TĂNG TRƯỞNG XANH MỞ LỐI THU NHẬP BỀN VỮNG

Tác giả: CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG VÀ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Ngày đăng: 26/12/2024

Nằm sâu trong lòng huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên), xã Văn Hán trước đây được biết đến là một vùng quê "vùng sâu vùng xa". Nhưng những năm gần đây, Văn Hán đã chuyển mình mạnh mẽ, khai thác hiệu quả tiềm năng nông nghiệp, đặc biệt là phát triển rừng bền vững và trồng chè hữu cơ. Đây không chỉ là những giải pháp kinh tế mà còn là lộ trình tăng trưởng xanh, mang lại thu nhập ổn định và bền vững cho người dân nơi đây.

"Vàng xanh" từ những đồi chè

Văn Hán được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu trong lành và chất đất phù hợp cho cây chè. Ông Nguyễn Xuân Hiền, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: "Với diện tích tự nhiên lớn nhất huyện, chủ yếu là đồi thấp, cùng khí hậu trong lành, Văn Hán có lợi thế đặc biệt để phát triển cây chè." Nhận thấy tiềm năng đó, xã đã xác định cây chè là cây trồng chủ lực, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, Văn Hán tự hào là địa phương có diện tích chè lớn nhất huyện Đồng Hỷ, với gần 1.000 ha, và 90% người dân có thu nhập từ cây chè. Trung bình mỗi ha chè mang lại khoảng 250 triệu đồng mỗi năm.

Để phát triển kinh tế từ cây chè, xã đã vận động người dân tận dụng đất đồi, đất bãi bỏ trống để trồng chè, đưa các giống chè lai năng suất cao vào sản xuất. Bên cạnh đó, UBND xã còn phối hợp mở các lớp tập huấn về trồng chè an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ vậy, sản lượng chè búp tươi tăng gấp nhiều lần, chất lượng cũng được nâng lên rõ rệt. Minh chứng là từ năm 2020 đến nay, xã đã có 8 sản phẩm chè đạt OCOP 3 sao và 4 sao.

Chị Dương Thị Chang, một người con của đất chè Văn Hán, đã tiếp quản công việc của gia đình sau khi lập gia đình. Với mong muốn nâng tầm sản phẩm chè quê hương, năm 2019, chị đã đứng ra vận động thành lập HTX chè Văn Hán (xóm Ba Quà). Từ 8 thành viên ban đầu, chủ yếu là phụ nữ, đến nay HTX đã có thêm 30 hộ dân liên kết, mở rộng vùng nguyên liệu lên 24ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 6ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Năm 2021, HTX đã xây dựng thành công sản phẩm “Chè tôm nõn Văn Hán” đạt OCOP 4 sao. Hiện tại, HTX có 8 dòng sản phẩm, mỗi tháng cung cấp ra thị trường khoảng 1 tấn chè khô, với giá từ 200 đến 500 nghìn đồng/kg.

Dấu ấn xanh từ rừng FSC

Không chỉ dừng lại ở cây chè, Văn Hán còn ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lĩnh vực trồng rừng. Với hơn 4.000 ha rừng, đến cuối năm 2023, xã đã có hơn 1.300 ha rừng được cấp chứng nhận FSC, trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh đạt được thành tích này.

Ông Nguyễn Xuân Hiền cho biết, để đạt được thành quả này, xã đã nhận được sự hỗ trợ của doanh nghiệp và sự vào cuộc của các cấp lãnh đạo địa phương. Doanh nghiệp cam kết thu mua gỗ keo FSC từ 6 năm tuổi trở lên với giá cao hơn thị trường từ 5% đến 10%. Các nhóm chủ rừng được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ mà không mất chi phí nào. "Từ chỗ phải vất vả vận động, tới nay, người dân đã chủ động gia nhập vào các nhóm trồng rừng FSC", ông Hiền tự hào chia sẻ.

Việc tiên phong trong trồng rừng bền vững ở Văn Hán đã góp phần đưa Đồng Hỷ trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh có diện tích rừng FSC. Những sản phẩm gỗ từ rừng đạt tiêu chuẩn quốc tế đã có "giấy thông hành" vươn ra thị trường thế giới, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân.

Từ những đồi chè xanh mướt đến những cánh rừng được chứng nhận FSC, Văn Hán đang từng bước khẳng định hướng đi đúng đắn trong phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường. Câu chuyện thành công của Văn Hán là minh chứng cho thấy, tăng trưởng xanh không chỉ là xu hướng mà còn là con đường bền vững để nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân.

Bạn đang xem: TĂNG TRƯỞNG XANH MỞ LỐI THU NHẬP BỀN VỮNG
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền: