Phân tích chi tiết chỉ số PCI Thái Nguyên năm 2021

Phân tích chi tiết các chỉ số thành phần cấu thành Chỉ số và điểm số PCI Thái Nguyên năm 2021

Tác giả: CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG VÀ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Ngày đăng: 06/06/2022

Chỉ số PCI năm 2021 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức công bố vào cuối tháng 4 năm 2021 cho thấy: Thái Nguyên tụt 17 bậc trên bảng xếp hạng, từ vị trí 11 xuống 28, ở Nhóm Khá. 

Đây là thứ hạng thấp nhất trong 10 năm qua của Thái Nguyên trên bảng xếp hạng chỉ số uy tín hàng đầu Việt Nam hiện nay về chất lượng điều hành kinh tế, năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh.  

Những phân tích sau đây của Ban chỉ đạo PCI tỉnh phần nào làm rõ thực trạng và đề xuất 1 số giải pháp, nhằm góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2022 và giai đoạn tiếp theo. 

Trong 10 năm qua, tổng điểm PCI của tỉnh Thái Nguyên năm 2021 là 64,81 điểm, là mức cao thứ 3, chỉ xếp sau 2 năm liền kề trước đó là năm 2019 với 67,71 điểm và năm 2020 với 66,56 điểm. 

Điều này cho thấy, tổng điểm của Thái Nguyên đang có xu hướng giảm nhẹ; nhưng quan trọng hơn, các địa phương khác đang có sự cải thiện mạnh mẽ, tăng điểm rõ rệt và việc cạnh tranh thứ hạng ngày càng gay gắt. 

Chỉ số PCI được cấu thành bởi 10 chỉ số thành phần gồm: Gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai, Tính minh bạch, Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức, Cạnh tranh bình đẳng, Tính năng động, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động, và Thiết chế pháp lý. Với mỗi chỉ số thành phần, lại được cấu thành từ 10 cho đến gần 20 câu hỏi cụ thể ở từng mảng, lĩnh vực.

 

Với chỉ số PCI Thái Nguyên năm 2021, điểm sáng được ghi nhận khi có 3 chỉ số tăng điểm là Tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng và thiết chế pháp lý. Mức tăng mạnh nhất là Tiếp cận đất đai với 0,59 điểm; tiếp đến là cạnh tranh bình đẳng 0,38 điểm và thiết chế pháp lý – một chỉ số thành phần được đánh giá là khó tăng điểm nhất, đã có sự cải thiện nhẹ với 0,13 điểm. 

 

Chỉ số Tiếp cận đất đai, Thái Nguyên xếp thứ 19 cả nước, với một số điểm sáng như sau: Chỉ có 11% doanh nghiệp nhận thấy cán bộ tiếp nhận hồ sơ không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ; chỉ có 33% số doanh nghiệp giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn quy định; doanh nghiệp đánh giá nguy cơ bị thu hồi đất ở mức 1,78 (trong thang điểm cao nhất là 5).

 

Cạnh tranh bình đẳng: Đây là chỉ số nhằm xem xét có hay không sự ưu ái, tạo điều kiện của chính quyền cho doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp thân hữu, so với phần đông còn lại là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đa số các doanh nghiệp được khảo sát đều cho rằng không tồn tại hoặc có nhưng không đáng kể thực trạng này. Đặc biệt có 92% doanh nghiệp cho rằng: Thái Nguyên tôn trọng sự bình đẳng giữa DN lớn và các DN vừa và nhỏ trong cấp phép khai thác khoàng sản. Chỉ số cạnh tranh bình đẳng của Thái Nguyên xếp hạng thứ 12 toàn quốc

Chỉ số thiết chế pháp lý và An ninh trật tự: Thái Nguyên xếp hạng 18 toàn quốc về chỉ số này trong năm 2021. Một số ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp như sau: 95% doanh nghiệp qua khảo sát cho rằng Tòa án các cấp của tỉnh xét xử các vụ kiện kinh tế đúng pháp luật. 90% DN tin tưởng vào khả năng bảo vệ của pháp luật về vấn đề bản quyền hoặc thực thi hợp đồng. 89% DN tin tưởng các cơ quan trợ giúp pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp dùng luật để khởi kiện khi có tranh chấp và đặc biệt: 100% doanh nghiệp cho rằng: họ không phải phải trả tiền bảo kê cho các băng nhóm côn đồ, tổ chức xã hội đen để yên ổn làm ăn. Đồng thời, 75% DN cho rằng Cơ quan công an sở tại xử lý vụ việc của DN hiệu quả.

Bên cạnh những điểm tích cực, trong nhóm 3 chỉ số thành phần tăng điểm, có nhiều khía cạnh vẫn có thể cải thiện, tăng điểm để nhận những đánh giá cụ thể, tích cực hơn nữa từ cộng đồng đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Một điểm đáng chú ý khác, cả 3 chỉ số tăng điểm này đều thuộc vào nhóm chỉ chiếm 5% điểm trọng số. Nghĩa là dù có tăng điểm, nhưng đóng góp chung vào việc cải thiện thứ hạng không nhiều như chỉ số thành phần chiếm đến 20% điểm trọng số. Cách tính trọng số PCI, chúng tôi sẽ phân tích kỹ hơn ở phần giải pháp, để thấy rõ thứ tự ưu tiên cần tăng điểm hoặc ít nhất là không để giảm điểm.  

 

Báo cáo PCI 2021 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ 11.312 doanh nghiệp, trong đó có 10.127 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và 1.185 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 22 địa phương của Việt Nam. Bên cạnh đánh giá chất lượng điều hành và môi trường kinh doanh tại các địa phương, báo cáo PCI 2021 còn đi sâu tìm hiểu về những thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt và ứng phó với dịch bệnh COVID-19 của chính quyền. Từ đó, cho thấy các chính sách trợ giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch cần được thiết kế sát với nhu cầu và khả năng phát triển của từng nhóm doanh nghiệp mới có thể phát huy hiệu quả như kỳ vọng.

Đối với nhóm 7 chỉ số giảm điểm, có thể tạm chia ra 2 nhóm: giảm nhiều và nhóm chênh lệch không đáng kể so với năm trước. Tính minh bạch giảm 0,05 điểm; tính năng động giảm 0,03 điểm; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giảm 0,01 điểm là 3 chỉ số thuộc nhóm giảm không đáng kể. Tuy nhiên, 2 trong 3 chỉ số này là tính minh bạch và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp là những chỉ số thành phần chiếm tới 20% điểm trọng số.

Chỉ số thành phần tính minh bạch: Thái Nguyên đang xếp vị trí 39/63 địa phương. Có 84% DN cho rằng Thái Nguyên minh bạch trong đấu thầu, 89% DN nhận được thông tin khi yêu cầu chính quyền cung cấp, 72% DN khảo sát cho rằng, Vai trò của các hiệp hội DN tỉnh trong việc xây dựng và phản biện chính sách, quy định của tỉnh là quan trọng. Còn lại, các chỉ số về tiếp cận thông tin như tiếp cận tài liệu quy hoạch, pháp lý, Thông tin trên website của tỉnh về các ưu đãi/khuyến khích/hỗ trợ đầu tư của tỉnh, Tỷ lệ DN thường xuyên truy cập vào website của UBND tỉnh đều ở mức chư đạt  50%; Chất lượng website của tỉnh thấp nhất, ở mức 36%. Bên cạnh đó có 36% DN cho rằng cần có thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế giúp doanh nghiệp giảm được số thuế phải nộp.

Chính sách hỗ trợ DN: Tỷ lệ các cơ quan cung cấp dịch vụ hỗ trợ DN trên tổng số doanh nghiệp ở mức 0,08% là rất thấp. Có tới 64% DN cho rằng việc cung cấp thông tin liên quan đến các FTA của các CQNN chưa đáp ứng được yêu cầu và chỉ có 1/3 số DN được khảo sát có biết đến các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội của các FTA.

Chỉ số thành phần tính năng động: 89% số DN khảo sát cho rằng UBND tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; 81% số DN đánh giá UBND tỉnh năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh. Tuy nhiên, có đến ¼ số DN cho rằng: Các Sở ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh và 32% DN cho biết Chính quyền cấp huyện, thị xã không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố. 

Qua nghiên cứu của PCI, với việc triển khai đánh giá Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương – chỉ số DDCI, Thái Nguyên có nhiều yếu tố để sớm cải thiện các chỉ số này. 

 

Nhóm 4 chỉ số có mức giảm nhiều, khá rõ rệt: 

1.         Chi phí không chính thức: giảm 0,19 điểm. Các DN qua khảo sát cho biết, 100% DN phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra xây dựng. 51% số DN ghi nhận có sự nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN; khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện, 61% phải trả chi phí không chính thức.

2.         Đào tạo lao động. Đây là chỉ số thành phần chiếm 20% trọng số, năm 2021 giảm 0,44 điểm từ 7,42 xuống 6,98 điểm. Qua khảo sát, vẫn có 41% số DN cho rằng lao động chưa đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng, 58% cho rằng đ việc tuyển dụng cán bộ kỹ thuật tại tỉnh đang gặp khó khăn và chỉ có 24% DN dễ dàng tuyển dụng cán bộ quản lý, giám sát tại tỉnh. Với tầm quan trọng của chỉ số đào tạo lao động trong các chỉ số thành phần PCI và lợi thế của trung tâm đào tạo nhân lực lớn của đất nước, Đào tạo lao động là chỉ số Thái Nguyên có nhiều dư địa để sớm cải thiện

3.         Chi phí Thời gian: giảm 0,63 điểm. Hầu hết các yếu tố cấu thành của chỉ số này đều được doanh nghiệp đánh giá tích cực, gắn với công cuộc Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là Chính quyền số với 100% dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 và Kinh tế số với việc áp dụng, đẩy mạnh yếu tố hàm lượng công nghệ - thông tin trong điều hành, sản xuất. Tuy nhiên, vẫn có 52% số DN gặp khó khăn khi thực hiện TTHC trực tuyến; 1/3 số DN cần dành nhiều hơn 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện các quy định pháp luật của Nhà nước

Cuối cùng, giảm tới 1,52 điểm từ 8,35 xuống 6,83, chỉ số Gia nhập thị trường có mức giảm mạnh nhất. 6,83 cũng là điểm thấp nhất trong 10 năm qua của chỉ số này. Ở hầu hết các địa phương, chỉ số này đều có xu hướng giảm. Nguyên nhân quan trọng là diễn biến dịch Covid vô cùng phức tạp trong năm 2021, việc đi lại khó khăn, thị trường thay đổi, các khó khăn trong kinh doanh xuất hiện. Nguyên nhân chủ quan: Các thay đổi về quy định, áp dụng linh hoạt trong thực tiễn chưa được triển khai nhanh chóng, do quy định khiến thời gian kéo dài. Nhiều yếu tố thành phần có thể nghiên cứu để cải thiện như số ngày đăng ký doanh nghiệp, thời gian thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ 1 cửa, hỗ trợ tốt hơn các DN kinh doanh ngành nghề có điều kiện.

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT: 

Để góp phần duy trì đà cải cách, tiếp tục cải thiện thứ hạng PCI và xây dựng môi trường kinh doanh thật sự hấp dẫn, nhóm nghiên cứu Ban chỉ đạo PCI tỉnh đề xuất một số nhóm giải pháp sau:

- Thực hiện Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch số 15 ngày 19/01/2022 của UBND tỉnh 

- Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội.

- Nâng cao tính năng động, phát huy vai trò và trách nhiệm của Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố. Tăng cường thanh kiểm tra trách nhiệm công vụ, nhất là lĩnh vực liên quan đến đất đai, xây dựng, thủ tục đầu tư; xử lý nghiêm các biểu hiện không đúng mực, sai phạm 

- Cải thiện PCI là một trong những tiêu chí quan trọng của thi đua, khen thưởng. - Phát huy hiệu quả Tổ Hỗ trợ doanh nghiệp 

- Duy trì thường xuyên, liên tục các hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp. 

- Hiệp hội DN tỉnh phản ánh trực tiếp, cụ thể các vấn đề của doanh nghiệp, cộng đồng đầu tư, kinh doanh.

- Các cơ quan truyền thông của tỉnh và Hiệp hội doanh nghiệp tăng cường tuyên truyền, phổ biến các cơ chế chính sách của nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp.

PCITHAINGUYEN.VN

Bạn đang xem: Phân tích chi tiết chỉ số PCI Thái Nguyên năm 2021
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền: