THÚC ĐẨY ĐƯA THÁI NGUYÊN TRỞ THÀNH TRUNG TÂM CHẾ BIẾN CHÈ

Tác giả: CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG VÀ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Ngày đăng: 23/12/2024

Theo Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thái Nguyên được chọn là vùng trọng điểm phát triển một số cây công nghiệp, chủ lực là cây chè gắn với chế biến và tiêu thụ, đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chế biến chè. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngành Nông nghiệp của tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm trà Thái Nguyên.

Hiện nay, Thái Nguyên là một trong những địa phương có diện tích, sản lượng chè dẫn đầu cả nước. Tỉnh đã phát triển được vùng nguyên liệu sản xuất với quy mô gần 22.500ha; sản lượng chè búp tươi đạt trên 267,5 nghìn tấn/năm; giá trị sản phẩm trà đạt 12,3 nghìn tỷ đồng. Toàn tỉnh có 38 doanh nghiệp, 163 hợp tác xã (HTX), 251 làng nghề truyền thống, với trên 91.000 hộ chế biến chè xanh, chè xanh chất lượng cao. Xác định chè là cây trồng tiềm năng, chủ lực, những năm qua, Thái Nguyên tập trung ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển ngành Chè, định hướng vừa mở rộng quy mô diện tích, đẩy mạnh chế biến, vừa nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 21/10/2019 về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh đã ban hành, triển khai các đề án phát triển chè bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và thương hiệu sản phẩm trà Thái Nguyên; Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Nhiều chính sách được ban hành và triển khai có hiệu quả như: Hỗ trợ phân bón hữu cơ, sinh học; hỗ trợ chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; hỗ trợ cơ giới hóa, ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước và thiết bị trong sơ chế, chế biến chè; hỗ trợ bao bì, nhãn mác, xây dựng thương hiệu, kết nối quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm trà… Tuy nhiên, sản xuất chè vẫn chủ yếu là quy mô hộ, với số lượng hợp tác xã (HTX) tham gia và quy mô sản xuất còn nhỏ, gặp nhiều khó khăn trong tổ chức sản xuất, dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Để khắc phục những thách thức này, ngành Nông nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đơn vị, và địa phương để tích cực tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo và đẩy mạnh phát triển HTX, đặc biệt là liên hiệp các HTX chè để sản xuất theo chuỗi giúp đồng bộ hóa quy trình sản xuất và chế biến. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển chè bền vững và gắn sản xuất chè với việc quảng bá và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, cũng như phát triển du lịch vùng chè. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện hướng dẫn, quản lý, giám sát 45 mã vùng trồng chè gắn định vị trên hệ thống toàn cầu GPS để thực hiện theo dõi truy xuất nguồn gốc sản phẩm và tuân thủ tốt các tiêu chí theo quy định. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, HTX chè tích cực liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Trong thời gian tới, Ngành Nông nghiệp và PTNT tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển cây chè, hoàn thành mục tiêu các nghị quyết, đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, phấn đấu đến năm 2025, diện tích chè đạt 23.500ha, trong đó diện tích chè giống mới chiếm 85% tổng diện tích chè toàn tỉnh; sản lượng chè búp tươi đạt 273.000 tấn; giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng chè đạt 350 triệu đồng/ha. Ngành sẽ tiếp tục thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để mở rộng diện tích trồng chè, hình thành các vùng sản xuất chè tập trung; đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất chế biến, bảo quản nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm trà; phát triển và nâng cao hiệu quả các HTX, liên hiệp HTX tại các vùng sản xuất chè; xây dựng và thực hiện hiệu quả việc hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX và nông hộ chè trong sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm gắn với chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Cùng với đó, tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư, triển khai hiệu quả các chính sách phát triển chè bền vững...

 

Bạn đang xem: THÚC ĐẨY ĐƯA THÁI NGUYÊN TRỞ THÀNH TRUNG TÂM CHẾ BIẾN CHÈ
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền: