Xử lý chuyện sim "rác" khủng bố doanh nghiệp

Tác giả: CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG VÀ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Ngày đăng: 25/08/2022

Xung quanh câu chuyện sim “rác” liên tục “khủng bố” các doanh nghiệp gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan nhà nước, các nhà mạng cần có biện pháp quyết liệt hơn để ngăn chặn sớm tình trạng này.

 

Đó là các ý kiến được nêu ra trong hội nghị đối thoại giữa ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên với các doanh nghiệp trên địa bàn diễn ra mới đây.

Ngành thông tin và truyền thông tỉnh Thái Nguyên lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp

Quấy rối “vô tội vạ”

Thời gian gần đây, hiện tượng cuộc gọi rác, tin nhắn rác, đòi nợ liên tục tái diễn gây phiền toái cho các chủ thuê bao tại Việt Nam. Đặc biệt, những tin nhắn, cuộc gọi mang tính đa cấp, lừa đảo, giả mạo cơ quan chức năng ngày một gia tăng. Thực trạng này là nỗi ám ảnh với nhiều người, trở thành chủ đề “nóng” tại nhiều phiên thảo luận của Quốc hội. Mặc dù thời gian qua, cơ quan chức năng và các nhà mạng đã triển khai nhiều giải pháp để chặn vấn nạn này nhưng kết quả đạt được chưa khiến người dùng hài lòng.

Sự việc này cũng diễn ra khá phổ biến với các doanh nghiệp, gây nên những ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Anh Kiều Văn Hậu, Công ty CP Phát hành sách Thái Nguyên cho biết, công ty anh có sử dụng dịch vụ cung cấp tổng đài của VNPT. Thời gian gần đây, tổng đài liên tục bị quấy rối bởi các cuộc gọi lạ, gây “ách tắc” hệ thống tổng đài khoảng 2-3 tiếng một ngày, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp liên hệ với VNPT thì được trả lời rằng không thể chặn được những số quấy rối đó, bởi nhà mạng cũng “bó tay” với vấn nạn này.

Đưa cả lãnh đạo lên “ngồi Facebook”

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Hà Thị Tuyết, Giám đốc công ty Luật dịch vụ pháp lý 4.0 cho biết, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang “than trời” về tình trạng các cuộc gọi đòi nợ từ các công ty tài chính quấy rối doanh nghiệp.

Luật sư Hà Thị Tuyết, Giám đốc công ty Luật dịch vụ pháp lý 4.0

Bà Tuyết cho rằng, xúc phạm danh dự, uy tín của cơ quan tổ chức trên mạng xã hội là một vấn đề nhức nhối trong xã hội. Bởi, những năm gần đây, các tổ chức tín dụng cho vay đối với người lao động không có tài sản thế chấp (vay tín chấp), đến lúc quá hạn không trả được thì lập tức các đối tượng gọi điện bằng sim rác quấy nhiễu, sử dụng nick ảo đưa hình ảnh của người lao động và cả lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp lên “ngồi Facebook”, làm hạ uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức. Chưa dừng lại, các đối tượng còn dùng sim rác gọi điện lên đường dây nóng (tổng đài) của doanh nghiệp, khủng bố cả ngày khiến đường dây nóng bị tê liệt, không thể hoạt động. Doanh nghiệp mong muốn có những chế tài xử lý vấn nạn này một cách nhanh gọn hơn, kịp thời hơn để nhanh chóng gỡ được những thông tin xấu trên mạng xã hội. Đồng thời, răn đe được các đối tượng có hành vi này.

Theo ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở TTTT Thái Nguyên, xúc phạm trên mạng xã hội là một vấn đề nhức nhối, ngày càng có biểu hiện tiêu cực hơn. Không những vậy, các đối tượng thường đánh vào thị hiếu của người dùng mạng xã hội quan tâm, cổ súy cho những hành vi xấu, lệch chuẩn hơn là quan tâm đến những tấm gương người tốt việc tốt trong xã hội. Thậm chí, ngay cả các lãnh đạo của cơ quan Nhà nước cũng bị các đối tượng bêu xấu.

Theo ông Hòa, biện pháp để ngăn chặn vấn nạn này, ngoài thanh tra, kiểm tra để xử lý theo quy định của pháp luật, Sở TTTT luôn là đầu mối tiếp nhận các phản ánh của doanh nghiệp, cá nhân về những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đồng thời, Chính phủ đang có đề án tích hợp số điện thoại vào căn cước công dân, sẽ được triển khai trong thời gian tới để tất cả các số điện thoại trên lãnh thổ Việt Nam đều có thông tin rõ ràng, không còn “rác” nữa.

Chuyển đổi số cần thiết thực hơn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ

Ông Nguyễn Hữu Khương, Giám đốc công ty CP xây dựng và thương mại Thái Sơn KCS (Thái Nguyên)

Cũng tại hội nghị đối thoại này, nhiều doanh nghiệp tỏ ra băn khoăn khi chưa được các cơ quan QLNN quan tâm đúng mức tới chuyển đổi số doanh nghiệp. Ông Nguyễn Hữu Khương, Giám đốc công ty CP xây dựng và thương mại Thái Sơn KCS cho biết, chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thực tế không được hỗ trợ nhiều từ chính quyền nhà nước về công tác chuyển đổi số. Đôi khi chất lượng dịch vụ của các nhà cung cấp còn kém khiến một số hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn. Điển hình như việc đấu thầu qua mạng, do đường truyền kém dẫn tới việc đấu thầu của doanh nghiệp không được thuận lợi, từ đó không thể cạnh tranh được với các đơn vị tham gia đấu thầu khác có chất lượng mạng tốt hơn.

Bên cạnh đó, ông Khương cho biết thêm, hiện nay các doanh nghiệp đang đăng ký thông tin có trả phí trên Google. Tuy nhiên, khi tra cứu thông tin về doanh nghiệp thì xuất hiện tình trạng có nhiều thông tin “nhiễu” chưa được kiểm định “lấn át” thông tin chính thống của doanh nghiệp đăng ký dịch vụ. Do đó, ông Khương đề nghị Sở TTTT, các cơ quan chức năng tạo nền tảng để hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp thông tin một cách chính thức và có kiểm duyệt, giới thiệu đúng năng lực để khi đối tác tìm hiểu thông tin doanh nghiệp được chính xác.

Thảo luận về việc này, ông Nguyễn Đức Lộc, Phó GĐ Sở TTTT Thái Nguyên cho hay, để giải quyết những vấn đề doanh nghiệp đang bị vướng mắc, về mặt công nghệ thì rất dễ. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp của các tổ chức để cùng với Sở TTTT giải quyết được triệt để. Cụ thể, các Hiệp hội doanh nghiệp cần đồng hành cùng doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ nhân sự xây dựng các giải pháp theo đúng quy định, từ đó có lộ trình, kế hoạch giải quyết trên diện rộng. Hiện nay, các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ số đã có nền tảng “Make in Việt Nam” để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng, đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Các doanh nghiệp, Hợp tác xã nêu quan điểm về chuyển đổi số và xây dựng chính quyền số

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đỗ Xuân Hòa – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên cho biết, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng là những trăn trở của ngành thông tin và truyền thông nói chung trong việc tìm ra các giải pháp tháo gỡ. Ông Hòa cho rằng, để đưa nền kinh tế phát triển, hòa nhịp chung với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang thay đổi từng ngày, các doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ cũng cần nâng cao năng lực của mình, để đồng hành cùng các cấp chính quyền xây dựng một xã hội số, nền kinh tế số phát triển bền vững.

 

Bạn đang xem: Xử lý chuyện sim "rác" khủng bố doanh nghiệp
Bài trước Bài sau
popup

Số lượng:

Tổng tiền: