"CẤP" OXY, "CỨU" DÒNG TIỀN DOANH NGHIỆP

Tác giả: CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG VÀ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Ngày đăng: 28/09/2021

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy “sức khỏe” tài chính của doanh nghiệp đã cạn kiệt, không thể tiếp tục chống đỡ và cần được "cấp" oxy cứu trợ kịp thời...

Các báo cáo nghiên cứu được công bố trong vòng 1 tháng trở lại đây đã cho thấy những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 tới khu vực doanh nghiệp.

 Đầu tháng 9/2021, Nhóm tác giả nghiên cứu báo cáo “Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TP.HCM giai đoạn Covid-19 lần thứ 4” của Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã dự báo số lượng doanh nghiệp thua lỗ, ngưng hoạt động, giải thể hoặc phá sản sẽ tăng mạnh trong quý 4/2021.

 Lý do là bởi các đợt giãn cách liên tục và kéo dài ở TP.HCM đã bẻ gãy liên kết kinh tế giữa TP.HCM với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, làm ảnh hưởng đến năng lực sản xuất của doanh nghiệp và gây tổn thất cho nông dân và các cơ sở sơ chế trung gian.

 Các tổn thất này đã đẩy doanh nghiệp vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền, suy giảm khả năng trả lãi vay và vay nợ đúng hạn, tiềm tàng nguy cơ mất thanh khoản.

 “Điều này rất có thể sẽ khiến nền kinh tế rơi vào tình cảnh nợ xấu gia tăng”, báo cáo của Trường Đại học Kinh tế - Luật nhận định.

 LOẠT SỐ LIỆU VỀ DOANH NGHIỆP ĐẦY "U ÁM"

Tương tự như Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế - Luật, khảo sát được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) công bố cuối tháng 8/2021 cũng cho thấy "sức khỏe" tài chính của doanh nghiệp có vấn đề và khó có thể tiếp tục trụ vững trong thời gian tới.

 Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng do dịch chỉ còn dòng tiền đủ để duy trì hoạt động “ít hơn một tháng” chiếm khá cao, gần 40% số doanh nghiệp được hỏi và 17,7% ở các doanh nghiệp đang duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

 Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp có dòng tiền hiện tại có thể giúp duy trì hoạt động từ 1 đến 3 tháng là tương đồng giữa nhóm doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động do dịch và nhóm doanh nghiệp đang duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh (46%).

 “Điều này hàm ý doanh nghiệp tạm ngừng có thể tiếp tục tồn tại hay không phụ thuộc khá nhiều vào khả năng được phép hoạt động trở lại hay không. Nếu nhóm doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động do dịch lại chỉ có dòng tiền đủ để duy trì hoạt động từ 1 đến 3 tháng mà vẫn tiếp tục ở trong các khu vực đang thực hiện cách ly thì xác suất các doanh nghiệp này rơi vào nhóm giải thể là rất cao vì họ không có nguồn tiền từ bên ngoài bổ sung dưới mọi hình thức”, khảo sát nhấn mạnh.

 Đến thời điểm này, Tổng cục Thống kê vẫn chưa công bố số liệu tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 9/2021 và 9 tháng đầu năm song theo nhiều chuyên gia, số doanh nghiệp rời bỏ thị trường tiếp tục tăng mạnh.

Trước đó, trong tháng 8/2021, thống kê doanh nghiệp ghi nhận điều chưa từng xảy ra trong nhiều năm trở lại đây. Đó là số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh vượt trên số doanh nghiệp đăng ký mới.

 Số doanh nghiệp “đứt gãy”, rời bỏ thị trường trong 8 tháng đầu năm lên tới 85.500 doanh nghiệp, trong khi số doanh nghiệp được thành lập mới chỉ có 81.600 doanh nghiệp. Đáng chú ý, trong số các doanh nghiệp rời khỏi thị trường, có tới 43.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn vì không thể chống đỡ được với Covid-19.

 “Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong khi các nguồn lực dự  trữ đang cạn dần, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm”, ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, nhận định.

 CẦN NGUỒN OXY CỨU TRỢ

Trước tình thế “cấp bách” hiện nay, Ban IV cho rằng nhằm tránh sự đổ vỡ cho hàng loạt doanh nghiệp, những vấn đề liên quan tới “sức khỏe” tài chính của doanh nghiệp như tiền lương; trả lãi vay cho ngân hàng; trả tiền thuê đất/kho bãi/nhà xưởng/văn phòng cho khu vực tư nhân; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn cần phải được tháo gỡ để doanh nghiệp có thể yên tâm hoạt động trở lại.

 62% doanh nghiệp “tạm ngừng hoạt động do dịch” mong muốn được tiếp cận gói hỗ trợ vay lãi suất 1-3%/năm để trả lương, trong khi tỷ lệ này ở nhóm doanh nghiệp “đang duy trì sản xuất kinh doanh” là 55%.

 “Đề xuất này khá nhất quán so với kết quả thống kê 5 gánh nặng tài chính lớn nhất mà doanh nghiệp đang gặp phải, nhất là với doanh nghiệp "tạm ngừng hoạt động do dịch". Vì trong bối cảnh tạm ngừng hoạt động, họ vẫn phải tìm cách giữ chân lao động chờ cơ hội khôi phục sản xuất, kinh doanh, bởi chi phí tuyển dụng lại là rất cao đặc biệt đối với các nhóm nhân sự quản lý, nhân sự chuyên môn kỹ thuật sâu”, khảo sát của Ban IV chỉ rõ.

Trong khi đó, Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế - Luật cho rằng cần tập trung vào hai hướng hỗ trợ. Đó là hỗ trợ trực tiếp cho tổng cầu (thông qua cắt giảm thuế, tăng chi đầu tư, chi hỗ trợ việc làm, chi hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng…) và hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhằm hạn chế đóng cửa phá sản (thông qua bảo lãnh và cho vay, cung cấp dòng vốn chi phí thấp).

 “Song để chính sách hỗ trợ đạt hiệu quả tức thời, cần đặt mục tiêu ưu tiên tốc độ hỗ trợ, chấp nhận tỷ lệ sai lệch nhất định ở các đối tượng thụ hưởng”, Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế - Luật khuyến nghị và cho rằng thiết kế quy định phải giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính, đảm bảo chi phí thực thi thấp nhất trên nền tảng tổ chức bộ máy hiện hữu.

 Riêng đối với nhóm chính sách liên quan tới tiền tệ, theo Nhóm nghiên cứu, cần thiết lập gói hỗ trợ tín dụng riêng cho cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa… do năng lực tự phục hồi kém trong khi sự suy kiệt tài chính của nhóm doanh nghiệp này tạo gánh nặng cho an sinh xã hội, làm chậm sự hồi phục và tăng trưởng trong giai đoạn hồi phục.

 “Tuy vậy, nên lưu ý, chính sách hỗ trợ tín dụng và bảo lãnh cho các đối tượng này cần thực hiện trên quan điểm Chính phủ chấp nhận việc dịch chuyển rủi ro của chủ nợ về phía mình và chuẩn bị nguồn lực để hấp thụ rủi ro này”, Nhóm nghiên cứu nhận định.

 Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi, cơ cấu nợ; không phạt lãi chậm trả, lãi quá hạn đối với các khoản nợ đến hạn trả trong thời gian giãn cách trên cơ sở đánh giá mức độ thiệt hại và triển vọng phục hồi của khách hàng tương ứng với ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 thứ tư.

 “Cùng với đó, bổ sung lĩnh vực sản xuất hàng thiết yếu vào đối tượng được hưởng ưu đãi trong chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước”, Nhóm nghiên cứu khuyến nghị.

Bạn đang xem: "CẤP" OXY, "CỨU" DÒNG TIỀN DOANH NGHIỆP
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền: