TẬN DỤNG MỌI CƠ HỘI ĐỂ PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Công nhân Công ty TNHH Công nghệ Cosmos (Khu công nghiệp Khai Quang, Vĩnh Phúc) sản xuất linh kiện xe máy.
Tỷ lệ doanh nghiệp trở lại sản xuất rất cao, thể hiện niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào khả năng phục hồi của nền kinh tế. Nền tảng kinh tế vĩ mô vẫn được duy trì ổn định, tạo dư địa cho công tác điều hành.
Dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế rõ nét hơn trong tháng 11 khi Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 được các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đồng thuận, hưởng ứng và tích cực triển khai thực hiện.
Doanh nghiệp trở lại “đường đua”
Diễn biến tích cực trong “bức tranh” kinh tế 11 tháng năm 2021 là tỷ lệ doanh nghiệp trở lại sản xuất, kinh doanh tăng rất cao. Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong tháng 11, cả nước có 4.958 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, cao nhất kể từ khi bùng phát làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư với biến chủng Delta. Trong đó có 36 trong số 63 địa phương có số lượng doanh nghiệp tái gia nhập thị trường tăng rất mạnh so tháng trước và 45 trong số 63 địa phương có sự gia tăng so tháng 9.
Trong các địa phương phục hồi ấn tượng về số doanh nghiệp “hồi sinh”, có những trung tâm công nghiệp từng là tâm dịch của cả nước. Đơn cử, thành phố Hồ Chí Minh có 1.557 doanh nghiệp quay lại thị trường, tăng 34,6% so tháng trước và tăng 77,1% so tháng 9; Bình Dương có 154 doanh nghiệp quay lại hoạt động, tăng 49,5% và 75%; Đồng Nai có 80 doanh nghiệp, tăng 45,5% và 50,9%...
Tại các địa phương này, doanh nghiệp đang tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ sản xuất trong thời điểm cuối năm nhằm cải thiện doanh thu, đồng thời tìm kiếm đối tác, thị trường mới.
Doanh nghiệp trở lại “đường đua”, kéo theo sự phục hồi của nhiều ngành kinh tế quan trọng. Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Thống kê tổng hợp và Phổ biến thông tin thống kê (Tổng cục Thống kê) cho biết, sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc rõ nét hơn, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 ước tính tăng 5,5% so tháng trước và tăng 5,6% so cùng kỳ. Tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,6% so cùng kỳ.
Đáng lưu ý, xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng với cán cân thương mại hàng hóa tháng 11 ước tính xuất siêu 100 triệu USD, tính chung 11 tháng xuất siêu 225 triệu USD.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính tăng khá, ở mức 6,2% so tháng trước do các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, các cơ sở, hộ kinh doanh đã hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới, cung ứng nhiều hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa đều tăng cao so với tháng trước.
Đây cũng là thời điểm ghi nhận sự tăng trưởng cao về khách quốc tế, đạt hơn 15 nghìn lượt người, tăng 42,4% so tháng trước do nước ta bắt đầu thực hiện lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định
Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong bối cảnh cung-cầu của nền kinh tế đều suy giảm mạnh từ quý III do tác động của đại dịch COVID-19, kinh tế vĩ mô vẫn tiếp tục giữ ổn định là điểm sáng đáng ghi nhận.
Vị chuyên gia dẫn số liệu: Hiện tại kinh tế vĩ mô của nước ta đã cải thiện và vững chắc hơn nhiều so với giai đoạn 2011-2015. Cụ thể, lạm phát bình quân/năm của giai đoạn 2011-2015 là 7,82%, giai đoạn 2016-2020 là 3,15%; tăng trưởng tín dụng bình quân/năm tương ứng là 12,86% và 13,8%. Tỷ lệ mất giá VND so USD trong mỗi giai đoạn lần lượt là 8,26% và 2,61%; cán cân thương mại hàng hóa so với GDP là âm 1,5% và 3,2%; Tỷ lệ nợ công/GDP năm 2016 là 63,7%, năm 2020 là 55,8% (tương ứng 43,5% tính theo GDP mới).
Trong khi đó, tính đến hết quý III/2021, lạm phát bình quân là 1,82%; tín dụng tăng 7,2% so đầu năm và tăng 13,3% so cùng kỳ; giá trị VND tăng 1,5% so với USD, bội chi ngân sách còn thấp, dự trữ ngoại hối hơn 100 tỷ USD.
“Đây chính là dư địa để Việt Nam đẩy mạnh chi hơn nữa cho phục hồi kinh tế trong những năm tới. Phải tận dụng mọi cơ hội để phục hồi và phát triển kinh tế, không thể tự ta trói ta ở mức bội chi từ 3% đến 4% như hiện nay mà chấp nhận một mức bội chi ngân sách cao hơn để có gói tài khóa đủ lớn, đủ mạnh giúp tập trung phục hồi, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng”, TS Nguyễn Đình Cung nói.
Về tình hình kinh tế cuối năm, Tổng cục Thống kê lưu ý một số khó khăn. Đó là doanh thu các ngành du lịch, dịch vụ ăn uống giảm mạnh do người dân thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Giải ngân vốn đầu tư công mặc dù khởi sắc so tháng trước nhưng vẫn giảm 12,9% so cùng kỳ.
Xuất siêu chủ yếu tập trung ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô), trong khi khu vực kinh tế trong nước nhập siêu, thể hiện năng lực của doanh nghiệp nội địa vẫn chưa đủ mạnh để tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, rời bỏ thị trường.
Do đó, Chính phủ cần tiếp tục theo dõi sát, nắm chắc tình hình, diễn biến dịch COVID-19, có biện pháp linh hoạt đối với tình huống cụ thể trong công tác phòng, chống dịch gắn với từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế. Bố trí nguồn lực và có kế hoạch cụ thể nâng cao năng lực hệ thống y tế, thực hiện hiệu quả chiến lược vắc-xin đầy đủ, sớm nhất cho người dân.
Triển khai đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh để ổn định đời sống và phục hồi sản xuất, kinh doanh. Có chính sách phù hợp về phí, lệ phí để kích cầu du lịch nội địa; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị liên quan và doanh nghiệp trong quá trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế về an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Thực hiện các giải pháp phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn, thông suốt của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới; cải thiện nguồn cung, năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh trở lại khi chuyển sang phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; kết nối hiệu quả giữa sản xuất và tiêu thụ, thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Theo NDĐT
https://baothainguyen.vn/tin-tuc/kinh-te/tan-dung-moi-co-hoi-de-phuc-hoi-va-phat-trien-kinh-te-296073-108.html