CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ ĐỘNG LỰC PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ VIỆT NAM
Chuyển đổi số, ứng dụng các nền tảng công nghệ số Make in Vietnam sẽ là yếu tố quan trọng, tạo động lực phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp công nghệ số đã, đang và sẽ giúp các ngành, lĩnh vực phục hồi và phát triển...
Bàn giải pháp chuyển đổi số đột phá giúp các ngành, lĩnh vực phục hồi phát triển sau đại dịch
Thông điệp này đã được các chuyên gia, doanh nghiệp nhấn mạnh tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (Diễn đàn Make in Vietnam) phiên sáng ngày 11/12.
CHUYỂN ĐỔI SỐ THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN CHO CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC
Chia sẻ về công nghệ số trong quản lý và phát triển lĩnh vực năng lượng, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cho biết đến nay, có 29,5 triệu hợp đồng mua, bán điện đã được số hóa. Với 19 triệu công tơ điện tử, Việt Nam đạt tỷ lệ cao về công tơ điện tử trong khu vực ASEAN. Từ năm 2012, EVN đã thực hiện cung cấp hóa đơn điện tử, đến nay, đã áp dụng toàn bộ trên hệ thống. EVN cũng đẩy mạnh kết nối với các ngân hàng, đơn vị thanh toán nhằm phục vụ thanh toán ví điện tử, không tiền mặt...
EVN cũng đã thực hiện việc cung cấp hóa đơn điện tử. 99,6% hợp đồng mua bán điện hiện đã được ký bằng hợp đồng điện tử. Tập đoàn Điện tử Việt Nam cũng đã triển khai 12/12 dịch vụ của ngành điện lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Các dịch vụ của ngành điện cũng chiếm tới 55% dịch vụ được giao dịch trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Trong thời gian tới, EVN sẽ thúc đẩy việc thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt (hiện đạt khoảng 80%). Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đang tính toán việc áp dụng công nghệ Blockchain và AI vào hoạt động sản xuất, kinh doanh điện.
Đối với ngành Du lịch, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển song hành cùng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các công nghệ như Blockchain, trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19, du lịch bị ảnh hưởng rất nặng nề. Theo tính toán, ngành du lịch trên toàn thế giới đã chịu tổng thiệt hại đến 2,4 nghìn tỷ USD.
Trước tình hình đó, du lịch Việt Nam cũng được khuyến khích tiếp tục triển khai đề án chuyển đổi số. Trước khi Covid-19 bùng phát, ngành đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu như hệ thống khách sạn 3-5 sao, hướng dẫn viên du lịch nội địa, quốc tế, lữ hành...
Thứ hai là nền tảng kết nối liên thông các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp; cơ quan nhà nước nhận thông tin, báo cáo thông qua các đơn vị cơ sở.
Thứ ba là thiết lập ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch. Và cuối cùng là hỗ trợ đổi mới sáng tạo.
Đến nay, nhiều địa phương đã đưa điểm đến của mình lên các nền tảng số như Hà Nội có hệ thống du lịch Văn Miếu Quốc Tử Giám, Đà Nẵng có ứng dụng Da Nang Toursism, Huế có chương trình tham quan Hoàng Thành thực tế ảo... Đồng thời các doanh nghiệp đều đã có ứng dụng quản lý, bán hàng trên môi trường số như Vietravel, Flamingo...
CÁC NỀN TẢNG SỐ “MAKE IN VIETNAM” HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP, PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ
Trong quá trình phát triển, chuyển đổi số, các nền tảng số Make in Vietnam được nhấn mạnh như một yếu tố quan trọng cho đảm bảo thông suốt hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp. Theo thống kê năm 2020, cả nước có hơn 800.000 doanh nghiêp. Đại dịch trong hai năm qua tác động đến doanh nghiệp, người lao động. Thống kê có đến 45.611 doanh nghiệp ngừng hoạt động, 28,2 triệu người lao động mất việc, giảm thu nhập.
Ông Hà Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ G-Group cho rằng, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất. Hiện các doanh nghiệp lớn đã và trong quá trình chuyển đổi số. Thực tế, có sự dịch chuyển từ nền tảng số nước ngoài sang Make in Việt Nam, ông nói.
Các sản phẩm Make in Việt Nam có sự linh động, có đội ngũ hỗ trợ, sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sản phẩm có chi phí thấp hơn. Nền tảng nước ngoài khó khăn trong việc hỗ trợ khách hàng tại Việt Nam: rào cản ngôn ngữ, văn hóa, thời gian...
Khối doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế số. Hiện, các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số nhưng gặp khó khăn về chi phí, thiếu cơ sở hạ tầng và nhân lực công nghệ thông tin...
Ngoài ra, hiện nay, đa phần các doanh nghiệp đều dùng các công cụ giao tiếp phổ biến như Facebook... Điều này khiến thông tin doanh nghiệp dễ bị rò rỉ, nhân viên sao nhãng, hiệu suất làm việc giảm. Thực tế, các doanh nghiệp nhận thấy điều đó nên cập nhật các nền tảng nước ngoài như Workplace. Câu chuyện này cũng giống như G-Group, mỗi công ty sử dụng một nền tảng giao tiếp khác nhau.
Đại diện doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), ông Hoàng Minh Quân, CEO Cloudify Việt Nam cho biết, kinh tế số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng rõ rệt, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực nhờ sự đầu tư, chương trình khuyến khích của Nhà nước. Trong báo cáo kinh tế số châu Á 2021 của Google, từ nay đến năm 2030, Việt Nam có sự phát triển nhanh nhất khu vực. Cụ thể, đến năm 2030, nền kinh tế số sẽ mở rộng hơn hiện tại gấp 11 lần. Sự tăng trưởng này sẽ diễn ra đồng đều ở tất cả các ngành như thương mại điện tử, logistic thông minh, du lịch... Đặc biệt, từ 2020-2021, thương mại điện tử đã tăng trưởng 30%.
Trong đó, ông Quân khẳng định khối doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế số. Hiện, các doanh nghiệp này nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số nhưng gặp khó khăn về chi phí, thiếu cơ sở hạ tầng và nhân lực công nghệ thông tin. Do đó, Cloutify đưa ra mô hình phần mềm như một dịch vụ (SAAS).
Ông Quân cho biết, đến nay, đơn vị này đã chuyển đổi số cho 2.000 doanh nghiệp, dự kiến con số này sẽ tăng lên 10.000 và 10.000 đến năm 2025. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy tốc độ kinh tế số toàn quốc. Các doanh nghiệp SME cũng có nền tảng công nghệ, quản lý tốt hơn, phát triển nhanh hơn.
Hiện tại, có nhiều doanh nghiệp lớn trong nước đang dùng nền tảng số nước ngoài, trong khi theo ông Kiên, các nền tảng trong nước có thể đáp ứng nhu cầu của họ. Do đó, các doanh nghiệp số cần làm thế nào để tập đoàn trong nước hiểu và tin dùng sản phẩm "Make in Vietnam". Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đặt ra vấn đề các nền tảng số của Việt Nam nên giải quyết vấn đề đặc thù Việt Nam. Mỗi công nghệ cần phù hợp với nhiều đối tượng cả về nền tảng và chi phí...
Chốt lại chủ đề phiên sáng 11/12, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Công nghệ mới xuất hiện là tạo ra cơ hội cho sự thay đổi. Nó tạo ra cơ hội cho chúng ta xử lý những bài toán tồn tại lâu dài của loài người. Sau đó, mới xuất hiện câu chuyện chúng ta có muốn, có dám không, có thể chế hoá để cho cái đấy hợp pháp không".
Cho nên, theo Bộ trưởng Hùng, mối quan hệ giữa công nghệ và thể chế phải là như vậy. Mình nói tắt là cái chuyển đổi số không chỉ là vấn đề công nghệ. Có lúc nói chuyển đổi số nhiều hơn là về vấn đề thể chế là vì công nghệ đã xuất hiện rồi. Còn nếu công nghệ chưa xuất hiện, chúng ta cũng không có cơ hội để chuyển đổi số.
https://vneconomy.vn/chuyen-doi-so-la-dong-luc-phuc-hoi-va-phat-trien-kinh-te-viet-nam.htm