THÚC ĐẨY KINH TẾ SỐ TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
Công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp đang diễn ra trên thế giới với tốc độ cao, giúp tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Để nâng cao giá trị nông sản, hướng đến phát triển kinh tế số nông nghiệp, Thái Nguyên tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp và phát triển thương mại điện tử trong tiêu thụ sản phẩm, góp phần thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”.
Nghiên cứu quốc tế cho thấy, chuyển đổi số sẽ cho phép giảm được tới 23% chi phí lao động ngành nông nghiệp. Quản lý đất đai nông nghiệp bằng công nghệ số giảm được 14% chi phí. Dùng công nghệ số để bón phân tùy biến theo từng loại cây trồng tiết kiệm 12% chi phí. Lái xe tự động trong nông nghiệp giúp giảm tới 13% chi phí. HTX Chè an toàn Khe Cốc ở xã Tức Tranh, huyện Phú Lương hiện có 40ha chè được cấp mã số vùng trồng, trong đó 20ha đã đạt chứng nhận hữu cơ, dự kiến 20ha còn lại sẽ đạt chứng nhận hữu cơ vào đầu năm 2025. Việc xây dựng mã số vùng trồng đã giúp HTX đảm bảo minh bạch về chất lượng và sản lượng, hướng tới xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường khó tính.
Sau khi triển khai thành công kỹ thuật trồng na rải vụ, với tổng diện tích khoảng 5ha/năm, giá bán thương phẩm đã cao gấp hai lần na chính vụ. Hợp tác xã dịch vụ Nông lâm nghiệp Phú Thượng ở huyện Võ Nhai còn tập trung đẩy mạnh quảng bá sản phẩm na rải vụ trên các nền tảng số để tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất, làm giàu cho các thành viên.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện hướng dẫn, quản lý, giám sát 64 mã vùng trồng. Dữ liệu về mã số vùng trồng được cập nhật trên ứng dụng số với các thông tin về định vị vùng trồng trên bản đồ, chi tiết về diện tích của các hộ dân tham gia. Bên cạnh đó, nhờ tăng cường chuyển đổi số trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, số lượng sản phẩm bán ra trên sàn thương mại điện tử và các kênh truyền thông xã hội đã tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Chỉ tính riêng 2 sàn Postmart.vn và Voso.vn, đến nay toàn tỉnh có gần 190.000 hộ sản xuất nông nghiệp được tạo tài khoản bán hàng. Có 100% doanh nghiệp, HTX trong tỉnh có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên đã quảng cáo, giới thiệu, bán sản phẩm trên nền tảng số, mạng xã hội… Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số nông nghiệp được ví là chìa khóa để tỉnh hiện thực hóa mục tiêu hướng đến phát triển kinh tế số.
Tăng cường ứng dụng công nghệ số vào toàn ngành nông nghiệp còn thúc đẩy mối quan hệ cung - cầu, giúp tăng cường kết nối giữa người sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng, nhờ đó đảm bảo tốt hơn cho đầu ra của nông sản. Nhờ tính ưu việt và tiện dụng của công nghệ số, người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi được các thông số về chất lượng nông sản, áp dụng kỹ thuật canh tác, chăn nuôi đảm bảo phù hợp với các yêu cầu thương mại quốc tế. Chuyển đổi số đem lại công cụ theo dõi và quản lý mức độ phát thải khí nhà kính của chuỗi cung ứng và tránh những rào cản không cần thiết khi xuất khẩu sang các thị trường giá trị cao, góp phần đưa nông sản Việt Nam đến gần hơn với cung đường xuất khẩu ra thị trường thế giới.