VƯỢT RÀO CẢN COVID, CÔNG NGHIỆP THÁI NGUYÊN DUY TRÌ NHỊP TĂNG TRƯỞNG

Tác giả: CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG VÀ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Ngày đăng: 14/10/2021

Một nửa chặng đường năm 2021 đã kết thúc, cùng với kết quả đạt được ở nhiều lĩnh vực, công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên tiếp tục có mức tăng trưởng ổn định, với giá trị sản xuất toàn ngành đạt trên 361 nghìn tỷ đồng, tăng gần 9% so với cùng kỳ. Đáng ghi nhận, chỉ số tăng trưởng không chỉ ở khu vực kinh tế có vốn đầu tư của nước ngoài, mà nhiều lĩnh vực công nghiệp trong nước và của địa phương cũng có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020.

 

 

56,3% là là tỷ lệ mà khu vực công nghiệp – dịch vụ đang nắm giữ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Nguyên trong 6 tháng đầu năm. Đóng góp trong kết quả đó là sự tăng trưởng trên 7% so với cùng kỳ của của ngành công nghiệp. Kết quả này cho thấy, đại dịch COVID-19 cùng những biến động của thị trường là chất xúc tác khẳng định sức bền, sự chống chịu và đặc biệt là tầm nhìn chiến lược mang tính lâu dài của các doanh nghiệp.

Ông Võ Tiến Dũng, Giám đốc Đối ngoại - Cộng đồng - Môi trường, Công ty cổ phần Masan High-Tech Materials cho biết: “Chúng tôi đã chuyển tầm nhìn của công ty, chiến lược của công ty, từ một công ty sản xuất sang một công ty cung cấp các giải pháp cho khách hàng. Đó là điều cốt lõi nhất. Chúng tôi tìm kiếm các giải pháp mà khách hàng cần để cung cấp cho họ. Sản phẩm của chúng tôi không phải là họ mua ở đâu cũng được mà là sản phẩm độc quyền đi sâu, đi thẳng vào lĩnh vực khoa học và công nghệ mà thế giới đang cần”.

Kết thúc 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt gần 362 nghìn tỷ đồng, tăng gần 8,7% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp địa phương đạt gần 15,5 nghìn tỷ đồng, tăng gần 19%. Đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng là các nhóm ngành công nghiệp chủ lực như: khai khoáng, điện thương phẩm, cơ khí chế tạo và các sản phẩm công nghiệp xây dựng. Đáng chú ý, đóng góp vào mức tăng trưởng 8,3% của ngành chế biến, chế tạo không thể không kể đến sự phục hồi tích cực của ngành may mặc với việc chủ động về thị trường và nguồn nguyên liệu. Kết thúc 6 tháng đầu năm, ngành may mặc tăng trưởng trên 12% về sản lượng và gần 10% và kim ngạch xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần Đầu tư và thương mại TNG cho biết: “Đón nhận Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng như là Hiệp định CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) Công ty Cổ phần Đầu tư và thương mại TNG đã nghĩ ngay đến việc là phải chủ động nguồn nguyên liệu trong nước. Đó là TNG đã sản xuất bông, góp phần nội địa hóa sản phẩm của TNG và đóng góp cho các đơn vị khác nữa”.

Cùng với việc chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, chuỗi cung ứng dần ổn định trở lại, thì những lợi thế từ các hiệp định thương mại đang là động lực để ngành công nghiệp có sự phục hồi nhanh chóng. Đáng chú ý, nhóm ngành công nghiệp xây dựng duy trì mức tăng trưởng đều ở hầu hết các thời điểm. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, sản lượng xi măng toàn tỉnh tăng 2,3%, gạch xây dựng các loại tăng 5,5, sắt thép tăng trưởng trên 12% và bằng gần 58% kế hoạch năm. Nhận định thời gian tới, thị trường xuất khẩu vẫn có nhiều thuận lợi và là chìa khóa giảm áp lực ở thị trường nội địa. Đây là sẽ là cơ hội gia tăng giá trị của nhóm ngành này, đặc biệt là đối với các sản phẩm sắt thép.

 

 

Ông Lê Thành Thực, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng cho biết: “Nhu cầu thép của thế giới đã tăng từ 3-4%, nhất là nhu cầu của thị trường thép mới nổi dự báo tăng trưởng 9% trong năm nay và những năm tới. Đó là cơ hội cho ngành thép Việt Nam”.

Không chi vậy, chỉ số tăng trưởng giá trị công nghiệp khu vực FDI trong 6 tháng đầu năm cũng ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực trong thu hút đầu tư với việc 7 dự án được cấp phép đầu tư mới trong các khu công nghiệp của tỉnh thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, với tổng vốn đăng ký 45,5 triệu USD. Ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công thương Thái Nguyên thông tin: “Trong các định hướng, chúng ta cần tiếp tục có nguồn thu hút đầu tư. Trong đó quan tâm nhiều đến nguồn đầu tư vốn FDI chất lượng cao, tập trung vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Và tập trung vào định hướng đó, Sở Công thương dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh quyết định thành lập 3 cụm công nghiệp. Đây là nền tảng để chúng ta tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh Thái Nguyên trong thời gian tới”.

Để ngành công nghiệp của tỉnh đạt mức tăng trưởng 7,3% theo kế hoạch, thời gian tới, bên cạnh tập trung thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục đẩy mạnh ngành công nghiệp thế mạnh và truyền thống, trong đó, đặc biệt chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo – phù hợp với xu thế phát triển chung của ngành công nghiệp thế giới./.

 

Bạn đang xem: VƯỢT RÀO CẢN COVID, CÔNG NGHIỆP THÁI NGUYÊN DUY TRÌ NHỊP TĂNG TRƯỞNG
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền: