Chuyên đề 4: Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn từ quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, công tác xúc tiến đầu tư đóng vai trò then chốt trong việc phát triển kinh tế đất nước. Trong kỷ nguyên "vươn mình" của dân tộc, khi Việt Nam đang tiếp cận và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, việc đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan nhà nước mà còn là một chiến lược quốc gia quan trọng với sự tham gia của nhiều thành phần.
Đoàn công tác tỉnh Thái Nguyên do đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên làm việc với Samsung Electronics tại TP. Suwon, Hàn Quốc
Tầm quan trọng của công tác xúc tiến đầu tư trong kỷ nguyên hội nhập
Thu hút nguồn lực cho phát triển kinh tế: Công tác xúc tiến đầu tư là cầu nối giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước với môi trường đầu tư của quốc gia, của mỗi địa phương. Đối với Việt Nam, đầu tư nước ngoài (FDI) không chỉ đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước mà còn góp phần tạo ra hàng triệu việc làm, nâng cao năng suất lao động và thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hóa, mỗi quốc gia phải cạnh tranh gay gắt để thu hút nguồn lực đầu tư. Việc đẩy mạnh xúc tiến đầu tư là cơ hội để thu hút các nguồn lực này, giúp tăng trưởng kinh tế bền vững.
Đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh: Việc xúc tiến đầu tư hiệu quả cũng sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nó không chỉ giúp tăng trưởng kinh tế mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Thông qua hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế, Việt Nam có thể cải thiện quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong kỷ nguyên toàn cầu hóa.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Dũng chụp ảnh lưu niệm với các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Hội thảo hợp tác phát triển công nghệ số, xanh giữa Tỉnh Thái Nguyên và các đối tác
Gia tăng giá trị thương hiệu quốc gia: Công tác xúc tiến đầu tư giúp quảng bá hình ảnh và thương hiệu quốc gia, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Một môi trường đầu tư minh bạch, hấp dẫn và ổn định sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư toàn cầu. Khi các nhà đầu tư quốc tế lựa chọn Việt Nam làm điểm đến, đồng nghĩa với việc họ đã tin tưởng vào môi trường chính trị, pháp lý và kinh tế của đất nước. Điều này sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực, giúp Việt Nam khẳng định thương hiệu quốc gia và mở rộng mạng lưới đối tác quốc tế.
Với mong muốn thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước thời gian qua Tỉnh Thái Nguyên đã chủ động kết nối với các Bộ, Ngành trung ương cũng như các địa phương trong nước và quốc tế để tham dự, tổ chức, triển khai các hội thảo, sự kiện về xúc tiến đầu tư; tập trung vào các đối tác tiên tiến tại Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...thông qua các tổ chức có uy tín. Chỉ tính riêng trong năm 2024 tỉnh đã tham dự nhiều các sự kiện lớn: Tham dự các hoạt động kết nối với Phái đoàn Thương mại Canada tại thành phố Hồ Chí Minh với sự có mặt của gần 200 doanh nghiệp Canada; Tổ chức Hội thảo xúc tiến đầu tư tại Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan; Làm việc, tiếp xúc với các nhà đầu tư tại Anh, Đức; Làm việc, tiếp xúc với lãnh đạo Tập đoàn Eyemed, lãnh đạo thành phố Kawasaki, tỉnh Kanagawa (Nhật Bản); Tham mưu các nội dung về tài liệu xúc tiến đầu tư, bài phát biểu, chương trình....cho Lãnh đạo tỉnh tại chương trình làm việc tại Anh, Hà Lan, Đức tháng 4/2024; Pháp, Ai Len, Mông Cổ tháng 9/2024 và gần nhất là tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc tháng 11/2024. Bước đầu đã có những tín hiệu khả quan. Minh chứng rõ nét cho việc này chính là việc số doanh nghiệp hoạt động không ngừng lớn mạnh, nguồn vốn đầu tư liên tục gia tăng.
Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến thời điểm báo cáo là 10.670 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 153.394 tỷ đồng.
Tính chung 11 tháng năm 2024 toàn tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho 15 dự án với tổng số vốn 2.665,02 tỷ đồng; cấp quyết định chấp thuận nhà đầu tư cho 20 dự án với tổng số vốn 17.277,94 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 11 dự án với số vốn 5.016,02 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn cho 10 dự án với số vốn 1.363,38 tỷ đồng.
Lũy kế đến nay, tổng số dự án ngoài ngân sách sử dụng vốn đầu tư trong nước còn hiệu lực là 916 dự án với số vốn đăng ký 201.860 tỷ đồng.
Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Tính chung 11 tháng đầu năm toàn tỉnh có 24 dự án FDI cấp mới với tổng số vốn đăng ký đạt 519,28 triệu USD, 21 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký đạt 82,55 triệu USD; lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 216 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt 10,919 tỷ USD.
Đoàn công tác của tỉnh Thái Nguyên thăm và làm việc tại Trung Quốc
Một số giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư thời gian tới
Cải cách và hoàn thiện môi trường đầu tư: Để đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, Tỉnh sẽ tiếp tục cải cách mạnh mẽ các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính và môi trường kinh doanh. Đơn giản hóa thủ tục cấp phép đầu tư, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ và tăng cường tính minh bạch trong các quy trình hành chính là những yêu cầu cấp thiết. Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư và tạo ra sự ổn định chính trị và xã hội.
Tăng cường công tác thông tin và quảng bá quốc tế: Một trong những yếu tố quan trọng để xúc tiến đầu tư hiệu quả là tăng cường công tác thông tin và quảng bá về môi trường đầu tư của Việt Nam, của các địa phương ra thế giới; các cơ chế chính sách ưu đãi, nguồn lao động, lĩnh vực mời gọi đầu tư...bên cnahj đó là việc tổ chức các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư, kết nối giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng là một cách hiệu quả để tạo ra các cơ hội hợp tác.
Tạo môi trường đầu tư bền vững và thân thiện với nhà đầu tư: Tiếp tục xây dựng một môi trường đầu tư ổn định, thân thiện và đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư. Các chính sách về bảo vệ môi trường, lao động, quyền sở hữu trí tuệ và các vấn đề xã hội được thực hiện một cách minh bạch và công bằng. Đồng thời, khuyến khích các nhà đầu tư trong các ngành công nghiệp xanh, công nghệ sạch, năng lượng tái tạo, vì đây là những lĩnh vực có tiềm năng lớn trong tương lai.
Khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp mũi nhọn: Công tác xúc tiến đầu tư cần đặc biệt chú trọng đến các ngành công nghiệp mũi nhọn của quốc gia, bao gồm công nghệ thông tin, tự động hóa, năng lượng tái tạo, chế biến chế tạo, và nông nghiệp công nghệ cao.
Thúc đẩy hợp tác công – tư (PPP): Mô hình hợp tác công – tư (PPP) là một trong những phương thức hiệu quả để huy động nguồn lực đầu tư vào các dự án hạ tầng lớn, các lĩnh vực cần vốn đầu tư lâu dài. Các dự án PPP không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước mà còn giúp thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân vào các dự án hạ tầng chiến lược như giao thông, năng lượng, y tế, giáo dục, xây dựng...Nói một cách khác xúc tiến đầu tư tại chỗ cũng là một giải pháp rất hữu ích để nang cao công tác thu hút đầu tư.
Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, khi Việt Nam đang nỗ lực xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng, công tác xúc tiến đầu tư đóng vai trò then chốt trong việc thu hút các nguồn lực cần thiết cho phát triển. Việc cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường quảng bá, tạo ra các cơ chế ưu đãi hợp lý, đồng thời xây dựng một nền kinh tế minh bạch và bền vững là những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của khu vực và thế giới.
Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư không chỉ giúp Việt Nam thu hút nguồn vốn và công nghệ, mà còn tạo nền tảng vững chắc để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên hội nhập. Trong một thế giới đầy cơ hội và thách thức, việc thực hiện các giải pháp xúc tiến đầu tư hiệu quả là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành công của Việt Nam trong tương lai.