CHUYỂN ĐỔI SỐ - XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN TẤT YẾU CỦA DOANH NGHIỆP
Chuyển đổi số (CĐS) đang là một trong những xu hướng phát triển chung của hầu hết các doanh nghiệp trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay. Đặc biệt ở Việt Nam đã có những doanh nghiệp nhỏ và vừa đang áp dụng giải pháp này nhằm thúc đẩy phát triển kinh doanh của tổ chức
Theo khảo sát năm 2018 của IDC, chuyển đổi số (digital transformation) đang trở thành chiến lược tại các doanh nghiệp, tổ chức trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Gần 90% doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển đổi số với các bước khác nhau từ tìm hiểu, nghiên cứu, cho tới bắt đầu triển khai, thực hiện. Hơn 30% lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát xem chuyển đổi số là vấn đề sống còn, xác nhận hiệu quả trên nhiều khía cạnh như thấu hiểu khách hàng, tăng năng suất lao động, tăng tốc sáng tạo...Như vậy có thể nói rằng chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, là vấn đề sống còn đối với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp (DN)... Với quyết tâm cao, tỉnh Thái Nguyên đang tiến hành các bước CĐS để đáp ứng nhu cầu và xu thế phát triển.
Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã đầu tư hạ tầng mạng viễn thông - CNTT hiện đại, đồng bộ với mạng cáp quang từ tỉnh đến cấp huyện và 178 xã, phường, thị trấn; mạng di động 3G, 4G sẵn sàng cho 5G; Trung tâm tích hợp dữ liệu; công tác bảo đảm an toàn thông tin; xây dựng nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu (LGSP), kết nối liên thông với nền tảng quốc gia NGSP…
Về môi trường pháp lý, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến quy hoạch phát triển CNTT, chính quyền điện tự (CQĐT), hướng đến chính quyền số, như: Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 18/5/2017 của HĐND tỉnh thông qua Quy hoạch ứng dụng CNTT và điện tử trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; thành lập Ban Chỉ đạo triển khai CQĐT do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban chỉ đạo; ban hành kiến trúc CQĐT phiên bản 2.0; kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh.
Cùng với đó, tỉnh đang tăng cường triển khai các ứng dụng dùng chung trong công tác chỉ đạo, điều hành, phục vụ người dân và DN, như: Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử, thực hiện tích hợp, kết nối chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia. Hiện nay, 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và 178 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có cổng/trang thông tin điện tử. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh được triển khai từ năm 2011, đến nay đã triển khai đến 100% các đơn vị trên địa bàn tỉnh theo mô hình 4 cấp (từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã). Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn kết nối 54 đơn vị bằng hệ thống cáp quang, đã triển khai và kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ điện tử, kết nối liên thông với hệ thống của quốc gia.
Trung tâm Giám sát an toàn thông tin tỉnh Thái Nguyên mới được đưa vào hoạt động.
Theo ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên: “CĐS trước tiên là chuyển đổi nhận thức, do vậy cần tăng cường công tác tuyên truyền, đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức của từng cán bộ, đảng viên, hộ gia đình và DN về CĐS và ứng dụng công nghệ số trong đời sống, sản xuất, thương mại, thực thi công vụ. Cần hoàn thiện cơ chế chính sách, xây dựng chiến lược, kế hoạch, lộ trình CĐS của tỉnh trên cơ sở chiến lược CĐS quốc gia dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để thực hiện CĐS…”
Chuyển đổi số là hành trình gian nan và đầy khó khăn với doanh nghiệp nói chung, nhất là với những doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng. Tuy nhiên, sự nhạy bén, linh hoạt trong sử dụng các giải pháp công nghệ hỗ trợ công cuộc chuyển đổi trong doanh nghiệp phù hợp có thể giúp cho các tổ chức cạnh tranh và bứt tốc mạnh mẽ trong thời gian ngắn./.
Thu Huệ (MBEC)