THÁI NGUYÊN: PHÁT HUY THẾ MẠNH, KHẮC PHỤC HẠN CHẾ, QUYẾT TÂM NÂNG CAO CHỈ SỐ PCI NĂM 2021
Ngày 14/8/2021, tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị Đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 và bàn giải pháp nâng cao chỉ số PCI năm 2021 với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ban, ngành, các hiệp hội và hội doanh nghiệp tỉnh, các huyện, thành phố và thị xã trên địa bàn.
Năm 2020, chỉ số PCI của tỉnh Thái Nguyên đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, dẫn đầu nhóm các tỉnh miền núi phía Bắc. Đây cũng là năm tỉnh Thái Nguyên có số điểm tổng hợp đạt cao so với các năm. Trong đó có 6/10 chỉ số thành phần tăng điểm, chỉ số có điểm cao nhất là “Gia nhập thị trường” đạt 8,35 điểm. Mặc dù thứ tự xếp hạng tăng một bậc so với năm 2019 và được đánh giá là tỉnh có môi trường đầu tư kinh doanh tốt, song nhìn vào vị trí của các chỉ số thành phần PCI tỉnh Thái Nguyên năm 2020, vẫn còn 4 chỉ số thành phần bị giảm so với năm 2019, điều đó khẳng định tính bền vững của chỉ số PCI của Thái Nguyên chưa ổn định. Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, duy trì trụ hạng và tiến tới nâng hạng chỉ số PCI tỉnh Thái Nguyên trong thời gian tới, nhiều giải pháp quyết liệt đã được các đại biểu thảo luận sôi nổi.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng: “Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Thái Nguyên trong những năm qua đã có sự thay đổi rất tích cực và năng động, còn nhiều dư địa cho cải cách và tăng trưởng. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải chọn được hướng đi đột phá, trong đó, đất đai, mặt bằng kinh doanh là yếu tố đầu vào rất quan trọng đối với các doanh nghiệp. Song, đây lại là lĩnh vực phức tạp và khó khăn đối với hầu hết các cải cách. Vì vậy, rất cần sự sáng tạo, đổi mới trong những lĩnh vực cải cách phức tạp. Ngoài ra, trước, trong và sau khi xúc tiến đầu tư, chính quyền cấp tỉnh cần liên tục theo sát bước chân của nhà đầu tư, quyết liệt, tận tâm giải quyết những khó khăn vướng mắc cho họ. Những dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nếu được cung cấp rộng rãi và có chất lượng tốt thì có thể giúp các doanh nghiệp hoạt động tốt hơn trong quá trình sản xuất kinh doanh”.
Ông Nguyễn Linh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên nêu quan điểm: “Để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh trong những năm tiếp theo, tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu như nâng cao vai trò, sự lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến địa phương trong việc cải cách bộ máy và thủ tục hành chính; hoàn thiện các quy định pháp lý, xây dựng các cơ chế chính sách về đầu tư của tỉnh; nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công; tăng cường công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai và bồi thường giải phóng mặt bằng; chủ động đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến và thu hút đầu tư, tập trung kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm năng, sử dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, có tầm ảnh hưởng lớn ở các khu vực, nền kinh tế hiện đại. Chủ động lựa chọn các dự án, lĩnh vực đầu tư có tính khả thi, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025…”.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đề cập đến việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cho các nhà đầu tư; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo chính trị, trật tự an toàn xã hội nhất là các khu vực tập trung nhiều doanh nghiệp, dự án đang hoạt động như các Khu, cụm công nghiệp, các khu dịch vụ thương mại và đô thị; Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn đầu tư công, cải cách thủ tục xét duyệt để rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án đầu tư, bảo đảm cho nguồn lực quan trọng này nhanh chóng đi vào vận hành và phát huy hiệu quả; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về PCI đến cộng đồng doanh nghiệp, cán bộ, nhất là cán bộ cấp xã, phường, thị trấn...
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trịnh Việt Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho rằng, trong những năm qua, chỉ số PCI của tỉnh Thái Nguyên mặc dù đã đạt được những kết quả cao, song lại thiếu tính bền vững, do vậy, việc rà soát, đánh giá để từ đó, phát huy thế mạnh, khắc phục hạn chế, nhằm giữ vững và nâng cao thứ hạng Chỉ số PCI của Thái Nguyên trong những năm tiếp theo là nhiệm vụ quan trọng mà Thái Nguyên hướng tới. Để đạt được điều này, ông Hùng yêu cầu các ngành, các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục sát cánh, đồng hành với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, gia tăng lợi nhuận, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đối với các chỉ số thành phần có kết quả đánh giá thấp, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các ngành, địa phương khẩn trương tham mưu cho Ban Chỉ đạo PCI tỉnh xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) thuộc tỉnh Thái Nguyên, đưa vào đánh giá ngay trong quý III năm 2021. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, công khai các thông tin về định hướng chiến lược phát triển của tỉnh và các cơ chế chính sách thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo lao động, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động; thường xuyên đối thoại với cộng đồng các doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp. Đặc biệt, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ trực tiếp giải quyết công việc liên quan đến công dân, doanh nghiệp. Trong đó, kiên quyết xử lý đối với những trường hợp nhũng nhiễu, phiền hà, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Cũng tại Hội nghị, để chung tay cùng với tỉnh Thái Nguyên và cả nước trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã trao tặng cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Thái Nguyên hệ thống máy xét nghiệm SARS-CoV-2 với tinh thần quyết tâm chiến thắng dịch bệnh./.
MBEC