượt so với kế hoạch.

Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, thời gian qua, huyện Phú Bình đã thành lập 305 tổ COVID-19 cộng đồng, tuyên truyền người dân chấp hành các quy định trong phòng, chống dịch; kịp thời phát hiện các trường hợp từ tỉnh khác trở về địa phương, vận động khai báo y tế và thực hiện cách ly tập trung theo quy định.

Song song với đó, huyện cũng thành lập các điểm hỗ trợ nhân dân phòng, chống dịch COVID-19 cấp huyện đặt tại các “cửa ngõ” vào địa bàn; đưa vào hoạt động các khu cách ly tập trung với quy mô hàng trăm giường; đẩy mạnh chiến dịch “phủ” vắc xin phòng COVID-19 cho toàn bộ người dân đủ 18 tuổi trở lên trên địa bàn nhằm tạo miễn dịch cộng đồng…

Là huyện có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, bên cạnh công tác phòng, chống dịch, huyện Phú Bình cũng đặc biệt chú trọng đến phát triển lĩnh vực này. Ông Nguyễn Đắc Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thông tin: Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch và đưa ra các giải pháp cụ thể để hoàn thành các chỉ tiêu. Cụ thể, Phòng đã phối hợp với các đơn vị liên quan và các xã, thị trấn tích cực duy trì, mở rộng các mô hình liên kết sản xuất, phát triển những loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương; hỗ trợ mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, hỗ trợ giá giống lúa đối với cánh đồng tập trung, mô hình sản xuất, thâm canh cây ăn quả, rau màu…

Cùng với đó là kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Đến thời điểm này, sản lượng lương thực có hạt trên địa bàn ước đạt 79.000 tấn (tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước); giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt ước đạt 112,2 triệu đồng (tăng hơn 10% so với cùng kỳ); sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 36.000 tấn (đạt 100% kế hoạch)…

Cán bộ Chi cục Thuế Phổ Yên - Phú Bình hướng dẫn đại diện doanh nghiệp và người dân thực hiện các thủ tục nộp thuế.

Bên cạnh phát triển diện tích cây trồng, nâng tổng đàn vật nuôi có thế mạnh của địa phương, huyện Phú Bình cũng thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng thu ngân sách Nhà nước. Tính đến ngày 18-11, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt gần 153 tỷ đồng, tăng 24% so với dự toán tỉnh giao, tăng 10% so với cùng kỳ. Trong đó, một số khoản thu đạt cao như thu tiền sử dụng đất 47,2 tỷ đồng; thuế ngoài quốc doanh 18 tỷ đồng; thu từ thuê đất 36,5 tỷ đồng…

Không chỉ có vậy, huyện Phú Bình còn quan tâm giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án: Đường nối Quốc lộ 37 đến cầu vượt sông Cầu; cụm công nghiệp Bảo Lý - Xuân Phương; Dự án Cải tạo và nâng cấp đường ĐT266… Kết quả, từ đầu năm đến nay, đã có gần 40ha đất được giải phóng mặt bằng, với kinh phí bồi thường gần 130 tỷ đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai dự án đúng tiến độ.

Theo ông Nguyễn Văn Toản, Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển và công nghiệp Phú Bình, đơn vị đang triển khai xây dựng hạ tầng Điểm dân cư nông thôn mới Xuân Phương (xã Xuân Phương). Trong quá trình thi công, chúng tôi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc tích cực từ phía các phòng, ban, đơn vị của huyện Phú Bình, đến nay, phần diện tích 3,8ha để thực hiện Dự án đã cơ bản được giải phóng mặt bằng xong.

Nhờ thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp cùng với sự đồng lòng, quyết tâm cao của cấp ủy chính quyền các cấp và nhân dân, kết thúc năm 2021, giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn huyện Phú Bình ước đạt 2.356 tỷ đồng (tăng 3,7% so với cùng kỳ); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt trên 2.000 tỷ đồng (tăng 7,2% so với cùng kỳ); thu nhập bình quân đầu người ước đạt 65 triệu đồng/người/năm…

 

Vi Vân

https://baothainguyen.vn/tin-tuc/thoi-su-trong-tinh/thich-ung-linh-hoat-de-dan-%E2%80%9Cbinh-thuong-moi%E2%80%9D-293392-205.html

Bạn đang xem: THÍCH ỨNG LINH HOẠT ĐỂ DẦN “BÌNH THƯỜNG MỚI”
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền: