ĐIỂM SÁNG THU HÚT FDI QUÝ I TẠO KHỞI ĐẦU THUẬN LỢI CHO NĂM 2024
Thu hút vốn đầu tư FDI là một trong các điểm sáng đóng góp vào kết quả tích cực của kinh tế Thái Nguyên quý 1/2024, tạo khởi đầu thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội năm 2024. Kết quả này đã khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của địa phương và tiếp tục đưa ra các quyết định đầu tư mới và mở rộng dự án hiện hữu tại Thái Nguyên.
Nhà máy của Dainese Việt Nam thuộc đoàn Dainese SPA chuyên sản xuất quần áo và các sản phẩm để bảo vệ con người của Ý, thành lập công ty tại TN vào tháng 6 năm 2021. Đến tháng 10 năm 2022. Công ty đã xuất đi container mũ bảo hiểm đầu tiên ra thị trường Châu Âu. Với quy trình sản xuất đảm bảo tuân thủ các quy tắc và đáp ứng các quy trình kiểm định nghiêm ngặt để sản phẩm của công ty được công nhận là sản phẩm an toàn. Dù là doanh nghiệp trẻ, lĩnh vực hoạt động mới nhưng quý 1 năm 2024, công ty đã có sự tăng trưởng cao gấp 2 lần so với năm 2023.
Trong quý I, toàn tỉnh đã thu hút được 7 dự án FDI và 3 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đăng ký trên 471 triệu USD. Trong đó, đáng chú ý là Dự án sản xuất tấm silic đơn tinh thể và pin năng lượng mặt trời của Công ty TNHH Trina Solar Cell Việt Nam (Tập đoàn Trina Solar), với mức đầu tư trên 450 triệu USD. Đây là dự án thứ 3 của Tập đoàn Trina Solar triển khai trên địa bàn tỉnh, nâng tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp này tại Thái Nguyên lên 932 triệu USD. Nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mở rộng nhà máy là một trong những điều kiện để công ty mở rộng sản xuất tại Thái Nguyên.
Đến nay toàn tỉnh có 218 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 11,2 tỷ USD. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc tiếp tục mở rộng đầu tư tại Thái Nguyên của nhiều nhà đầu tư là tín hiệu đáng mừng, thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với địa phương. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay khi tình hình kinh tế trong nước và thế giới đang phục hồi tích cực thì việc khẳng định chất lượng môi trường đầu tư sẽ góp phần gia tăng số lượng dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn vào Thái Nguyên.
Khi nút thắt về hạ tầng giao thông được tháo gỡ, thì nhiều khu công nghiệp của tỉnh sẽ trở thành những cực tăng trưởng liên vùng. Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II, giai đoạn 2 với diện tích trên 296ha, tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng. Dự án này do Công ty CP Viglacera Thái Nguyên làm chủ đầu tư. Quy mô của dự án gồm 2 khu, một khu có diện tích trên 175ha, một khu có diện tích trên 120ha đều nằm trên địa bàn xã Tân Quang và xã Bá Xuyên (TP. Sông Công). Nhà đầu tư góp vốn gần 600 tỷ đồng với cam kết thực hiện trong vòng 36 tháng kể từ ngày được giao đất. Đây cũng là một bước đi quan trọng để góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Thái Nguyên.
Trong bối cảnh hiện nay, Thái Nguyên đang là một trong những tỉnh phát triển năng động bậc nhất khu vực phía Bắc, là điểm sáng thu hút đầu tư của cả nước. Đặc biệt, Thái Nguyên đã lọt Top đầu các tỉnh/thành dẫn đầu thu hút FDI cả nước trong quý 1 năm 2024. Chính vì vậy, việc tổ chức các hoạt động ngoại giao, xúc tiến đầu tư và thương mại tại nước ngoài không những là đòn bẩy, thúc đẩy mạnh hơn nữa thu hút nguồn vốn FDI mà còn là tiền đề quan trọng để Thái Nguyên từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và Vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030. Mới đây nhất, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư tại Hà Lan. Tại Hội thảo, Đoàn công tác mong muốn các doanh nghiệp của Hà Lan quan tâm đầu tư tại Thái Nguyên một số lĩnh vực như: Hạ tầng khu công nghiệp, nông nghiệp, công nghệ thông tin; sản xuất sản phẩm công nghệ linh kiện điện tử; dịch vụ; nông nghiệp và đặc biệt là các dự án về đào tạo nhân lực, xử lý rác thải, khí thải bảo vệ môi trường ....
Các doanh nghiệp của Hà Lan đã trao đổi, thảo luận, kết nối doanh nghiệp và đều có nhận định chung: Hà Lan là địa điểm tiên tiến trong việc cam kết với phát triển bền vững; chất lượng lao động và quản lý; có các chính sách thuế hỗ trợ và quy định rõ ràng về quyền sở hữu trí tuệ. Hà Lan cũng được biết đến với các giải pháp tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng sạch, quản lý tài nguyên và công nghệ xanh. Tỉnh Thái Nguyên cũng đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo vệ môi trường và phát triển theo hướng bền vững; cũng có một lực lượng lao động trẻ trung, đa dạng và có trình độ, sẵn sàng hòa nhập vào môi trường làm việc quốc tế; nhiều ưu đãi về thuế, đất đai và lao động cho các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư mới. Việc hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới và nghiên cứu phát triển sẽ mang lại nhiều cơ hội và lợi ích cho cả hai bên. Tỉnh Thái Nguyên đã và đang thực hiện các cam kết thu hút đầu tư: Hỗ trợ tối đa thực hiện các thủ tục hành chính; đảm bảo ANTT, ATXH; đáp ứng nhu cầu về nguồn lao động; áp dụng chính sách ưu đãi tối đa; cung cấp đầy đủ hạ tầng điện, nước.
Thái Nguyên đang đứng trước nhiều cơ hội mới để thu hút làn sóng FDI. Đặc biệt, từ quy hoạch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, góp thêm những không gian phát triển và đầu tư mới. Do đó, việc tăng cường, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, đặc biệt là xúc tiến đầu tư nước ngoài sẽ giúp tỉnh nắm bắt thời cơ, mở ra cơ hội hợp tác với nhiều nhà đầu tư quốc tế, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
B.T