NỖ LỰC THÁO GỠ MỌI KHÓ KHĂN VƯỚNG MẮC, THÚC ĐẨY TRIỂN KHAI NHANH CÁC DỰ ÁN GIAO THÔNG TRỌNG ĐIỂM
Sáng 25/11/2023, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải chủ trì phiên họp thứ 8 của Ban Chỉ đạo nhằm đánh giá kết quả thực hiện công tác kể từ phiên họp lần thứ 7 đến nay, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trong thời gian tới. Phiên họp được truyền trực tuyến tới điểm cầu trụ sở 45 Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có các dự án giao thông trọng điểm đi qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo phiên họp.
Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mỗi quý, Ban Chỉ đạo tổ chức một phiên họp để đánh giá công việc, triển khai các công việc tiếp theo. Đến nay, chúng ta đã có 34 dự án lớn đưa vào diện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, trong đó có 86 dự án thành phần, 5 dự án đường sắt, 2 dự án cảng hàng không, còn lại là các dự án đường bộ, chủ yếu là đường cao tốc. Các dự án, công trình hiện nay đã mở rộng ra 45 tỉnh, thành phố. Điều đó cho thấy số dự án liên quan các địa phương ngày càng nhiều. Đây là điều đáng mừng, phấn khởi do chúng ta tiếp tục bố trí được nhiều nguồn vốn từ nhiều nguồn khác nhau như nguồn đầu tư trung hạn, tăng thu, giảm chi, tiết kiệm chi, các nguồn vốn của trung ương, địa phương, các nguồn vốn hợp pháp khác để tập trung cho đột phá chiến lược về giao thông.
Từ phiên họp trước đến nay, chúng ta đã làm được nhiều việc: khởi công dự án đường cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang; khánh thành 2 dự án cao tốc Quốc lộ 45-Nghi Sơn và Nghi Sơn-Diễn Châu thuộc dự án cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2017-2020; Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Ban Chỉ đạo đi kiểm tra, đôn đốc, xem xét tháo gỡ những khó khăn, nhất là khó khăn liên quan vấn đề giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng, tiến độ, nâng cao chất lượng các dự án.
Quang cảnh phiên họp.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng chuẩn bị các dự án khác, đang trình Quốc hội thông qua một loạt các dự án; xây dựng một số cơ chế, chính sách để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, trình Quốc hội để ban hành trong những ngày tới. Bên cạnh việc khởi công, khánh thành, đôn đốc, kiểm tra, điều quan trọng là chúng ta cũng chuẩn bị cho các dự án tiếp theo, chuẩn bị các chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án.
Tới đây, chúng ta triển khai một loạt các dự án liên quan các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Do có nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai, Thủ tướng Chính phủ đã có 3 Công điện (số 769, 780 và 794) nhằm tháo gỡ khó khăn, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án hạ tầng giao thông. Ban Chỉ đạo tích cực chỉ đạo, kịp thời nắm bắt tình hình, tháo gỡ những khó khăn, đôn đốc công việc, triển khai các dự án nhanh hơn.
Phiên họp lần thứ 8 nhằm nắm bắt, đánh giá tình hình, chỉ đạo thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện; rà soát cơ chế, chính sách, pháp luật để hoàn thiện, tạo môi trường đầu tư thông thoáng không chỉ cho các dự án trong danh mục các công trình trọng điểm mà cho cả các dự án hạ tầng giao thông khác để triển khai thời gian tới.
Phiên họp diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Thủ tướng đề nghị các địa phương, cơ quan, nhà tư vấn, nhà thầu phản ánh về thủ tục mỏ vật liệu xây dựng thông thường cho các dự án, tiến độ bàn giao mặt bằng, công tác chuẩn bị đầu tư như các dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, Gia Nghĩa-Chơn Thành, Hữu Nghị-Chi Lăng, Hòa Bình-Mộc Châu, Tân Phú-Bảo Lộc…; các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo báo cáo việc chuyển mục đích sử dụng rừng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng dẫn phương pháp xác định giá vật liệu xây dựng tại mỏ của Bộ Xây dựng; thẩm định, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và khả thi của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; vốn ODA cho các dự án đường sắt đô thị của Bộ Tài chính; nghiên cứu sử dụng cát biển và cung ứng vật liệu của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài nguyên và Môi trường; chuyển mục đích sử dụng đất…
Do thời gian có hạn, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tập trung trí tuệ, đóng góp ý kiến, đi thẳng vào vấn đề, đề xuất các phương án, phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn ở địa phương để chỉ đạo, nắm bắt tình hình. Tinh thần là Chính phủ sẽ tập trung phân cấp, ủy quyền, đồng thời phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của các cấp, từ đó mới trưởng thành. Chúng ta sẽ phải căn cứ vào các quy định hiện hành để hướng dẫn, kiểm tra. Không có dự án, công trình cụ thể thì không thể trưởng thành. Cho nên, phải giao việc, phân bổ nguồn lực, đồng thời tăng cường đôn đốc, kiểm tra.
Đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành tham dự phiên họp.
Thủ tướng cho rằng, cũng cần phải đổi mới việc quản lý các công trình giao thông, kể cả đường cao tốc sau khi hoàn thành cho các địa phương. Hiện nay, trên cả nước có nhiều tuyến đường hoàn thành thì phải giao địa phương quản lý để phát huy tính chủ động, sáng tạo, kịp thời.
Nhấn mạnh “đường nào cũng là đường của đất nước”, Thủ tướng cho biết, thời gian tới, khi Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) được ban hành thì sẽ quy định vốn ngân sách nhà nước bao gồm cả ngân sách Trung ương và địa phương. Không nên nghĩ “Trung ương chỉ làm đường quốc lộ, địa phương làm tỉnh lộ”. Những điều gì còn vướng mắc, chưa phù hợp thực tiễn thì chúng ta phải sửa luật. Ngân sách địa phương cũng là ngân sách Trung ương phân bổ xuống, do đó “ai làm tốt nhất thì giao người đó làm”. Vừa qua, việc giao một số địa phương làm cho thấy hiệu quả tốt. Thực tiễn chứng minh là đúng thì cần phải làm. Vấn đề này qua quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phải rút kinh nghiệm, tại sao có nơi làm tốt, chưa làm tốt, nguyên nhân tại sao để từ đó rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội, tìm ra cách làm đúng; tổng kết, đưa vào luật, quy định của Nhà nước. Vấn đề gì chưa chín, chưa rõ, thì phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần.
* Bộ Giao thông vận tải cho biết, đối với công tác triển khai các dự án, các địa phương đã tích cực, quyết liệt triển khai để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đáp ứng tiến độ triển khai thi công. Tuy nhiên, công tác xây dựng các khu tái định cư, di dời đường điện cao thế triển khai chậm so với yêu cầu.
Tiến độ giải phóng mặt bằng dự án Biên Hòa-Vũng Tàu, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đồng Nai chậm hơn nhiều so với mặt bằng chung các tỉnh, thành phố.
Công tác chuyển mục đích sử dụng rừng tại dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng. Dự án Hòa Liên-Túy Loan đi qua khu vực nhiều dân cư, triển khai từ tháng 2/2023 đến nay chưa bàn giao thêm mặt bằng.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu.
Về vật liệu xây dựng thông thường, đối với Dự án cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025: với các dự án thành phần từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa: cát được sử dụng từ 79 mỏ đang khai thác và 14 mỏ mở mới; các nhà thầu đã khai thác được 8/14 mỏ. Đất được sử dụng từ 21 mỏ đang khai thác và 74 mỏ mở mới; các nhà thầu đã khai thác được 27/74 mỏ.
Với dự án thành phần đoạn Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau: các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã bố trí nguồn cung cát đắp được 16,9/19 triệu m3 (trong đó đã và đang khai thác 3,63 triệu m3; đang hoàn thiện thủ tục 13 mỏ với trữ lượng 13,27 triệu m3). Thực tế đến nay, nhà thầu mới khai thác được 0,7 triệu m3.
Ngày 17/11/2023, Bộ trưởng Giao thông vận tải đã làm việc với các địa phương về nguồn cát, các địa phương đã cam kết hoàn thành các thủ tục cấp mỏ trong năm 2023; tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 2,1 triệu m3 chưa xác nhận được nguồn cung cấp và công suất khai thác của các mỏ hiện nay rất thấp.
Dự án Vành đai 4 Hà Nội: thành phố Hà Nội đang phối hợp các địa phương lân cận để bảo đảm nguồn cung cho dự án đoạn qua thành phố Hà Nội; các tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh mới dự kiến nguồn cung cấp chưa triển khai các thủ tục khai thác mỏ vật liệu xây dựng.
Dự án Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột: nguồn cung cấp vật liệu xây dựng trong khu vực đáp ứng nhu cầu; đã trình 14 mỏ đất, 6 mỏ đá, 1 mỏ cát nhưng chưa được xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác.
Dự án Biên Hòa-Vũng Tàu: nguồn cung cấp vật liệu xây dựng trong khu vực đáp ứng nhu cầu, tuy nhiên, trong khu vực đang triển khai đồng loạt các dự án có thể gây thiếu hụt về công suất cung cấp đất đắp.
Dự án vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh: đất đắp, đá, cát xây dựng cơ bản đáp ứng nhu cầu; đang triển khai các thủ tục về khai thác và cung cấp vật liệu xây dựng. Riêng với nguồn cát đắp nền đường thiếu khoảng 20% khối lượng, đề nghị điều phối từ các tỉnh lân cận.
Dự án Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng: tỉnh Hậu Giang và Cần Thơ sử dụng nguồn cát từ An Giang, nhưng mới xác định được nguồn khai thác của 7,5 triệu m3 (55% nhu cầu) và đang hoàn thiện thủ tục khai thác; tỉnh An Giang và Sóc Trăng đã xác định đủ nguồn cung vật liệu, đang hoàn thiện thủ tục khai thác.
Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ phát biểu.
Công tác triển khai thi công Dự án cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2017-2020: tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu tổ chức thi công “3 ca 4 kíp”, khắc phục mọi khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành dự án cầu Mỹ Thuận 2 và dự án Mỹ Thuận-Cần Thơ trước ngày 31/12/2023 và 2 dự án còn lại đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trong năm 2024.
Dự án cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025: sau khi các mỏ vật liệu xây dựng được đưa vào khai thác, các nhà thầu đã tập trung thi công đến nay đạt 14.721/98.372 tỷ đồng (14,96% giá trị hợp đồng); giá trị giải ngân năm 2023 đạt 34.678/46.186 tỷ đồng (75%); tiến độ thi công chậm hơn so với kế hoạch do vướng mắc về nguồn vật liệu xây dựng.
5 dự án đường bộ cao tốc trục đông-tây và đường vành đai khởi công trong tháng 6/2023: hiện nay các chủ đầu tư mới triển khai thi công 36/57 gói thầu xây lắp.
Dự án Bến Lức-Long Thành đang triển khai đáp ứng tiến độ điều chỉnh, sản lượng thi công đạt khoảng 11.462 tỷ đồng (77,5%).
Tỉnh Tuyên Quang đã khởi công dự án Tuyên Quang-Hà Giang vào ngày 21/10/2023; đang tích cực triển khai dự án Tuyên Quang-Phú Thọ, phấn đấu hoàn thành trước ngày 31/12/2023.
Bộ Giao thông vận tải đã khởi công dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành-Đức Hòa vào ngày 18/11/2023.
Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang rà soát, tháo gỡ các vướng mắc trong hợp đồng, thực hiện đào tạo nhân sự, hoàn tất các thủ tục về phòng cháy chữa cháy, nghiệm thu công trình, chứng nhận an toàn hệ thống để phấn đấu đưa vào vận hành thử đoạn trên cao tuyến Nhổn-ga Hà Nội trước 31/12/2023 (thời gian vận hành thử dự kiến từ 3-6 tháng), đưa vào vận hành dự án Bến Thành-Suối Tiên vào cuối năm 2023 và hoàn thành năm 2024.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành: gói thầu 5.10 nhà ga hành khách và các gói thầu khác thuộc Dự án thành phần 3 đã được Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đang chỉ đạo các nhà thầu tích cực triển khai. Dự án thành phần 1 xây dựng trụ sở các cơ quan quản lý nhà nước, Dự án thành phần 2 xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, Dự án thành phần 4 xây dựng các công trình thiết yếu đang được các cơ quan chủ quản triển khai theo kế hoạch đề ra. Gói thầu nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được ACV triển khai thi công bám sát tiến độ đề ra, đến nay giải ngân đạt 2.179/10.825 tỷ đồng (20%)…
MBEC
(Theo nhandan.vn)