MỤC TIÊU LỚN NHẤT CỦA TỈNH THÁI NGUYÊN LÀ PHÁT TRIỂN BỨT PHÁ, TOÀN DIỆN VÀ BỀN VỮNG
(Trao đổi với đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên về những bước đi chiến lược, tạo đột phá cho Thái Nguyên trước thềm năm mới 2023).
Có thể nói, năm 2022 là một năm vô vàn khó khăn của đất nước, trong đó có tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao, tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.Thái Nguyên tích cực phát huy vai trò là cực tăng trưởng quan trọng của Vùng trung du miền núi Bắc Bộ. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,59%, cao hơn so với bình quân chung cả nước. GRDP bình quân đầu người ước đạt 107 triệu đồng/người/năm. Tỉnh đứng thứ 4 toàn quốc về giá trị xuất khẩu (32 tỷ USD) và giá trị sản xuất công nghiệp (932 nghìn tỷ đồng). Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt 19.000 tỷ đồng, vượt 3.986,5 tỷ đồng so với kế hoạch Chính phủ giao, vượt 540 tỷ đồng so với kế hoạch HĐND tỉnh giao.Hiện nay, Thái Nguyên đang tích cực tăng cường thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nhiều hình thức đầu tư; triển khai nhiều công trình, dự án trọng điểm quan trọng, trong đó ngân sách nhà nước chỉ bỏ ra một phần để kích cầu, tạo động lực, điển hình như: dự án Tuyến đường liên kết, kết nối Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc…Thái Nguyên đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp FDI đầu tư mới, đầu tư mở rộng vào các KCN, như dự án Samsung Electro-Mechanics Việt Nam đầu tư mở rộng với số vốn tăng thêm 1,187 tỷ USD, dự án Trina Solar Wafer đầu tư mới 275 triệu USD, dự án Dowooinsys Vina đầu tư mới 30 triệu USD… góp phần đưa tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cả năm 2022 đạt 59,4 nghìn tỷ đồng.
Năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021 – 2025. Do đó, tỉnh đặt mục tiêu giữ vững sự ổn định của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng GRDP đạt 8,5%, GRDP bình quân đầu người đạt 115 triệu đồng/người/năm, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 20.000 tỷ đồng.Để tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, vượt qua các khó khăn thách thức, tạo tiền đề cho các năm tiếp theo, tỉnh Thái Nguyên cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, Đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tạo bước phát triển mới về trí tuệ, bản lĩnh chính trị, được nhân dân tin tưởng.
Thứ hai, các cấp, các ngành quyết tâm thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ phát triển KT-XH gắn với các giải pháp mang tính đột phá, khả thi; Chú trọng tạo ra các động lực tăng trưởng mới phù hợp với các đặc điểm, xu thế và điều kiện phát triển.
Thứ ba, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số quản trị hành chính công (PAPI).
Thứ tư, tiếp tục cơ cấu các ngành, lĩnh vực theo hướng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi số nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm; Tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu. Ưu tiên thu hút đầu tư những dự án công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Thứ năm, thường xuyên quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là lực lượng lao động làm việc trong các khu, cụm công nghiệp; phát triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội, giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội.
Trước thềm năm mới, tôi kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hãy tiếp tục đồng hành cùng chính quyền, phát huy tinh thần đoàn kết, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, lao động sáng tạo, chung sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh giàu có, phồn thịnh, có diện mạo mới, tầm vóc và vị thế mới./.