NGÀNH THUẾ VỀ ĐÍCH SỚM

Tác giả: CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG VÀ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Ngày đăng: 01/01/2022

 

Hai năm trở lại đây, dịch COVID-19 xuất hiện đã khiến mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân bị đảo lộn, việc thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn vì thế gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh ấy, làm thế nào để vừa triển khai tốt kế hoạch thu, vừa hỗ trợ người nộp thuế (NNT) vượt qua khó khăn được ngành Thuế tỉnh xác định là hai nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, trên cơ sở đó để đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả.

 Những con số ấn tượng

Năm 2021, ngành Thuế tỉnh được Bộ Tài chính giao dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) là 9.513,3 tỷ đồng, tỉnh giao thu 12.600 tỷ đồng. Trong đó, thu cân đối trừ tiền sử dụng đất Bộ giao 8.213,3 tỷ đồng, tỉnh giao là 10.013 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 11, toàn ngành thực hiện đạt 12.916 tỷ đồng, bằng 136% dự toán pháp lệnh, bằng 103% dự toán năm tỉnh giao và bằng 124% so với cùng kỳ năm trước. Loại trừ thu tiền sử dụng đất đạt 9.489 tỷ đồng.

Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH KSD Vina, KCN Điềm Thụy (Phú Bình).

Với kết quả này, Thái Nguyên nằm trong tốp 10 tỉnh có tỷ lệ hoàn thành dự toán được giao cao nhất cả nước. Dự ước cả năm, số thu mà ngành Thuế Thái Nguyên sẽ đạt là 14.550 tỷ đồng. Kết quả này không chỉ có ý nghĩa với ngành Thuế trong việc hoàn thành tốt nhiệm vụ thu của năm, mà còn bù đắp được phần thiếu hụt khoảng 700 tỷ đồng ở nguồn thu xuất nhập khẩu do Chi cục Hải Quan Thái Nguyên quản lý. Qua đó giúp cho nhiệm vụ chi thường xuyên cũng như chi cho đầu tư của địa phương được đảm bảo theo dự toán.

Dấu ấn đồng hành, hỗ trợ                                  

Với phương châm “Lấy NNT là trung tâm”, “Cơ quan thuế là bạn đồng hành cùng NNT”, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, đặc biệt là của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên đã triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ dành cho NNT. Cùng với đó, việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” được duy trì và thực hiện tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho NNT.

Công tác tuyên truyền chính sách pháp luật thuế, đặc biệt là các chính sách có ảnh hưởng trực tiếp đến việc kê khai, nộp thuế của NNT; các chính sách hỗ trợ, giải quyết khó khăn trong sản xuất kinh doanh do tác động của dịch COVID-19 đã được phổ biến kịp thời, dưới nhiều hình thức đến NNT. Theo đó, trong năm, thực hiện Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, Cục Thuế tỉnh đã tiếp nhận 1.164 giấy đề nghị gia hạn, với số tiền thuế, tiền thuê đất đề nghị gia hạn tạm tính là trên 1.500 tỷ đồng…

Những giải pháp đột phá

Theo ông Đỗ Trọng Nghĩa, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh: Đã có rất nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ được ngành Thuế tỉnh áp dụng, triển khai ngay từ đầu năm. Nổi bật là công tác thanh kiểm tra các DN có rủi ro cao về thuế. Qua quá trình phân tích và đánh giá tính tuân thủ pháp luật của NNT trên địa bàn, cơ quan Thuế nhận thấy có những DN có doanh thu lớn nhưng lợi nhuận thấp hoặc không có lãi; tỷ suất lợi nhuận thấp hơn nhiều so với các DN cùng quy mô và ngành nghề, dẫn đến số nộp NSNN không tương xứng...

Theo đó, Cục Thuế đã thành lập Ban Chỉ đạo chống thất thu. Trên cơ sở kiểm tra, phân tích tại bàn, phân tích chuyên sâu, tùy theo mức độ, cơ quan Thuế sẽ yêu cầu NNT giải trình, kê khai bổ sung hoặc triển khai ngay công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định. Với cách làm này, 11 tháng năm 2021, tổng số tiền cơ quan Thuế truy thu lên tới trên 80 tỷ đồng.

Cùng với đó, Cục Thuế đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập đoàn công tác rà soát các khoản thu liên quan đến tiền thuê đất và sử dụng đất tại các địa phương có số thu lớn từ nguồn này để kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn. Qua đó đã góp phần giúp chỉ tiêu này trong 11 tháng đạt hơn 4.000 tỷ đồng, bằng 156% kế hoạch năm. Ngoài ra, toàn ngành cũng tăng cường quản lý trong các lĩnh vực giao dịch liên kết, thương mại điện tử; khai thác tài nguyên khoáng sản; bám sát các nguồn thu để kịp thời triển khai các giải pháp thu...

Có thể nói, những giải pháp quả mà Cục Thuế Thái Nguyên thực hiện và đạt được trong năm 2021 không chỉ giúp tỉnh hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu cả năm, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của NNT, cũng như tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị của cán bộ thuế, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế trên địa bàn.

Năm 2022, dự toán thu NSNN trên địa bàn là 18.000 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa là 15.660 tỷ đồng; thu xuất nhập khẩu là 2.340 tỷ đồng, tăng 440 tỷ đồng so với dự toán Trung ương giao.

 

Thu Hằng (baothainguyen.vn)

https://baothainguyen.vn/tin-tuc/kinh-te/nganh-thue-ve-dich-som-296388-108.html

Bạn đang xem: NGÀNH THUẾ VỀ ĐÍCH SỚM
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền: