5 GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT

Tác giả: CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG VÀ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Ngày đăng: 21/11/2021

Sau khi đạt được những kết quả rất tốt thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ tiếp tục thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt...

 

Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại sự kiện

Tại Hội thảo "Tiến đến quốc gia không tiền mặt” được tổ chức sáng nay (19/11), bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chủ động nghiên cứu, xây dựng quy định pháp lý tạo thuận lợi cho việc triển khai các dịch vụ thanh toán dựa trên ứng dụng công nghệ.

Chi tiết về kết quả đạt được, riêng trong 9 tháng đầu năm 2021, so với cùng kỳ năm 2020, giao dịch thanh toán qua điện tử liên ngân hàng tăng 41,4% về giá trị và qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 99% về số lượng và 139,8% về giá trị.

Ngoài ra, với ứng dụng mobile banking, ví điện tử trên điện thoại di động và việc tạo lập, mở rộng hệ sinh thái số của các ngân hàng, trung gian thanh toán, người dân không chỉ đơn thuần thực hiện chuyển tiền, vấn tin mà giờ đây có thể dùng dịch vụ này để thanh toán, chi trả cho hầu hết mọi nhu cầu mua sắm, giao dịch hàng ngày, cả trực tuyến, lẫn trực tiếp.

“Những cố gắng đó đã được phản ánh qua số liệu tăng trưởng, cụ thể, thanh toán trên thiết bị di động tại Việt Nam tăng trưởng mạnh hàng năm, 90% về số lượng và 150% về giá trị, nhiều ngân hàng đạt trên 90% giá trị giao dịch thực hiện trên kênh số", Thống đốc nhấn mạnh.

Đáng chú ý, chỉ từ tháng 3/2021 đến nay, đã có thêm hơn 1,8 triệu tài khoản thanh toán được mở trực tuyến theo phương thức mới eKYC trong số hơn 100 triệu tài khoản thanh toán đang hoạt động tại Việt Nam.

Thống đốc cho biết thêm, trong 2 năm qua, ngành ngân hàng đã có những chính sách giảm phí dịch vụ thanh toán, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp và người dân, giảm bớt khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 như giảm 50% phí hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, giảm từ 70% đến 100% phí chuyển mạch bù trừ điện tử, miễn giảm phí dịch vụ thanh toán dịch vụ công, tổng số tiền giảm phí ngành ngân hàng năm 2021 đến với người dân khoảng 1.557 tỷ đồng.

Nếu tính cả năm 2020, con số này sẽ lên tới hơn 2000 tỷ đồng. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, 80% giá trị giao dịch thanh toán cá nhân trên kênh điện tử đã được miễn phí.

Trong thời gian tới, phát huy những kết quả đạt được, Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tập trung thực hiện 5 giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi số hoạt động ngân hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên cơ sở ứng dụng công nghệ, tạo thuận lợi cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận được dịch vụ...

Trong đó, trước mắt tập trung vào việc hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt thay thế Nghị định 101, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Fintech Sandbox) và ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai.

Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025; triển khai có hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp và tăng cường tiện ích, chất lượng dịch vụ đối với hạ tầng thanh toán quốc gia, hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến, xử lý tức thời, hoạt động liên tục 24/7 cho mọi người dân và doanh nghiệp.

Thứ tư, tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; triển khai hiệu quả các hệ thống thanh toán quan trọng và hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo hoạt động đúng quy định của pháp luật, thông suốt, an toàn.

Thứ năm, tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp người tiêu dùng.

https://vneconomy.vn/5-giai-phap-thuc-day-thanh-toan-khong-dung-tien-mat.htm

Bạn đang xem: 5 GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền: