BẮT MẠCH” TIÊU DÙNG NỘI ĐỊA ĐỂ PHỤC HỒI KINH DOANH

Tác giả: CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG VÀ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Ngày đăng: 10/11/2021

Cùng với khôi phục sản xuất, sự hồi phục và bứt phá của thị trường bán lẻ nội địa từ nay tới cuối năm 2021 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế...

 

Dù đã bắt đầu sản xuất trở lại từ đầu tháng 10 đến nay nhưng hàng hóa tiêu thụ khá chậm nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi dòng tiền không còn. Vì vậy, cần có thêm giải pháp kích cầu nội địa để kích thích tiêu dùng. Chỉ khi doanh nghiệp bán được hàng mới có tiền quay vòng sản xuất, chi trả lương cho người lao động, và từ đó tác động trở lại đến tiêu dùng trong nước, giúp kinh tế hồi phục.

 

KÍCH CẦU THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC

Có thể nói, ba chân kiềng của nền kinh tế giúp tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được xác định là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Dịch Covid-19, không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu mà còn gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển hàng hóa thương mại. Trong bối cảnh đó, thị trường tiêu dùng nội địa với quy mô gần 100 triệu dân, được xem là “mảnh đất” tiềm năng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng.

 

Tuy nhiên, sau thời gian dài bị tác động của đại dịch, sức mua của thị trường nội địa giảm sút chưa từng thấy, người tiêu dùng đã giảm số lượng hàng hóa ở mỗi lượt mua sắm. Giải pháp kích cầu quan trọng nhất lúc này là các doanh nghiệp cần bảo đảm chất lượng hàng hóa và tăng ưu đãi cho khách hàng, đồng thời doanh nghiệp cũng phải có ý thức sản xuất ra hàng hóa chất lượng cao.

 

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao, nhận định chất lượng và uy tín chính là “giấy thông hành” để hàng hóa Việt Nam có thể chiếm lĩnh thị trường. "Thị trường nội địa là cứu cánh cho tất cả các doanh nghiệp, doanh nghiệp phải xây dựng lại chiến lược, kế hoạch kinh doanh, đặc biệt là chuỗi cung ứng. Như vậy, chuẩn bị để quay trở lại thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp cũng sẽ có thời gian củng cố lại sản phẩm của mình," bà Vũ Kim Hạnh chia sẻ.

 

Đồng tình với giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, công khai minh bạch. Muốn kích cầu thị trường nội địa cần phải xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối, đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, tạo ra mối liên kết giữa các doanh nghiệp, các địa phương để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

 

Đây là thời điểm các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất kinh doanh để bù đắp cho những tháng vừa qua khi bị dịch bệnh.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, nhìn nhận việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa là hết sức quan trọng, đặc biệt là việc hỗ trợ, đưa các doanh nghiệp, hộ nông dân tham gia vào các sàn thương mại điện tử. Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động và gây khó khăn cho doanh nghiệp, việc kết hợp phương thức phân phối hiện đại và phương thức phân phối truyền thống là giải pháp tất yếu căn cơ cho hoạt động kết nối cung cầu, đảm bảo lưu thông hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ: "Dự kiến năm 2021 này, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 3 - 4% so với năm 2020. Từ nay đến cuối năm, ngành công thương tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất lớn, nhằm khôi phục nhanh nhất các hoạt động sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng, đặc biệt là tận dụng thời điểm nhu cầu hàng hóa tăng cao trong dịp cuối năm, tăng tốc sản xuất kinh doanh để bù đắp cho những tháng vừa qua khi bị dịch bệnh”.

 

DOANH NGHIỆP CẦN “PHẢN ỨNG NHANH”

 

Covid-19 đã ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống, buộc doanh nghiệp phải sáng tạo, phản ứng nhanh để thích ứng với xu hướng và cách thức tiêu dùng mới. Theo đó, thay đổi mô hình kinh doanh, từ sản xuất đến phân phối, vận chuyển, tiêu thụ là giải pháp tốt nhất giúp doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh chung sống với dịch.

 

9 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng ước giảm 3,38% so với cùng kỳ.

Ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng giám đốc Liên Hiệp Hợp tác xã thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, thời điểm này, dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh song không có tình trạng khan hiếm hàng hóa, người dân rất yên tâm mua sắm. "Đến thời điểm hiện nay, các cửa hàng bán lẻ trực thuộc Saigon Co.op về cơ bản đã chuẩn bị đầy đủ các loại hàng thiết yếu, hàng bình ổn cho nhiều tháng, đồng thời tiếp tục nỗ lực thực hiện giảm và giữ giá bán hàng hóa ổn định trong thời gian tới. Không chỉ tại TP.HCM mà còn các địa phương khác, hàng hóa đảm bảo đầy đủ," ông Lê Trường Sơn nói.

 

Giám đốc Vận hành VinMart miền Bắc Khúc Tiến Hà cho hay, hệ thống VinMart/VinMart+ sẽ tăng sản lượng hàng hóa, tổ chức nhiều chương trình khuyến mại, các tuần lễ hàng hóa thiết yếu định kỳ 2 lần/tháng, với nhiều ưu đãi. Trong khi đó, theo đại diện Công ty cổ phần Thời trang GenViet, để đến gần hơn với người tiêu dùng, công ty sẽ đa dạng mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu nhiều phân khúc khách hàng. Ngoài hệ thống cửa hàng và website hiện có, công ty sẽ mở rộng mạng lưới phân phối, đưa sản phẩm lên kệ của các siêu thị, nhà phân phối trung gian, đại lý…

 

Tuy nhiên, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam, cho biết: kết quả đo lường về người tiêu dùng tại các thành phố lớn trên thị trường Việt Nam trong tháng 9/2021 đã chỉ rõ có hơn 50% hộ gia đình (trong số 2.000 hộ tham gia khảo sát) bày tỏ sự không ổn về tình hình tài chính gia đình, phải cắt giảm chi tiêu.

 

Các doanh nghiệp phải tìm ra hướng đa dạng hoá sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu mới của thị trường và hành vi tiêu dùng mới của người dân.

Do đó, những dự đoán từ các chuyên gia nghiên cứu thị trường cho rằng xu hướng chung trong ít nhất từ 6 tháng đến 12 tháng tới là người tiêu dùng tập trung vào việc mua những mặt hàng thiết yếu. Ngoài ra, nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán xu hướng các dịch vụ tiện ích, thiết kế các giải pháp công nghệ với chi phí hợp lý hơn sẽ “lên ngôi” khi nhắm đến nhu cầu từ những thay đổi về cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng sau đại dịch. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp theo hướng truyền thống buộc phải chuyển đổi, nếu không chuyển đổi thì có thể họ sẽ phải dừng "cuộc chơi".

 

Mặt khác, như lưu ý của Giám đốc Công ty quản lý quỹ Sfund, bà Lê Mỹ Nga, các doanh nghiệp phải tìm ra hướng đa dạng hoá sản phẩm, thêm những sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu mới của thị trường và hành vi tiêu dùng mới của người dân. “Chỉ có cách là doanh nghiệp phải mở rộng thị trường, chuẩn hoá sản phẩm, ứng dụng công nghệ để đáp ứng nhu cầu mới của người tiêu dùng. Và gần như có thể là nhiều doanh nghiệp sẽ phải thay đổi hoàn toàn mô hình của mình để giảm bớt rủi ro trong hành trình sắp tới,” bà Lê Mỹ Nga nhấn mạnh.

 

https://vneconomy.vn/bat-mach-tieu-dung-noi-dia-de-phuc-hoi-kinh-doanh.htm

Bạn đang xem: BẮT MẠCH” TIÊU DÙNG NỘI ĐỊA ĐỂ PHỤC HỒI KINH DOANH
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền: