SAU 2 NĂM THỰC THI CPTPP - GÓC NHÌN TỪ DOANH NGHIỆP
Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ 14/1/2019. Sau hơn 2 năm thực thi, nhiều cam kết của CPTPP đã được triển khai trên thực tế, những kết quả đầu tiên cũng đã được phản ánh thông qua các số liệu thống kê vĩ mô về thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các đối tác CPTPP. Mặc dù vậy, từ cấp độ vi mô, có rất ít thông tin thực tiễn về ảnh hưởng và tác động thực tế của CPTPP từ góc độ của các doanh nghiệp cụ thể, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Công ty Cổ phần Ntea Việt Nam đầu tư tại Thái Nguyên từ năm 2017, lĩnh vực chính là sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm trà hữu cơ. Sau khi Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực tại Việt Nam, đã góp phần thay đổi nhận thức của doanh nghiệp khi chú trọng đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm tối ưu hóa chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Hiện tại, sản phẩm của công ty đã xuất khẩu sang một số thị trường đối tác trong CPTPP.
Ông Nguyễn Kim Cường, Tổng giám đốc Công ty CP Ntea Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đã mang công nghệ từ Israel về như hệ thống tưới tiêu tự động nhỏ giọt, có ứng dụng hệ thống thông minh trí tuệ nhân tạo, đưa enzyme và một số hệ thống công nghệ từ Hoa kỳ về”.
Còn với Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia, một đơn vị đã hoạt động tại Thái Nguyên từ năm 2010 trong lĩnh vực nông nghiệp, trồng và sản xuất các loại nấm sạch công nghệ cao. Hiện tại, sản phẩm của công ty đã xuất sang nhiều thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và 1 số nước Châu Âu. CPTPP được thực thi, qua nhiều kênh thông tin, doanh nghiệp cũng đã nắm bắt các nội dung chính của hiệp định và nhận thấy những tiềm năng xuất khẩu từ thị trường lớn này.
Ông Dennis Lee, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia nhận định: “Việt Nam đã ký kết các hiệp định FTA với nhiều nước trong đó có CPTPP. Những hiệp định này giúp cho các sản phẩm của Việt Nam có thể xuất khẩu sang các nước. Hiện tại, sản phẩm của chúng tôi đã được cấp các chứng nhận cao nhất của Mỹ và Châu Âu, được sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, giờ có thêm hiệp định CPTPP, điều này giúp chúng tôi xuất khẩu sản phẩm sang các nước một cách dễ dàng hơn”.
7 tháng đầu năm 2021, tỉnh Thái Nguyên cấp mới đăng ký kinh doanh cho 475 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là hơn: 4.700 tỷ đồng. Lũy kế đến thời điểm hiện tại, tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh là gần 8.000 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký là hơn 108.000 tỷ đồng. Quyết định chủ trương đầu tư cho 09 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là: 48,4 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 169 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 8.6 tỷ USD. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng tăng theo thời gian và đây chính là lực lượng quan trọng đóng góp vào sự phát triển KT-XH của địa phương, hiểu rõ về CPTPP và các FTA khác, cũng như nắm bắt tốt các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển.
PGS.TS Đỗ Anh Tài, Chuyên gia kinh tế cho rằng: “Khi doanh nghiệp tham gia vào môi trường kinh doanh nói chung thì trực tiếp hay gián tiếp đều sẽ bị các hiệp định thương mại tự do gây nên ảnh hưởng, tác động. Vì thế, doanh nghiệp cần phải có nghiên cứu kỹ về nhu cầu, đòi hỏi của 1 hiệp định FTA. Với CPTPP thì yêu cầu khắt khe hơn so với các hiệp định FTA thế hệ mới khác. Tôi nghĩ rằng nếu doanh nghiệp nghiên cứu kỹ thì hoàn toàn có thể đáp ứng được các yêu cầu, đòi hỏi, tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do khác trong tương lai”.
Thái Nguyên đang không ngừng hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và quốc tế, nắm bắt các cơ hội, vượt qua thách thức từ các hiệp định FTA thế hệ mới không chỉ giúp các doanh nghiệp của tỉnh khẳng định vị thế, cùng nhau phát triển, mà còn góp phần vào sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh trong thời gian tới.