TÁI CƠ CẤU ĐỂ PHỤC HỒI NỀN KINH TẾ SAU ĐẠI DỊCH

Tác giả: CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG VÀ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Ngày đăng: 22/12/2021

Xây dựng lại nền kinh tế phải đặt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 có thể kéo dài và có những yếu tố bất định để có giải pháp phù hợp, sát với tình hình thực tế hơn nhằm không lỡ nhịp với chuyển động của kinh tế thế giới...

Xây dựng lại nền kinh tế phải đặt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Đó là những góp ý được đưa ra tại diễn đàn “Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021 -2025: Những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, giai đoạn 2016-2020 quá trình cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam đã đạt những kết quả tích cực như thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tiếp tục phát triển các loại thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh đã phát huy tác dụng, tạo được niềm tin của nhà đầu tư...

Mặc dù vậy, việc triển khai cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 ở nước ta vẫn còn một số hạn chế. Mô hình tăng trưởng có thay đổi nhưng còn chậm. Tốc độ tăng năng suất lao động nội ngành chưa cao, đóng góp của tiến bộ khoa học công nghệ vào tăng năng suất lao động còn hạn chế.

Bên cạnh đó, việc chuyển dịch cơ cấu nội ngành chưa rõ nét, chưa bền vững. Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu đang hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, nơi tạo ra giá trị gia tăng thấp.

Các ngành công nghiệp chủ đạo như dệt may, da giày, điện tử Việt Nam có tỷ lệ nhập khẩu còn khá cao, nguyên liệu đồng thời phụ thuộc không nhỏ vào một số thị trường.

Khu vực tư nhân phát triển chưa tương xứng với quy mô và độ mở của nền kinh tế. Mức độ phụ thuộc vào khu vực kinh tế nước ngoài chưa giảm.

Mặt khác, còn có những tồn tại, bất cập trong không ít quy định hiện hành đang gây khó khăn cho việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Đặc biệt, cải cách thể chế kinh tế và thực hiện các chương trình cơ cấu lại nền kinh tế chưa được tiến hành một cách nhất quán, toàn diện, đủ rộng và đủ mạnh của kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại để hình thành một cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn.

“Để đạt được các mục tiêu dự kiến đặt ra và khát vọng phát triển đất nước trong thập kỷ tới, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2025 cần được đẩy nhanh hơn và thực sự bứt phá. Muốn trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, tốc độ tăng năng suất lao động ít nhất phải đạt 6,5% hàng năm, cao hơn so với kết quả đạt được giai đoạn 2016-2020 là 5,8%”, ông Phòng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch VCCI cũng chỉ ra, trong tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trên thế giới đã xuất hiện các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số và sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng…

Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, việc tái cơ cấu nền kinh tế cũng cần được doanh nghiệp quan tâm, đặt mình trong vai trò chủ động.

Do môi trường kinh doanh còn có yếu tố chưa ổn định và đặc biệt là sự bất ổn do đại dịch toàn cầu đưa tới nên doanh nghiệp cần thích ứng và có điều chỉnh phù hợp.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt và đặt trọng tâm vào phát triển doanh nghiệp, tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Mục tiêu đạt khoảng 1,3 - 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2025 là một quyết tâm lớn của Chính phủ trong giai đoạn tới. Để mang lại những đột phá mới trong tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn tới, cần tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung xây dựng cơ chế giám sát đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước. Rà soát, hoàn thiện, bổ sung các cơ chế chính sách về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân cũng cần lưu ý, bao gồm việc rà soát toàn bộ các nghị định, văn bản pháp luật liên quan để ban hành văn bản hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc khó khăn theo thẩm quyền; bảo đảm rõ ràng, minh bạch, khả thi trong triển khai thực hiện.

 

https://vneconomy.vn/tai-co-cau-de-phuc-hoi-nen-kinh-te-sau-dai-dich.htm

Bạn đang xem: TÁI CƠ CẤU ĐỂ PHỤC HỒI NỀN KINH TẾ SAU ĐẠI DỊCH
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền: