DOANH NGHIỆP KIỆT SỨC VÌ “CÕNG” CHI PHÍ XÉT NGHIỆM

Tác giả: CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG VÀ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Ngày đăng: 28/09/2021

Đối với doanh nghiệp, sự chuẩn bị tốt nhất để hoạt động trở lại là đảm bảo người lao động được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine, cùng với đó là các mô hình sản xuất thích hợp và các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch...

Tái sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh là bài toán khó đòi hỏi các doanh nghiệp phải đảm bảo cân đối sao cho vừa an toàn, nhưng vẫn phải đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy nhiều doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp có số lượng lao động lớn tại các địa phương giãn cách xã hội, rất khó để giải quyết ngay việc này. Một trong những nguyên nhân là chi phí xét nghiệm Covid-19 quá lớn.

 ĐAU ĐẦU VÌ “TEST”

 Khi nói đến mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa duy trì hoạt động kinh tế thì chúng ta phải nói đến hoạt động lưu chuyển hàng hóa. Nhưng theo ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH quốc tế Delta, chi phí test Covid-19 cho lái xe chở hàng đang là gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp.

 “Với khoảng 200.000 đồng/lần xét nghiệm kháng nguyên hoặc xét nghiệm bằng phương pháp PCR mẫu gộp có giá trị trong 72 giờ, phí xét nghiệm cho một lái xe mất khoảng 2 triệu đồng/tháng, lớn hơn mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên mức lương tối thiểu theo vùng”. Với một đội xe khoảng 150 đầu xe như tại Công ty TNHH quốc tế Delta, chi phí xét nghiệm lái xe hiện là 300 triệu đồng/tháng. Và ròng rã 18 tháng nay, Delta vẫn phải gánh chi phí phát sinh này.

 Bên cạnh đó, việc yêu cầu xét nghiệm “mỗi nơi một khác” cũng đang làm khó các doanh nghiệp vận tải. Yêu cầu lái xe ngoại tỉnh đến cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) giao nhận hàng xuất nhập khẩu với Trung Quốc phải xét nghiệm 3 lần (2 lần PCR, 1 lần test nhanh) gần đây là một ví dụ. Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Logistics: “Doanh nghiệp đã rất khó khăn vì dịch bệnh, nay càng kiệt quệ hơn khi buộc phải xét nghiệm quá nhiều lần khi muốn xuất nhập khẩu qua cửa khẩu,” ông Hiệp cho hay.

Việc yêu cầu xét nghiệm “mỗi nơi một khác” hiện đang làm khó các doanh nghiệp vận tải.

Cùng với doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp sản xuất cũng đau đầu vì chi phí xét nghiệm không kém. Trưởng phòng nhân sự một doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) cho biết: công ty có 3.000 công nhân đang thực hiện “3 tại chỗ”. Theo yêu cầu, ba ngày/lần, công ty phải xét nghiệm 20% tổng số lao động. Mỗi lần xét nghiệm khoảng 600 người, công ty phải thuê đơn vị dịch vụ chuyên xét nghiệm. Việc này khiến doanh nghiệp bị động về thời gian, trong khi việc tập hợp hàng trăm lao động lấy mẫu không phải là dễ.

 Thực trạng này cũng khá phổ biến tại TP.HCM. Công ty cổ phần Thực phẩm CJ Cầu Tre (quận Tân Phú, TP.HCM) phải lo chi phí xét nghiệm 7 ngày/lần cho gần 700 công nhân đang hoạt động tại nhà máy. Nghĩa là cứ 7 ngày công ty này phải chi hơn 100 triệu đồng để xét nghiệm. Tính ra, một tháng, doanh nghiệp này cũng mất gần nửa tỷ đồng cho riêng hoạt động này.

 Bà Đỗ Thị Thuý Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, ước tính xét nghiệm chiếm 70 - 80% chi phí phòng dịch của một doanh nghiệp. “Nếu một doanh nghiệp có hàng nghìn lao động thì chi phí cách ly, xét nghiệm rất lớn, trong khi chi phí một lần tiêm vaccine ít hơn”, bà Hương chia sẻ.

 NÊN TRAO QUYỀN CHỦ ĐỘNG CHO DOANH NGHIỆP?

 Chi phí test SARS-CoV-2 rất cao như hiện nay dẫn đến hai luồng ý kiến trong cộng đồng doanh nghiệp. Thứ nhất là mong muốn Nhà nước hỗ trợ chi phí cho việc xét nghiệm. Nguồn hỗ trợ này có thể trích từ quỹ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, đây là nguồn kinh phí rất lớn, nếu sau này tần suất tăng lên theo mỗi đối tượng, chi phí có thể bị đẩy lên gấp đôi, gấp ba.

 Ước tính xét nghiệm chiếm 70 - 80% chi phí phòng dịch của một doanh nghiệp. Nếu một doanh nghiệp có hàng nghìn lao động thì chi phí cách ly, xét nghiệm rất lớn, trong khi chi phí một lần tiêm vaccine ít hơn.

Thứ hai, nếu không thể hỗ trợ doanh nghiệp về chi phí, thì cần cho phép hệ thống hoạch toán tính chi phí này vào giá thành sản phẩm. Đương nhiên, phương án này sẽ làm giảm ưu thế của doanh nghiệp, ảnh hưởng sức cạnh tranh sản phẩm. Hiện nay, chi phí test chiếm khoảng 15% chi phí cho người lao động, đẩy giá nhân công thêm 15%.

 “Hiện nay, các doanh nghiệp mới chỉ thực hiện test theo quy định, chưa có hướng dẫn về phân bổ chi phí. Chính vì vậy khoản chi này vẫn đang treo, chưa thể tính vào ohạch toán và cũng không biết có được nhận hỗ trợ hay không”, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) băn khoăn.

 

Để giải quyết vấn đề này, mới đây Nghị quyết số 105/NQ-CP đã yêu cầu Bộ Y tế ban hành Văn bản hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mua sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm, thực hiện việc tự xét nghiệm và công nhận kết quả xét nghiệm. Nếu quy định này được thực hiện thì sẽ giúp các doanh nghiệp tiết giảm được khoảng 70% chi phí xét nghiệm cho nhân viên.

 Theo Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta, với khoảng 800.000 lái xe đang tham gia vận chuyển hàng hóa và hàng triệu công nhân ở các vùng trọng điểm công nghiệp trên cả nước đang phải xét nghiệm với tần suất 3 - 5 ngày/lần thì “chính sách này có ý nghĩa với doanh nghiệp không kém bất kỳ một gói hỗ trợ nào mà Chính phủ đã thực hiện cho đến nay”.

Không chỉ là vấn đề chi phí, việc xét nghiệm còn khiến doanh nghiệp bị động về thời gian, khi việc tập hợp hàng trăm lao động lấy mẫu không phải là dễ.

Trên thực tế, Bắc Giang đã hướng dẫn cho công nhân tự xét nghiệm kháng nguyên và công nhận kết quả xét nghiệm. Tương tự, tại TP.HCM cũng đã để người dân tự xét nghiệm và sử dụng kết quả cho công tác phòng chống dịch bệnh. Với những kinh nghiệm đã có, Bộ Y tế hoàn toàn đủ dữ liệu để triển khai thành công chính sách quan trọng của Chính phủ trên phạm vi toàn quốc, đúng thời hạn đã được quy định trong Nghị quyết 105/NQ-CP.

 Doanh nhân, nhà khoa học, ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan, cũng mong mỏi với cách tiếp cận mới của Chính phủ là “sớm bình thường mới” được các địa phương, bộ, ngành hiểu đúng để mở thêm “cánh cửa sống” cho doanh nghiệp. Theo đó, cho phép doanh nghiệp có thể tự đề xuất, lựa chọn phương thức xét nghiệm hiệu quả nhất trong điều kiện của doanh nghiệp với sự giám sát của nhân viên y tế.

 Ông Mỹ cho biết doanh nghiệp của ông đã nghiên cứu ra mô hình có thể chung sống lâu dài với Covid-19. Theo đó, tại cổng và một số vị trí trong nhà máy sẽ được lắp camera hồng ngoại để kiểm tra thân nhiệt. Nếu nhiệt độ cơ thể vượt quá 38 độ C, người lao động sẽ được đưa đi xét nghiệm kháng nguyên, tuỳ theo kết quả mà có phương pháp xử lý. Người có nhiệt độ bình thường được vào làm việc rồi thực hiện test theo mô hình dùng mẫu gộp hai cho người đại diện các phân tổ.

 Bên cạnh đó, ông cho biết chu trình khám sức khoẻ hàng năm cho nhân viên sẽ bổ sung xét nghiệm kháng thể nhằm biết được bao giờ người lao động cần tiêm lại vaccine. Ông Mỹ cho rằng “đây là cách để sống chung với virus mà không tốn kém lắm”.

 Mới đây, 14 hiệp hội doanh nghiệp đã kiến nghị đưa kit test nhanh vào diện được trợ giá và bình ổn giá. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhận định: “Việc trao quyền tự chủ không những giảm áp lực tài chính trong xét nghiệm của doanh nghiệp, mà cơ bản nhất là làm tốt hơn khâu quan trọng trong phòng, chống dịch, đó là test sàng lọc truy vết”.

Bạn đang xem: DOANH NGHIỆP KIỆT SỨC VÌ “CÕNG” CHI PHÍ XÉT NGHIỆM
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền: