CHIA SẺ KHÓ KHĂN TRONG KINH DOANH VÀ THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN
Cuộc trao đổi giữa lãnh đạo, chuyên gia của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và HHDN tỉnh,hơn 30 doanh nghiệp kinh doanh Bất động sản trên địa bàn đã diễn ra cởi mở, thiết thực. Qua trao đổi, những vướng mắc phần nào được thấy rõ hơn. Nhận thức chung về lĩnh vực đang gặp nhiều trở ngại, khó khăn này đã được chỉ ra và kỳ vọng vào sự ấm lên của thị trường bất động sản thời gian tới cũng đã lóe lên…
Toàn cảnh hội nghị.
Cũng như các đô thị khác, Thái Nguyên hiện nay có các dự án đầu tư kinh doanh bất sản do nhà đầu tư tư nhân thực hiện, với sản phẩm là: Căn hộ chung cư, shophouse, nhà phố, biệt thự liền kề và một số dự án được phân lô bán nền. Bất động sản khu công nghiệp ở Thái Nguyên cũng có nguồn cung khá. Bất động sản nghỉ dưỡng tập trung các dự án lớn ở khu vực Hồ Núi Cốc với các nhà đầu tư lớn, có tên tuổi nhưng đa phần vẫn chưa triển khai. Ngoài ra còn có bất động sản là quyền sử dụng đất do Nhà nước đấu giá tại các dự án khu dân cư ( KDC). Các sản phẩm bất động sản là nhà, đất do người dân tự giao dịch hoặc thông qua môi giới. Thái Nguyên cũng có 03 Sàn giao dịch bất động sản nhưng hầu như không hoạt động trong thời gian gần đây. Thái Nguyên chỉ có trên 10 doanh nghiệp địa phương làm chủ đầu tư dự án bất động sản (Bất động sản khu công nghiệp, khu dân cư), còn lại các dự án lớn ở Thái Nguyên đa phần do các chủ đầu tư tỉnh ngoài thực hiện. Thái Nguyên có Câu lạc bộ Bất động sản Thái Nguyên tập trung hội viên là các doanh nghiệp, cá nhân môi giới bất động sản.
Bà Nguyễn Thị Vinh - Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thương mại Thái Hưng.
Từ cuối năm 2022 đến nay, tình hình kinh doanh của ngành bất động sản ở Thái Nguyên rất khó khăn, phản ánh tình trạng chung của ngành hiện nay. Đó là: Thị trường đóng băng; khó tiếp cận đòn bẩy tài chính, nếu tiếp cận được thì lãi suất cao; đa số dự án đang triển khai đều ở tình trạng “chờ đợi” để tháo gỡ vướng mắc về pháp lý dự án.
Khó khăn của một số chủ đầu tư dự án bất động sản trong tỉnh hiện nay theo nhận định của Cơ quan pháp chế HHDN tỉnh chủ yếu:
Một là, vướng mắc pháp lý: Trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2018, các doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án khu dân cư/ chủ đầu tư hạ tầng khu dân cư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh, đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, đã hoàn thành một số hạng mục của dự án, có nơi đã bàn giao đất cho người mua; nhưng từ năm 2018 đến nay, các dự án này ách tắc không thể tiếp tục triển khai được. Lý do: Mặc dù đã được các sở ban ngành, cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh tham mưu, nhiều lần rà soát, thẩm định pháp lý các dự án nhưng đến nay vẫn chưa quyết định được cơ sở pháp lý để nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án và giao đất cho nhà đầu tư.
Một số khó khăn của các dự án được nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản phản ánh, như: Khu dân cư số 5, phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên; Dự án Cụm công nghiệp Cây Bòng (Xã La Hiên, Huyện Võ Nhai). Các yêu cầu liên quan đến việc dự án tại các điểm dân cư nông thôn cũng phải có nhà ở,không được phép bán đất nền – hoàn toàn không phù hợp với nhu cầu của người dân và thực tế tại địa phương cũng gây khó khăn cho việc bán hàng của chủ đầu tư, … Ngoài ra, trải qua thời gian dài các dự án bị vướng mắc pháp lý, doanh nghiệp cũng sẽ gặp khó khăn khi gia hạn tiến độ thực hiện dự án theo Luật Đầu tư 2020. Các quy định của tỉnh “thắt chặt” việc tách thửa ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của người dân.
Hai là, khó khăn về tài chính. Do dự án không bán được hàng, dòng tiền không có. Bên cạnh đó, 2 kênh dẫn vốn quan trọng nhất của dự án Bất động sản là Trái phiếu doanh nghiệp và Vốn vay ngân hàng, đều rất khó tiếp cận. Lãi suất ngân hàng tăng cao, khiến doanh nghiệp “cầm cự” rất khó khăn, có nguy cơ thua lỗ (đa phần các Chủ đầu tư còn cầm cự được là được hỗ trợ từ các hoạt động kinh doanh khác của doanh nghiệp).
Ba là, khó khăn về thị trường. (Đây là khó khăn chung của ngành kinh doanh Bất động sản cả nước thời gian này).Tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp bất động sản;kiến nghị của HHDN tỉnh đề nghị tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, thực hiện các công điện, nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên đã lập các đoàn công tác để rà soát, phân loại các dự án nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức về việc từng dự án được tháo gỡ như thế nào. Gần đây nhất, Chủ tịch UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (Quyết định 1021/QĐ-UBND ngày 11/5/2023).
Trong nỗ lực vì hoạt động của hội viên,Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên cùng Hiệp hội bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh trao đổi,đề xuất,kiến nghị với chính quyền từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp./.
Hiệp hội doanh nghiệp Thái Nguyên